Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG: 'Tôi muốn Hà Nội là nơi đáng sống của thế hệ người Việt trẻ'

Khi 18 dòng ánh sáng rực rỡ vụt bay, đánh dấu mốc đầu tiên của Dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội ngay trước thềm kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đã khóc. Tình yêu cháy bỏng của một người con Hà Nội, mong ước về một Hà Nội sánh vai với thế giới hơn 10 năm trước, đã bắt đầu thành hình...

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bà Nguyễn Thị Nga, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tặng bà món quà mang ý nghĩa luôn được viên mãn, thịnh vượng và hạnh phúc.

Hiện thực một tầm nhìn dài hạn

“Ngày hôm nay, chúng ta cùng xây dựng thành phố thông minh không phải là dành cho thế hệ chúng ta, mà là xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nhiều thế hệ người Việt sau này. Tại đây, năng lực của người Việt sẽ thực sự được kích hoạt và phát huy một cách tối đa; từ đó tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng. Ước mơ và tâm huyết của tôi luôn muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho Hà Nội, để Thủ đô của chúng ta không bị phá nát bởi những dự án nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, mà phải trở thành một thành phố hiện đại, sánh ngang, thậm chí, vượt các thành phố phát triển khác”.

Bà Nguyễn Thị Nga đã nói những lời tâm huyết đó ngay sau khi bấm nút động thổ Dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội. Hơn 10 năm qua, bà đã không ngừng mơ đến ngày này.

Năm 2009, Hà Nội đang làm phân khu 1/2.000, bà Nga báo cáo với các cơ quan cấp trên, bày tỏ mong muốn tự bỏ kinh phí làm chủ đầu tư lập quy hoạch dự án 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Tháng 5/2009, BRG được nhận nhiệm vụ. Kể từ đó, bà Nga và cộng sự đã bước vào hành trình thực hiện giấc mơ về một Hà Nội cho thế hệ tương lai với vô vàn thách thức.

“Tôi còn nhớ, khi nhà thầu quy hoạch quốc tế yêu cầu phải có khảo sát bình độ 50 cm cho toàn bộ 2.080 ha, để biết chỗ nào là nhà, chùa, đường, trường học… Tôi là dân tài chính, tính thấy rõ kinh phí sẽ phải đổ ra, nhưng còn thách thức về thời gian, về tính khả thi… Dẫu vậy, không thể không làm”, bà kể.

Suy nghĩ mãi, BRG đã tìm ra giải pháp là hợp tác với các đơn vị quân đội. Đến khi họ “trả bài”, mọi người kinh ngạc khi tài liệu chất đầy trên mấy bàn làm việc, đĩa mềm cả sấp.

Bà cũng không quên con số 25 cuộc họp với các sở, ban, ngành của Hà Nội, của Chính phủ. Có những cuộc trao đổi, thảo luận thâu đêm với các nhà tư vấn quốc tế. “Nhiều khi, ý tưởng của nhà quy hoạch kiến trúc nước ngoài và cơ quan quản lý không thống nhất, có những công trình phải nâng lên, đặt xuống nhiều lần. Nhiều lúc mệt, tôi cảm thấy rất cô đơn, tưởng chừng không có ai hiểu và đồng hành với mình, trong khi còn bộn bề bao công việc khác của Tập đoàn”, bà Nga kể.

Nhưng với tình yêu Hà Nội, để người dân có môi trường sống mới chất lượng, bà Nga và BRG đã đi đến những chặng đường cuối cùng. Tháng 12/2015, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bản đồ án quy hoạch được TP. Hà Nội chính thức thông qua.

Sau khi hoàn tất quy hoạch chi tiết, Tập đoàn BRG đã không ngừng tìm kiếm đối tác. Còn nhớ, khi chia sẻ về kế hoạch này, nhiều lần bà Nga nhắc tới yêu cầu về những đối tác đủ tâm, đủ tầm và cùng chung tầm nhìn phát triển bền vững, chỉ có như vậy mới tạo nên một thành phố mang tính biểu tượng cho sức sống mới, mang đến các tiêu chuẩn sống hiện đại và đẳng cấp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam trong tương lai.

Và Sumitomo, một trong những tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản, đã chính thức đồng hành cùng BRG phát triển Dự án Thành phố Thông minh.

Trái tim và khối óc của những người con Hà Nội

Ông Masayuki Hyodo, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc, Tập đoàn Sumitomo Corporation khi trao đổi với báo giới Việt Nam và Nhật Bản bên lề Lễ động thổ Dự án đã dành những lời tốt đẹp nhất, như lời ông là “rất cảm phục về tầm nhìn và sự đam mê” để nói về người chèo lái con tàu BRG.

“Tình yêu đất nước và Hà Nội của bà có thể truyền lửa và truyền cảm hứng cho những người đối thoại khi bắt tay vào triển khai Dự án”, ông Hyodo nói.

Chúng tôi hiểu, Dự án mình đang làm không chỉ là một Dự án hạ tầng thông thường, mà là những cơ sở nền tảng đầu tiên cho sự phát triển của một Hà Nội hiện đại, sánh ngang với các thành phố tiên tiến trên thế giới.

“Dự án này sẽ không sao chép hình mẫu của bất cứ thành phố nào, mà sẽ là một dự án thật đẹp, áp dụng những công nghệ 4.0 mới nhất, cùng đem đến chất lượng sống mới cho người dân”, ông Hyodo nhấn mạnh.

Về phần mình, bà Nga chỉ nói đơn giản: “Tôi luôn muốn cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho quê hương. Trong các chuyến công tác nhiều nước hiện đại trên thế giới, tôi thường trăn trở làm thế nào để Hà Nội cũng có những công trình đẹp và hiện đại như vậy”.

Tọa lạc ở vị trí vô cùng đắc địa, kết nối trực tiếp trung tâm TP. Hà Nội và Sân bay quốc tế Nội Bài, Dự án Thành phố Thông minh được đánh giá là một bệ phóng cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giao thương hàng hóa thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỷ USD, Dự án có quy mô gần 272 ha, được chia làm 5 giai đoạn kết nối chặt chẽ và đồng bộ. Người dân sẽ được hưởng tối đa lợi ích lan tỏa từ việc phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng hiện đại, bền vững; từ đó thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Dự án sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh như năng lượng thông minh, giao thông thông minh, cộng đồng thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh, y tế thông minh và kinh tế thông minh. Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo cũng sẽ được ưu tiên áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn cung và lưu trữ năng lượng.

Song song với thiết kế thành phố thông minh, dự kiến, liên doanh BRG - Sumitomo cũng sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết về ứng dụng các công nghệ thông minh, như công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt, công nghệ blockchain...

Có thể thấy, phát triển Thành phố Thông minh sẽ không chỉ hỗ trợ Hà Nội giải quyết những vấn đề đang tồn tại hiện nay như hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, năng lượng và những bất cập trong quản lý và quy hoạch đô thị, mà còn kích hoạt những động lực tăng trưởng mới cho đất nước, sớm hiện thực hóa nghị quyết về cách mạng công nghiệp 4.0 mà Bộ Chính trị vừa ban hành, trong đó định hướng đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ba-nguyen-thi-nga-chu-tich-tap-doan-brg-toi-muon-ha-noi-la-noi-dang-song-cua-the-he-nguoi-viet-tre-d108867.html