Ba ngày, xử phạt 668 tài xế vi phạm nồng độ cồn: 'Nâng mức phạt là đòi hỏi cấp bách của xã hội'

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tuyên truyền phổ biến pháp luật, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, trong ba ngày đầu áp dụng Nghị định 100/2019 (từ đêm mùng 1 đến ngày 4/1), CSGT toàn quốc đã xử phạt 890 triệu đồng với 668 tài xế ôtô, xe máy. Trong đó phần lớn tài xế xe máy bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn, tài xế xe ôtô chiếm phần ít và chưa ghi nhận trường hợp nào đi xe đạp bị phạt.

Một tài xế được CSGT yêu cầu đo nồng độ cồn. Ảnh minh họa

Một tài xế được CSGT yêu cầu đo nồng độ cồn. Ảnh minh họa

Việc xử phạt nồng độ cồn với tài xế ôtô, xe máy được CSGT toàn quốc làm thường xuyên nên không gặp khó khăn. “Tuy nhiên, quá trình xử phạt, nhiều tài xế cố tình không chấp hành, viện nhiều lý do như không biết mức xử phạt mới để không bị kiểm tra nồng độ cồn. Việc này gây khó khăn, mất nhiều thời gian cho lực lượng thực thi”, Thượng tá Nhật nói.

Lãnh đạo Cục CSGT cho biết, tất cả tài xế cố tình chống đối, để lại xe, không hợp tác với cảnh sát sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Cụ thể, tài xế ôtô 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng; xe máy 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Đánh giá về mức phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP mới có hiệu lực, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, mức phạt này vẫn còn thấp hơn nhiều nước.

“Tai nạn liên quan tới rượu, bia là nỗi nhức nhối của xã hội, để lại hậu quả lớn về người và tài sản. Chúng ta không bao giờ quên vụ lái xe container sử dụng rượu, bia đâm vào hàng loạt người dân đang chờ đèn đỏ tại Long An đầu năm 2019; vụ lái xe sử dụng rượu, bia đâm vào xe máy làm hai người chết tại hầm Kim Liên (Hà Nội), hay người chồng say rượu tự đâm vào dải phân cách làm vợ và hai con tử vong tại Bắc Giang... Đây chỉ là ví dụ điển hình trong rất nhiều vụ tai nạn liên quan tới uống rượu, bia khi lái xe.

Bởi vậy việc nâng cao mức phạt với hành vi đặc biệt nguy hiểm như vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe là có cơ sở. Việc này không có mục tiêu nào khác là bảo vệ sự an toàn của chính người dân, là đòi hỏi cấp bách của xã hội”, ông Hùng nói.

So sánh với các nước, ông Hùng cho rằng mức phạt của Việt Nam không phải cao, nếu xét tổng thể vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Nhìn sang các nước, Nhật Bản phạt 5.000-10.000 USD, Anh và Singapore khoảng 4.000 USD (khoảng 1-2 tháng lương). Ngoài ra, người vi phạm còn chịu phạt tù 3-6 tháng (ở Anh, Singapore), thậm chí ba năm như ở Nhật, Hàn Quốc, kèm theo tước giấy phép lái xe, chịu lao động công ích và học lại luật, thi lại bằng. Nếu tái phạm, người vi phạm sẽ chịu mức phạt lũy tiến cao gấp nhiều lần. Tất cả trường hợp đó đều bị tăng bảo hiểm trách nhiệm dân sự rất nhiều.

“Trong điều kiện Việt Nam, nâng mức phạt như Nghị định 100 là cần thiết nhưng mới giải quyết được một góc vấn đề. Hiện chúng ta chưa có dữ liệu về lái xe vi phạm an toàn giao thông nên tính răn đe trong xử phạt không cao. Thời gian tới, theo tôi cần có hệ thống dữ liệu quốc gia về vi phạm trật tự an toàn giao thông, quản lý việc tuân thủ pháp luật của lái xe và phạt lũy tiến nếu tái phạm.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể cho khoản 4 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn; đa dạng hóa hình thức xử lý như bổ sung hình phạt lao động công ích, tăng mức bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới... Tôi cho rằng đây là những bước đi cần thiết để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xử lý vi phạm nghiêm trọng về trật tự an toàn giao thông”, lời ông Hùng.

Giải pháp nào để dung hòa giữa nhu cầu uống rượu, bia của cá nhân với việc chấp hành quy định pháp luật? Ông Hùng nói: “Pháp luật không cấm người dân sử dụng rượu, bia một cách hợp pháp, chỉ cấm sử dụng trước khi điều khiển phương tiện giao thông. Một cơ quan tổ chức sự kiện, có sử dụng nhiều rượu, bia, nếu ban tổ chức bổ sung luôn chi phí đi lại bằng xe công cộng cho từng người, hoặc thuê xe cho người lao động thì rủi ro tai nạn giao thông gần như không có. Hoặc thay vì uống rượu, bia tại một quán xa nhà vào ngày làm việc, nên tìm một nơi gần nhà vào dịp cuối tuần để có thể đi bộ hoặc xe công cộng.

Chúng ta cũng có thể đi nhờ, cắt cử một vài người không uống rượu để chở những người khác về nhà, hoặc nhờ người thân đưa đón... Rõ ràng có rất nhiều lựa chọn để có thể uống rượu, bia mà không phải lái xe.

Ngoài ra, có một lĩnh vực mà cơ quan quản lý cũng phải quan tâm đầu tư phát triển, đó là không gian đi bộ và vận tải công cộng, không chỉ ở thành phố lớn mà tất cả mọi nơi. Chúng ta đang sống trong môi trường cơ cấu phương tiện đi lại rất bất hợp lý, lệ thuộc lớn vào xe cá nhân, trong khi phương thức vận tải công cộng còn rất hạn chế. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương”.

V.Sơn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-thong/ba-ngay-xu-phat-668-tai-xe-vi-pham-nong-do-con-nang-muc-phat-la-doi-hoi-cap-bach-cua-xa-hoi-488588.html