Ba ngày Tết và con số ba

Nhân ba ngày Tết, thử tản mạn đôi điều về đôi ba chuyện thú vị với con số ba trong một số tục ngữ, ca dao tiếng Việt.

Ba chàng ngự lâm pháo thủ (hay Ba chàng lính ngự lâmLes Trois Mousquetaires) là một cuốn tiểu thuyết mạo hiểm lịch sử (historical adventure novel), do nhà văn Pháp Alexandre Dumas (1802 – 1870) xuất bản năm 1844, đã được dịch sang tiếng Việt và được tái bản nhiều lần ở Việt Nam. Tình cờ, số ba trong tựa của cuốn sách cũng xuất hiện nhiều hơn các son số khác trong tục ngữ, ca dao tiếng Việt.

Gần nhất trong ngữ cảnh ngày Tết là “ba ngày Tết”. Về mặt truyền thống, Tết âm lịch Việt Nam kéo dài ba ngày đầu năm – mồng một, mồng hai, mồng ba. Nhưng sao không là một, hai hay bốn mà là ba? Người viết không rõ câu trả lời, nhưng theo ý mình có lẽ ban đầu nghỉ Tết một hay hai ngày thì quá ngắn, nhưng nhiều hơn ba thì hơi dài.

Nhưng phải chăng thực sự Tết chỉ có ba ngày đầu năm? Xin thưa, không phải. Nhiều người Việt cho rằng ba ngày đầu năm chỉ là thời gian để Tết kết thúc. Theo họ, Tết lại có ý nghĩa nhất ngay trong những ngày… trước Tết – khoảng một hai tuần trước ngày mồng một. Người Việt thường cho rằng đây là thời gian họ bận rộn nhất trong năm vì phải chuẩn bị cho “ba ngày Tết”. Ai cũng muốn hoàn tất công việc trước khi Tết đến – không chỉ việc ở cơ quan, công ty mà còn việc sửa soạn nhà cửa tươm tất – để được tận hưởng “ba ngày Tết”.

Bây giờ chúng ta trở lại với Alexandre Dumas và Les Trois Mousquetaires của ông một chút trước khi tiếp tục bàn chuyện Tết. Rõ ràng, tựa sách nói về ba chàng ngự lâm quân (Athos, Porthos và Aramis), nhưng chính D’Artagnan mới là nhân vật chính của tác phẩm này dù mãi đến sau này D’Artagnan mới trở thành ngự lâm quân. Câu chuyện “một người vì mọi người, mọi người vì một người” sẽ không thể xảy ra nếu không có D’Artagnan. Vì thế, “ba chàng ngự lâm” quân thực ra là câu chuyện về “bốn chàng ngự lâm quân” dù bắt đầu chỉ có ba.

Tương tự, về mặt “chính danh”, ba ngày đầu năm tượng trưng cho Tết âm lịch. Nhưng nếu ba ngày Tết mà không có ba mươi Tết thì cũng giống như Ba chàng ngự lâm pháo thủ mà không có D’Artagnan. Thậm chí ngày ba mươi còn quan trọng hơn cả Tết vì nếu không có ngày này thì làm sao có Tết!

Người viết không rõ vì sao Alexandre Dumas chỉ chọn ba nhân vật ngự lâm quân trong tác phẩm của mình. Nhưng có một thực tế là trong các tục ngữ, ca dao tiếng Việt, rất nhiều câu chọn con số ba hơn các con số khác. Nội dung các câu với số ba rất phong phú, đề cập đến nhiều lãnh vực và cách xử thế trong đời sống hàng ngày. Xin đề cập đến một số như sau.

Để chỉ số phận long đong, người Việt có câu ba chìm bảy nổi. Nói về tính hay “tám” là ba điều bốn chuyện; còn muốn chỉ giải quyết cùng lúc nhiều việc thì dùng câu ba xôi nhồi một chõ.

Muốn chỉ người phải dùng sức lực gấp mấy lần người bình thường (mà vẫn không làm xuể) thì nói ba đầu sáu tay; ba trợn ba trạo chỉ người ngỗ ngáo; ba bè bảy mối chỉ nạn chia bè chia cánh. Nếu khắp bốn phía đều có một sự kiện gì đó thì dùng ba bề bốn bên. Nếu chẳng may ba bề bốn bên đều có kẻ thù thì cần ba chân bốn cẳng quất ngựa truy phong ngay.

Dân công sở thường than lương của họ ít ỏi, chỉ ba cọc ba đồng. Ngày xưa để nói sự giàu có thì dùng ba bò chín trâu. Nếu một chuyện nói qua nói lại tam sao thất bổn (câu này không có số ba nhưng vẫn là số ba) thì ba mặt một lời là cách giải quyết tốt.

Ba bảy hai mốt ngày dùng để than thời gian ơi sao mi trôi qua nhanh quá vậy! Nhưng 21 ngày là ba tuần lễ, đâu có ngắn. Có lẽ ý nói ba tuần trôi qua như một cái chớp mắt. Trong khi đó, ai cũng biết ba đánh một không chột cũng què nên cần liệu sức của mình.

Cùng để chỉ phần hồn của con người, nhưng nam khác nữ nhé. Ba hồn bảy vía dùng cho đàn ông, còn ba hồn chín vía dùng cho đàn bà. Cũng nói về phụ nữ có câu ba máu sáu cơn thường chỉ cơn giận dữ không kềm nổi của họ.

Người khởi nghiệp nên nằm lòng hai câu sau: ba keo thì mèo mở mắt (thua lỗ thất bại vài lần mới biết đá biết vàng) và ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả (hưởng kết quả thì dễ và nhanh, làm nên kết quả đó khó và lâu hơn nhiều).

Để khuyên người rằng người giàu hay nghèo đều có lúc hay số phận có thể thay đổi, không có gì là vĩnh viễn, người Việt dùng câu ai giàu ba họ ai khó ba đời. Còn mua danh ba vạn, bán danh ba đồng răn chúng ta rằng tạo nên danh tiếng là một kỳ công phải mất nhiều thời gian công sức nhưng phá hoại nó thì dễ vô cùng. Có lẽ ai cũng biết câu ca dao sau đây nói về sức mạnh của sự đoàn kết: một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Cuối cùng, xin kết thúc bài viết tản mạn về ba ngày Tết và con số ba bằng câu no ba ngày Tết, đói ba tháng hè, khuyên chúng ta không nên tiêu pha hoang phí để rồi phải gặp cảnh túng quẫn sau này.

Ăn Tết vừa phải, liệu cơm gắp mắm. Vui, nhưng không vung tay quá trán. Nếu Tết xả láng để rồi hết Tết phải giật gấu vá vai, phải cày bán sống bán chết, thì Tết cũng chỉ ba phải mà thôi, mất hết ý nghĩa tích cực của nó.

Quỳnh Thư

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ba-ngay-tet-va-con-so-ba/