Bà mẹ chia sẻ sai lầm khi cho con học tiếng Anh mà phụ huynh Việt vẫn thường mắc phải

Học tiếng Anh cùng con luôn là một hành trình dài, nhưng nhiều bà mẹ Việt vẫn thường mắc phải sai lầm này dẫn tới việc nói thứ ngôn ngữ thứ hai này của con gặp nhiều khó khăn và không đạt hiệu quả. Hãy đọc ngay những chia sẻ rất chân thực này của mẹ Sâu để kịp thời tránh những sai sót không đáng có!

Đừng dạy con kiểu: “Con chó là dog, con mèo là cat”.

Trà Nguyễn – mẹ của cậu bé Sâu (5 tuổi) luôn được nhiều ông bố, bà mẹ theo dõi bởi những chia sẻ rất đời thường nhưng sâu sắc trong quá trình nuôi dạy Sâu khôn lớn, đặc biệt là trong quá trình đồng hành cùng con học tiếng Anh.

Mẹ Sâu chia sẻ, Sâu nói thành thạo tiếng Anh từ khi còn bé nên khi gặp mọi người, mình ngại nhất mỗi lần có ai bảo Sâu, “Con nói tiếng Anh bác nghe nào! Con dịch câu này bác nghe xem nào!".

Hồi nhỏ, Sâu nghệt mặt ra không biết trả lời thế nào vì Sâu được sử dụng song song 2 ngôn ngữ Tiếng Anh – Tiếng Việt . Lúc dùng tiếng Anh, chỉ hoàn toàn tiếng Anh chứ mẹ không bao giờ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh để dạy Sâu kiểu: “Con chó là dog, con mèo là cat”.

Mẹ Sâu lý giải: Thứ nhất, con sẽ quen với phản xạ dùng tiếng Việt để dịch sang tiếng Anh để nói và ngược lại nghe tiếng Anh rồi dịch sang tiếng Việt để hiểu. Điều này khiến sẽ khiến thời gian nghe-dịch-dịch – nói sẽ lâu hơn. Con sẽ quen với phản xạ dịch word-by-word và dễ bị dùng sai từ như lỗi sai mà rất nhiều người lớn đang mắc phải.

Mẹ Sâu đưa ra ví dụ, khi cần nói câu “Tôi nhớ là đã khóa cửa”, thay vì nói: “I remembered locking the door”. Nhiều người sẽ nói là: “I missed to lock the door”.

Mẹ Trà Nguyễn chia sẻ, “tôi không bao giờ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh để dạy Sâu”.

Mẹ Trà Nguyễn chia sẻ, “tôi không bao giờ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh để dạy Sâu”.

Thứ hai, khi sử dụng hoàn toàn tiếng Anh, con sẽ dễ dàng hiểu được nghĩa của câu và các từ trong câu thông qua ngữ cảnh.

Mẹ Sâu kể, khi mẹ Sâu và Sâu đi qua nhà hàng xóm, nhà đó mới nhận nuôi một con chó. Mẹ sẽ chỉ vào bạn chó và bảo với Sâu: “Oh! It is Ms Huong’s new puppy. It is such a tiny one". Cùng với câu nói, mẹ Sâu đã lấy 2 tay khum vào nhau để diễn tả kích thước nhỏ của bạn chó. “It is barking “Woof, woof” to welcome you (Bắt chước tiếng sủa).

Bằng cách này, bạn Sâu tự hiểu được nghĩa của các từ mới: new, tiny, bark hoàn toàn qua ngữ cảnh.

“Việc được dạy tiếng Anh thông qua tiếng Việt ở trường học chính là rảo cản khiến nhiều người lớn dù ngữ pháp tốt, đọc tốt nhưng khả năng nghe nói vẫn kém, vì vậy, chúng mình đừng nối dài sai lầm đó đến thế hệ các bé nữa nhé” – mẹ Sâu nói.

Với sự đồng hành của mẹ, tuy còn nhỏ nhưng Sâu đã sử dụng tiếng Anh rất lưu loát.

Để giải thích nghĩa một từ mới, một khái niệm mới cho con, mẹ Sâu thường áp dụng những cách đơn giản sau: Chỉ vào đồ vật , con vật đó - Sử dụng biểu cảm/ hành động để diễn tả; Sử dụng google search rồi ấn vào phần ảnh để con xem, mẹ sẽ giải thích bằng tiếng anh với những từ đủ khả năng. Tuy nhiên, với những từ quá trừu tượng như Culture, Behavior,… thì đôi lúc, mẹ Sâu vẫn sử dụng tiếng Việt để giải thích cho con.

Đừng để con chỉ xem Youtube

Thực tế, có nhiều bố mẹ thấy con bắt chước nói theo được vài từ tiếng Anh trên youtube thì nghĩ rằng bé thông minh và có “năng khiếu”. Sau đó càng cho con xem TV, youtube nhiều hơn… Nhưng theo mẹ Sâu đó chính là sai lầm lớn nhất dẫn đến nguy cơ bé bị rối loạn ngôn ngữ, có bé nói ngôn ngữ “youtube” Việt không ra Việt, Anh không ra Anh vì bé không thực sự hiểu ý nghĩa khi chỉ xem kênh này.

Bởi lẽ, các bé từ 0-1 tuổi làm quen với tiếng Anh thông qua việc não bộ chụp lại hình ảnh mà bé được xem, ghi âm lại âm thanh gắn với hình ảnh đó. Đơn giản là bé sẽ chỉ biết được các từ đơn lẻ gắn với các hình ảnh đơn lẻ mà thôi. Điều này là rất tốt để bé có được vốn từ vựng lớn và chỉ dừng lại ở đó.

Ngoài việc con “chụp hình ảnh” thì bố mẹ phải giao tiếp với con. Kinh nghiệm của nhà Sâu đó là cho Sâu nghe nhạc tiếng Anh và đọc truyện tiếng Anh từ khi chưa biết nói tiếng Việt (mấy bài nhạc đơn giản, vui nhộn như Baby shark, Wheels on the bus, hay các truyện tiếng Anh như The hungry Caterpillar, Are you my mother, ect…).

“Lúc nghe nhạc thì bố mẹ hát theo con, làm các động tác miêu tả lời nhạc. Lúc kể chuyện qua sách thì vừa đọc tiếng Anh vừa chỉ vào hình vẽ. Nếu con thắc mắc về từ mới thì giải thích bằng từ đơn giản (việc vừa đọc vừa giải thích sẽ làm ngắt quãng câu chuyện). Lúc này, bạn đừng kỳ vọng bé sẽ hiểu hết những gì bạn nói, nhưng khi chúng ta đọc đi đọc lại, bố mẹ sẽ bất ngờ vì con đã hiểu lúc nào không hay”.

Luôn đồng hành, giao tiếp cùng con, chứ không nên cho con chỉ xem Youtube.

Mẹ Sâu cũng lưu ý: “Đừng để bé phải học tiếng Anh một mình. Ngoại ngữ là quá trình giao tiếp thường xuyên và lâu dài chứ không phải là quá trình xem youtube lâu dài. Mình biết khá nhiều người phải cho con đi khám vì rối loạn ngôn ngữ, tiếng Việt không sõi, tiếng Anh chắp vá. Đến lúc bố mẹ hiểu ra vấn đề thì đã quá muộn”.

Cũng theo mẹ Sâu quan sát thì khi trẻ lên 2-3 tuổi thì việc cân bằng lại ngôn ngữ còn khó hơn nhiều. Một điều nữa bố mẹ cần phải làm, đó là cân bằng được tỷ lệ tiếng Việt và tiếng Anh. Ban đầu tiếng Việt sẽ chiếm 80%, tiếng Anh 20%. Sau đó tùy vào sự nhận biết của con để tăng dần tỷ lệ tiếng Anh lên, tối đa dừng ở mức 50-50 là đủ.

Và điều quan trọng nhất mà mẹ Sâu nhắc nhở, gợi ý các bố mẹ đó là, bố mẹ hãy cùng con tạo ra môi trường tiếng Anh bản ngữ ngay tại nhà bằng cách cho bé nghe bài hát, đọc sách tiếng Anh, bởi lẽ, được nghe và tương tác thường xuyên chính là cách nhanh nhất để nâng cao trình độ ngôn ngữ của các bé.

Tuấn Anh

Nguồn Em Đẹp: https://emdep.vn/lam-cha-me/ba-me-chia-se-sai-lam-khi-cho-con-hoc-tieng-anh-ma-phu-huynh-viet-van-thuong-mac-phai-20210316105426941.htm