Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam: 'Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày di sản'

Trong khi phần lớn các bảo tàng ở ta bao lâu nay đều rơi vào tình trạng 'ế ẩm', thì Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (BTPN VN) trong khoảng gần một thập niên qua đã trở thành một địa chỉ 'nóng' trên bản đồ du lịch của thủ đô. Với quy mô chỉ chừng 2.500 mét vuông (kể cả sân, vườn), BTPN VN được coi là một bảo tàng (BT) nhỏ, nhưng những thành quả, ảnh hưởng của BT đối với công chúng nói chung và giới BT nói riêng không hề nhỏ. Nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ VN và 30 năm Ngày thành lập BTPN VN, PV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc BT và cũng là một trong những người gắn bó với BT ngay từ những ngày đầu thành lập.

Bà Bích Vân cho rằng, con đường đi của BTPN (mặc dù tự tìm tòi) đã khẳng định đang đúng xu thế của thời đại, đóng góp được vào sự phát triển văn hóa chung cũng như thay đổi nhận thức của cả người quản lý lẫn công chúng, rằng, BT không chỉ là nơi trưng bày, bảo tồn di sản mà nó còn là một thiết chế giáo dục văn hóa rất tốt cho cộng đồng.

Nói vậy, nghĩa là có được thành công như ngày hôm nay, tập thể những người làm ở BTPN phải tiên phong thay đổi nhận thức, thưa bà?

- Đúng, nó phải bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức, từ lãnh đạo tới những người làm BT. Một điều cơ bản nhất mà chúng tôi nhận ra rằng, BT không phải là nơi trưng bày hiện vật một cách khô cứng, nói đến các câu chuyện của quá khứ, mà BT phải đặt vào cuộc sống hiện tại, nó phải gắn với sự vận động của xã hội với những vấn đề mà người ta đang quan tâm, mong muốn thể hiện. Từ nhận thức đó, trước khi có trưng bày đổi mới, chúng tôi cũng có sự chuẩn bị đến 7 - 8 năm. Manh nha trước đó đã có những trưng bày chuyên đề được mọi người hết sức quan tâm như: “Cuộc sống của phụ nữ làng chài Cửa Vạn”. Rồi năm 2008, trưng bày “Gánh hàng rong” ra đời - đúng vào thời điểm thành phố có chủ trương cấm bán hàng rong - vì thế, nó đáp ứng đúng với nhu cầu được “lên tiếng” của nhóm người đó. Sau đó, chúng tôi tổ chức được buổi tập huấn cho một nhóm người bán hàng rong những kiến thức kiểu như: Tuyến phố nào cấm, tuyến phố nào không cấm, bán hàng rong như thế nào cho văn minh, trật tự, cái gì nên, cái gì không nên… Sau đó, nhóm người này đã tuyên truyền lại cho những bạn hàng của họ một cách khá hiệu quả.

Sau này, chúng tôi tiếp tục làm các trưng bày khác như “Đêm sáng” về phụ nữ di cư - những người làm cửu vạn ở chợ Long Biên; đặc biệt là trưng bày “chuyện những bà mẹ đơn thân” (ở xã Tân Minh, Sóc Sơn - Hà Nội). Để có chuyên đề này, chúng tôi cũng phải đi khảo sát, thỏa thuận với họ cho mình làm triển lãm. Phần lớn những người mẹ đơn thân là quá lứa lỡ thì, trở về từ cuộc chiến... và muốn có con nhưng với tư tưởng của người Việt Nam, việc đó không phải dễ dàng gì, đôi khi còn bị đối xử bất công, nói tóm lại họ bị coi là nhóm yếu thế trong xã hội. Sau cuộc trưng bày đó, cuộc sống của những người phụ nữ ấy cũng thay đổi nhiều, BT cũng giúp đỡ họ bằng cách bán sản phẩm thủ công do họ làm ra…

30 năm hình thành và phát triển - một khoảng thời gian không quá ngắn nhưng cũng không quá dài - bà có thể điểm qua những thành quả mà BTPN VN đã đạt được?

- Năm 1987, BTPN VN được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và của Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN VN. Những ngày đầu, nhiều người cho rằng, BT Phụ nữ chỉ là một phần nội dung được tách ra từ BT Cách mạng; thiếu thốn cả về nguồn lực lẫn cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn chỉ có 3 - 4 người. Năm 2007, BTPN VN tổ chức thực hiện Dự án chỉnh lý, nâng cấp nội dung trưng bày thường xuyên. Năm 2010, một hệ thống trưng bày mới hoàn toàn chính thức đưa vào phục vụ khách tham quan với hơn 1.000 tài liệu, hiện vật; hệ thống trang thiết bị hiện đại, giải pháp trưng bày độc đáo. Qua đó, hình ảnh người phụ nữ VN được tái hiện sinh động qua 3 chủ đề “Phụ nữ trong gia đình”. “Phụ nữ trong lịch sử” và “Thời trang nữ”.

Qua bao thế hệ dày công nghiên cứu, sưu tầm, đến hôm nay BTPN VN đã có gần 40 nghìn tài liệu, hiện vật với nhiều sưu tập hiện vật có giá trị. Đặc biệt, với sáng kiến nghiên cứu đầu tư cho ra đời hệ thống thuyết minh tự động bằng 3 thứ ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, BTPN VN trở thành một trong những BT tiên phong ở VN trong ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động phục vụ khách tham quan. Bên cạnh đó, BT còn có “Phòng khám phá” dành cho trẻ từ 5 - 15 tuổi với các hoạt động giáo dục như tìm hiểu về khoa học, các nghề truyền thống, phát triển óc sáng tạo, giáo dục giới…

Từ năm 2012 BTPN đã trở thành điểm tham quan du lịch hàng đầu ở HN do Trip Adviser bình chọn. Năm 2016 được công nhận là điểm tham quan du lịch hàng đầu do Bộ VHTTDL bình chọn. Từ năm 2014 đến nay vẫn được bình chọn là 1 trong 25 BT hấp dẫn nhất Châu Á. Có thể nói, đến giờ tất cả các diễn đàn về BT trên thế giới, người ta đều biết đến BTPNVN, họ coi đây là một mô hình phát triển rất thành công. Đặc biệt, năm 2016, hội nghị BT mang tên “Những di sản có tầm ảnh hưởng” (The Best Heritage) chỉ gồm 28 nước tham dự, trong đó có BTPNVN.

Nghe nói, từ ảnh hưởng tích cực của Dự án chỉnh lý, nâng cấp nội dung trưng bày thường xuyên, các cán bộ chuyên môn của BTPN VN còn có thêm “nghề” tư vấn trưng bày?

- Có thể nói, đội ngũ làm công tác chuyên môn của BT hiện nay đã trưởng thành vượt bậc, đủ năng lực tham gia tư vấn, tổ chức nghiên cứu nội dung, trưng bày cho một số BT và nhà truyền thống của các bộ, ngành như: Ngân hàng Nhà nước VN, Tập đoàn Điện lực VN, Học viện Phụ nữ VN, Bảo tàng CA Hà Nội; Nhà truyền thống Bộ KH-ĐT, Học viện An ninh Nhân dân, trường THCS Trưng Vương, trường THCS Amsterdam; Không gian lưu niệm Phủ Chủ tịch... Bên cạnh đó, nhiều cán bộ đã được theo học các khóa đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo của ngành ở trong nước và quốc tế. Những hoạt động này đã tạo nền tảng quan trọng để đội ngũ cán bộ của BTPN VN có tác phong làm việc theo hướng chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu.

Được biết, “làm tốt công tác nghiên cứu trưng bày theo hướng tiếp cận một BT giới hiện đại, năng động và độc đáo” là một trong những mục tiêu phát triển của BT. Bà có thể nói rõ hơn?

- Trong chiến lược phát triển sắp tới, BT sẽ phát triển những bộ sưu tập đặc sắc, đó là cách để làm giàu cho BT. Từ việc phát triển các bộ sưu tập độc đáo của phụ nữ, trong tương lai, nếu BT có cơ hội được mở rộng thì sẽ giới thiệu các bộ sưu tập quý giá như: Tranh cổ động trong 2 cuộc kháng chiến; trang phục phụ nữ các dân tộc VN; những lá thư thời chiến; kỷ vật chiến tranh... Đó là bước chuẩn bị tiềm lực bên trong để cho những trưng bày sau này. Hiện nay, chúng tôi đang hướng tới mục tiêu sưu tầm bộ sưu tập 100 gương mặt phụ nữ có tầm ảnh hưởng đối với đất nước.…

Muốn làm tốt thì BT phải biết “làm giàu” bằng các bộ sưu tập của mình, cộng vào đó là tư duy chiến lược. Phải xác định được công chúng là đối tượng để mình phục vụ và là mục tiêu để BT hướng mọi kế hoạch hành động của mình tới. Phải thay đổi tư duy làm BT: Những ký ức, di sản phải gắn với cuộc sống; cuộc sống hôm nay cũng sẽ là di sản ngày mai. Phải mang BT đến với công chúng. Ngược lại, công chúng sẽ mang lại những câu chuyện, di sản, ký ức đến đóng góp cho BT. Đây là sự tương tác 2 chiều. Chúng tôi luôn cho rằng, làm gì thì làm nhưng phải xem công chúng người ta muốn gì, chứ không phải chỉ đưa ra sản phẩm mà bản thân những người làm BT nghĩ rằng là được. Từ tư duy đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức những trưng bày gắn với cuộc sống, gắn với trải nghiệm làm cho khách tham quan thực sự thích thú khi đến bảo tàng.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

diễm anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ba-nguyen-thi-bich-van-giam-doc-bao-tang-phu-nu-viet-nam-bao-tang-khong-chi-la-noi-trung-bay-di-san-571059.ldo