Ba mắt xích quan trọng đưa nền kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long phát triển

Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối diện với ít nhất ba 'vòng xoáy đi xuống' bao gồm 'vòng xoáy ngân sách', 'vòng xoáy lao động' và 'vòng xoáy cấu trúc kinh tế'.

Chỉ bằng cách phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy này, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.

Đây là một số khuyến nghị được nêu trong Lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL và Hội thảo chính sách “Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 1-8, tại thành phố Cần Thơ.

Các đại biểu tham dự lễ công bố.

Các đại biểu tham dự lễ công bố.

Các nghiên cứu được nêu lên trong báo cáo lần này chỉ ra điểm sáng nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Bất chấp tác động nặng nề của dịch Covid-19, nông nghiệp ĐBSCL vẫn tăng trưởng dương 1,57%.

Xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế toàn vùng khi công nghiệp và dịch vụ chiếm tới 70% đều tăng trưởng âm.

Mắt xích quan trọng giúp đảo ngược thành công các vòng xoáy đi lên cho ĐBSCL là thay đổi quan điểm về an ninh lương thực.

Tại lễ công bố, các diễn giả, chuyên gia đã tập trung phân tích những điểm nghẽn, đồng thời chỉ ra ĐBSCL đang phải đối diện với ít nhất 3 vòng xoáy đi xuống. Trên cơ sở phân tích, các chuyên gia cho rằng, có nhiều mắt xích quan trọng giúp đảo ngược thành công, tạo các vòng xoáy đi lên cho ĐBSCL.

Theo đó, mắt xích quan trọng đầu tiên là thay đổi quan điểm về an ninh lương thực theo hướng hiện đại, không chỉ coi trọng số lượng mà quan trọng hơn là khả năng tiếp cận, chất lượng, sự an toàn, cũng như khả năng chống chịu và thích nghi trước cú sốc về kinh tế và môi trường.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông, bởi mắt xích này sẽ giúp giảm chi phí logistics, tạo tiền đề cho việc tổ chức các trung tâm đầu mối gắn kết với các vùng chuyên canh nông nghiệp và thủy sản.

Việc thu hút thêm các dự án đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ góp phần giữ chân lao động ở lại ĐBSCL gắn với cải thiện kiến thức, kỹ năng, thái độ của người lao động đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Ngoài ra, lợi thế cạnh tranh của ĐBSCL chủ yếu đến từ điều kiện tự nhiên sẵn có nên cần giải phóng sức sống của khu vực nông nghiệp và tình trạng suy thoái môi trường.

Tin, ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/ba-mat-xich-quan-trong-dua-nen-kinh-te-dong-bang-song-cuu-long-phat-trien-701532