Bà Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ gì trước khi rời ghế Bộ trưởng?

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, qua 8 năm làm 'tư lệnh' ngành, kết quả đạt được là người dân hài lòng hơn nhiều và 'đó là niềm vui nhất'. Bà Tiến cũng chia sẻ: 'Một số vấn đề về dược đang giải quyết và tôi cũng bị thị phi, nhưng thông tin không trung thực...'

Theo chương trình làm việc, ngày 25/11, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội vào buổi sáng làm việc đầu tiên của Kỳ họp, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau khi được miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, bà nhận nhiệm vụ mới là Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

 Bà Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ với các phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng 21/10

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ với các phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng 21/10

- Nhìn lại nhiệm kỳ của mình, bà có cảm thấy áp lực không khi là nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ mà lại đảm nhiệm một lĩnh vực khá “nóng”, đó là vấn đề sức khỏe của người dân?

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến: Làm Bộ trưởng thì ngành nào cũng áp lực. Nếu quyết tâm thì phải cố gắng. Là nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ, điều đó là chuyện nhân sự chứ không có gì mà phải thấy có cảm giác gì khác. Tôi nghĩ rằng, trên cương vị Tư lệnh ngành, điều để lại nhất là làm được cái gì, ít ra là có sản phẩm gì cho người dân, xã hội. Muốn vậy thì phải “năng nhặt chặt bị”, lấy cần cù bù thông minh, nhất là với ngành này phải có thời gian; cần đặt sự cống hiến hết sức, có chiến lược bài bản, có hệ thống cấu trúc, từng bước, từng bước giải quyết các vấn đề và phải tranh thủ, học tập rất nhiều kinh nghiệm của quốc tế.

Quy luật của cuộc sống là mâu thuẫn luôn phát sinh, phát triển. Giải quyết việc này thì việc khác lại phát triển. Chúng ta phải giải quyết mâu thuẫn đó để phát triển một cách cao hơn.

- Như Bộ trưởng nói ít nhất phải để lại cái gì, trong quá trình công tác, bà tự thấy mình đã để lại được gì cho xã hội?

Trong khuôn khổ nhiệm kỳ này thì tôi phải làm hết sức, phải có những sản phẩm, dù bé nhỏ, chứ không thể buông xuôi, chông chênh.

Thực ra, 8 năm vừa qua, cả ngành rất tâm huyết và nhiều chính sách rất đổi mới, toàn diện. Kết quả đạt được là người dân hài lòng hơn nhiều và đó là niềm vui nhất.

Trong thời gian qua, Đảng đã có các Nghị quyết. Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ rất nhiều về các chính sách và ngành có những sự quyết liệt, sáng tạo. Các chính sách đó đều dựa trên việc hội nhập quốc tế và được vận dụng một cách rất cụ thể, sáng tạo ở Việt Nam.

Điều tôi ấn tượng rất sau 8 năm là tăng sự hài lòng của người dân, chất lượng dịch vụ tốt hơn và bảo hiểm y tế lo cho cả người nghèo, người khó khăn. Tức là Luật Bảo hiểm sửa đổi đã mua 100% bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo 70%.Đánh giá của các tổ chức độc lập cho thấy trên 80% số người dân đều hài lòng.

- Chuẩn bị đi nhận nhiệm vụ mới, bà có thấy trăn trở công việc gì còn đang dang dở không?

Nếu nói đến điều đang làm và cần tốt hơn, thì tôi thấy đó vấn đề là y tế cơ sở và chăm sóc cho người khỏe. Còn bệnh viện là điều sau cùng, nhưng vừa qua phải tập trung để hài hòa, giải quyết sự quá bức xúc của người dân.

Thực tế, số người bị bệnh chỉ chiếm 5% - 10% dân số nên chúng ta cần chăm sóc, dự phòng, phát hiện bệnh sớm, nhất là các bệnh tim mạch, tiểu đường... Phải gắn y tế cơ sở và tiến tới bao phủ y tế toàn dân và đó là mong ước của Liên Hợp quốc, các tổ chức y tế quốc tế.

Còn nói những thứ phải lo cho người dân thì còn rất nhiều, và trách nhiệm là của các thế hệ sau. Như tôi đã nói, giải quyết mâu thuẫn này sẽ có mâu thuẫn sau tiếp. Ví dụ như nhiều công trình xây dựng có những vướng nên chưa thể xong sớm để người dân được chăm sóc tốt hơn.

Một số vấn đề về dược đang giải quyết và tôi cũng bị thị phi, nhưng thực chất, thông tin không trung thực, chính xác qua mạng ngoài lề. Tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng sẽ làm công minh, chính xác, đúng người, đúng việc, không bỏ sót, không oan sai để xây dựng nền y tế phục vụ người dân tốt hơn.

- Nếu có thang điểm, bà sẽ chấm cho mình điểm mấy?

Tôi chẳng dám chấm điểm và chả ai chấm điểm cho mình. Ở đây, chỉ biết rằng, anh em toàn ngành từ cơ quan Bộ Y tế đã rất quyết liệt, rồi đến các Sở Y tế, các bệnh viện, các trạm y tế có áp lực công việc rất kinh khủng.

Tôi cũng có áy náy là áp lực cho anh em nhiều quá, thay đổi quá nhiều, quá nhiều việc. Tuy nhiên từ áp lực đó, khi có kết quả, những Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo bệnh viện tỉnh, huyện lại rất hạnh phúc. Tôi đến thăm, các lãnh đạo ở cơ sở cứ dẫn tôi đến các bệnh viện khoe đã làm được điều này, điều kia.

Đi thăm bệnh nhân, ai cũng khen “giờ đỡ lắm rồi” và có người nói là “chỉ mong Bộ trưởng mạnh khỏe để chúng tôi được nhờ.”

- Bà có băn khoăn là khi thôi Bộ trưởng nhưng chưa rõ nhân sự kế nhiệm?

Tôi đã rời Ban cán sự đảng của Bộ nên không có ý kiến gì về việc này.

- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201910/ba-nguyen-thi-kim-tien-chia-se-gi-truoc-khi-roi-ghe-bo-truong-642209/