Bà Merkel tuyên bố không tái tranh cử

Đã 13 năm làm Thủ tướng, 18 năm nắm giữ cương vị Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU), bà Angela Merkel ngày 29-10 bất ngờ tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử chức Chủ tịch CDU tại đại hội của đảng tổ chức vào tháng 12 tới, cũng như sẽ rút lui khỏi cuộc đua vào vị trí thủ tướng sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2021.

Giới phân tích cho rằng, quyết định của bà sẽ làm suy yếu trục Pháp-Đức và có nguy cơ khiến Liên minh châu Âu (EU) bị tê liệt, trong bối cảnh khối này đang đối đầu với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy.

Suy yếu trên vũ đài quốc tế!

Cuộc bầu cử tại bang Hessen diễn ra ngày 28-10, với việc đảng CDU của bà Angela Merkel chỉ giành được 27,6% số phiếu, giảm gần 11% so với kết quả bầu cử năm 2013. Tương tự, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cũng mất tới 10,9% số phiếu, chỉ còn lại 19,8% phiếu bầu. Tổng cộng, 2 trong số 3 đảng tham gia chính phủ đại liên minh ở cấp liên bang đã bị mất tới 22,2% phiếu bầu ở bang Hessen. Kết quả bỏ phiếu tại bang Hessen được xem là yếu tố tác động mạnh đến quyết định của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Có thể nói, sau cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội liên bang đầy sóng gió vào tháng 9-2017, mà phải mất hơn nửa năm, một chính phủ đại liên minh mới có thể thành lập, chính trường Đức lại đứng trước một cuộc khủng hoảng mới khi uy tín của chính phủ đại liên minh và cá nhân Thủ tướng Angela Merkel vốn đã thấp nay càng tồi tệ hơn.

Mặc dù khẳng định rằng, “sẽ chẳng có gì thay đổi trong vị thế thương lượng của mình” trên trường quốc tế cho đến thời điểm công bố rút lui vào năm 2021, song nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng quyết định rút lui khỏi sân khấu chính trị nước Đức, thậm chí còn tuyên bố không chạy đua vào bất cứ chức vụ nào trong các định chế của EU sẽ đẩy người phụ nữ quyền lực nhất thế giới này vào thế suy yếu trên “vũ đài” ngoại giao.

Không thể phủ nhận, suốt 13 năm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn là một người đứng đầu tuyệt vời tại các hội nghị thượng đỉnh và là một nhà “môi giới” đầy quyền lực ở châu Âu. Song, cũng không thể không thừa nhận, việc đếm ngược ngày bà rời khỏi vị trí Thủ tướng Đức có thể sẽ khiến bà trở thành một “con vịt què” trong các vấn đề quốc tế.

Trước đây, bà Merkel từng thể hiện thành công vai trò đầy ảnh hưởng của mình là một nhà “trung gian” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp nói riêng và Khu vực đồng euro (Eurozone) nói chung kéo dài từ năm 2008. Với một châu Âu vốn đang bị chia rẽ sâu sắc bởi vấn đề Anh rời khỏi EU (Brexit) và làn sóng người di cư ồ ạt, các quan chức và giới phân tích ở Brussels lo sợ quyết định rời đi của bà Merkel sẽ báo hiệu thêm nhiều bất ổn cho EU.

Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Người đứng đầu Trung tâm Chính sách châu Âu, ông Lueder Gerken, thậm chí nhận định: “Đối với EU, khoảng trống quyền lực ở Berlin là vô cùng bi thảm. Thủ tướng (Merkel) sẽ khó có khả năng thuyết phục được thế giới rằng bà có thể tiếp tục là người bảo đảm sự ổn định ở một mức độ nào đó cho EU”.

Một số quan điểm cho rằng bà Merkel đưa ra thông báo trên tại một thời điểm không thích hợp bởi vừa bùng phát một cuộc tranh cãi lớn về ngân sách chi tiêu của Italy. Hơn bao giờ hết, lúc này Eurozone cần một “đôi bàn tay khéo léo” để dàn xếp ổn thỏa mọi việc và bà Merkel chính là chìa khóa để “môi giới” những thỏa hiệp trong quá khứ.

Tuy nhiên, vị thế suy yếu của bà có thể đồng nghĩa với việc khả năng đạt được một thỏa thuận liên quan đến ngân sách của Italy sẽ mất nhiều thời gian hơn, làm gia tăng nguy cơ lây lan sang các thị trường khác.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã rất nỗ lực để giành được sự ủng hộ của bà Merkel trong vấn đề cải tổ sâu rộng EU. Bộ trưởng Pháp về các vấn đề châu Âu Nathalie Loiseau nói: “Nhiều sáng kiến của Tổng thống (Pháp) không thể thực hiện được nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của Đức”, đặc biệt là trong vấn đề quan hệ quốc phòng chặt chẽ.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của bà Merkel dành cho kế hoạch thay đổi toàn diện EU đầy tham vọng của ông Marcon đã trở nên mờ nhạt và đang bị hoài nghi sâu sắc. Trong bối cảnh, ảnh hưởng của Merkel nói chung tại châu Âu sẽ sớm bị suy yếu, giới phân tích nhận định rằng quyết định rời đi của bà chính là một “tin xấu” đối với kế hoạch cải cách của ông Macron.

Theo đánh giá của ông Jean-Dominique Giuliani, Chủ tịch Tổ chức Schuman, “sau khi thông báo rút lui, thế lực của bà Merkel sẽ giảm đi”. Rõ ràng, đây là “một vố đau” đối với châu Âu. Bởi lẽ, việc Thủ tướng Đức rút dần khỏi sân khấu chính trị trước mắt sẽ ảnh hưởng đến các cuộc họp quan trọng sắp tới của EU, nhất là cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 12 tới bàn về vấn đề di dân và cải tổ Eurozone - hai hồ sơ đang gây chia rẽ các quốc gia thành viên EU. Thậm chí, giới phân tích còn cảnh báo có nguy cơ EU bị “tê liệt” và rất có thể là từ đây đến bầu cử Nghị viện châu Âu, sẽ chẳng có gì xảy ra.

Tại Anh, tờ The London Times lo ngại rằng “lời chia tay” của Thủ tướng Merkel báo trước một giai đoạn bất ổn trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Tờ báo này dự đoán khả năng sẽ có những hỗn loạn bởi cuộc đấu tranh quyền lực liên quan đến người kế nhiệm trong CDU cũng như người đứng đầu chính phủ.

Giống như Pháp, Ba Lan tôn trọng quyết định của Thủ tướng Merkel và tuyên bố hợp tác cho đến khi nhiệm kỳ của bà kết thúc. Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Jacek Czaputowicz đã giải thích rõ ràng về tuyên bố của Thủ tướng Merkel không tiếp tục tham gia tranh cử Chủ tịch CDU nhưng vẫn sẽ tiếp tục giữ cương vị thủ tướng đến năm 2021.

Ông Czaputowicz nói rằng điều quan trọng nhất với Ba Lan lúc này là bà Merkel vẫn làm thủ tướng. Ngày 2-11, Thủ tướng Merkel và các thành viên nội các sẽ tới Ba Lan tham dự các cuộc tham vấn liên chính phủ hai nước. Còn tờ Corriere della Sera của Italy thì đánh giá “Merkel như một người khổng lồ lịch sử”, và bày tỏ sự luyến tiếc về quyết định của bà.

Bảo Trân (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/ba-merkel-tuyen-bo-khong-tai-tranh-cu-518642/