Ba mặt trận then chốt quyết định cuộc tấn công tổng lực tiếp theo của Nga và Ukraine

Một số ý kiến cho rằng, giai đoạn thứ 3 của cuộc chiến sắp bắt đầu. Đây sẽ là một cuộc chiến tổng lực để các bên giành lợi thế quyết định, bằng cách kết hợp nhiều loại vũ khí như bộ binh, cơ giới, pháo binh, không quân, thậm chí tấn công đường thủy để vượt qua các phòng tuyến kiên cố.

Tại ngoại ô thị trấn Huliaipole thuộc tỉnh Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine, tiếng pháo nổ rền vang như tiếng sấm của một cơn bão từ xa đang đến gấn. Các lực lượng Nga cuối tuần qua tuyên bố đã phát động một cuộc tấn công mới ở khu vực Zaporizhzhia, nhưng các binh sĩ Ukraine vẫn quyết giữ vững phòng tuyến. Chiến tuyến tại Zaporizhzhia vẫn không dịch chuyển suốt 10 tháng qua và binh sỹ 2 nước chủ yếu cố thủ các chiến hào, chạy dọc theo những ngọn đồi của vùng đất nông nghiệp này.

Binh sỹ Ukraine chuẩn bị khai hỏa lựu pháo tại Kherson. Ảnh: AP

Binh sỹ Ukraine chuẩn bị khai hỏa lựu pháo tại Kherson. Ảnh: AP

Vitaly, một trung sĩ cao cấp trong lữ đoàn bộ binh cơ giới 56 Mariupol của Ukraine, hiện đang nắm giữ phòng tuyến dài khoảng 100 km ở phía Đông thành phố Zaporizhzhia cho biết: “Nga đã thực hiện nhiều hoạt động trong vài tuần qua, đẩy mạng các cuộc tấn công bằng pháo binh và xe tăng, nhưng họ không điều bộ binh vượt qua phòng tuyến”.

Ông Vitaly thừa nhận rằng, chiến tuyến đang bắt đầu nóng lên sau thời gian dài “tạm đóng băng”. Số lượng đạn pháo, rocket được chuyển tới khu vực phía Nam đã tăng gấp đôi trong tháng 1, lên tới 4.000 quả mỗi tuần. Rất có thể trong một vài tháng tới, Nga hoặc Ukraine sẽ ra đòn quyết định để phá vỡ thế bế tắc. Câu hỏi là bên nào sẽ tấn công trước và bắt đầu tấn công từ đâu?

Ông Vitaly cho rằng: “Trận đánh lớn sẽ diễn ra vào mùa Xuân này, thậm chí sớm hơn. Cho dù xảy ra ở Zaporizhzhia hay bất cứ nơi nào khác dọc theo tiền tuyến dài hơn 1.200km thì trận đánh sẽ mở ra giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tính đến thời điểm hiện tại”.

Cả Nga và Ukraine được cho là đang tận dụng thời gian này để tăng cường khả năng phòng thủ. Mỗi ngày, các binh sỹ Ukraine đều cố gắng củng cố nơi trú ẩn và cố gắng băng qua khu vực đồng bằng về phía Nam. Trong khi đó, các lực lượng Nga dường như đã xây dựng thêm hai tuyến phòng thủ, được hợp thành từ các bãi mìn, chiến hào, bẫy xe tăng và những ụ bê tống giống hình kim tự tháp nhỏ, gọi là “răng rồng”.

Một mặt, Nga muốn bảo vệ tuyến đường sắt vận chuyển hàng tiếp tế từ lãnh thổ nước này tới thị trấn Melitopol mà họ đang kiểm soát. Tại ngôi làng Polyanivka gần đó, Nga đã sơ tán cư dân trong tháng 1/2023 để xây dựng một phần của bước tường phòng thủ. Mặt khác, Moscow muốn bảo vệ tuyến công sự thứ hai, quan trọng không kém là hành lang đất liền dẫn tới Crimea. Trong khi củng cố hệ thống phòng thủ, Nga được cho là đang âm thầm tích lũy vũ khí và đạn dược cho một cuộc tấn công mới.

Ukraine cho biết đang theo dõi sát sao các động thái Nga, thông qua máy bay không người lái, vệ tinh và lực lượng trinh sát khi Moscow di chuyển các đơn vị cơ giới từ Crimea tới mặt trận phía đông ở Donetsk và Lugansk. Kiev muốn xác định liệu Nga có khả năng âm thầm chuyển hướng sang phía Bắc, với việc điều động xe tăng tới phòng tuyến xung quanh Huliaipole hay không.

Nga đang không ngừng củng cố lực lượng trong khi xây dựng nền kinh tế thời chiến để tăng cường sản xuất xe tăng và tên lửa mới cho mặt trận. Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov đã được giao phụ trách trực tiếp chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, động thái mà nhiều nhà phân tích cho là báo trước một cuộc tấn công lớn.

Một số ý kiến cho rằng, giai đoạn thứ 3 của cuộc chiến sắp bắt đầu. Đây sẽ là một cuộc chiến tổng lực để các bên giành lợi thế quyết định, bằng cách kết hợp nhiều loại vũ khí như bộ binh, cơ giới, pháo binh, không quân, thậm chí tấn công đường thủy để vượt qua các phòng tuyến kiên cố. Đây sẽ là trận đánh ác liệt nhất mà thế giới phải chứng kiến kể từ cuộc chiến ranh Iran-Iraq vào những năm 1980, còn châu Âu chưa từng chứng kiến điều gì tương tự kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tiến hành một cuộc tấn công lớn trong giai đoạn thứ 3 của cuộc xung đột sẽ là nhiệm vụ thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên. Bởi tấn công vào những tuyến phòng thủ kiến cố chắc chắn sẽ mất nhiều nhân mạng và vũ khí hơn là bảo vệ chúng. Các chuyên gia cho rằng, để giành chiến thắng quyết định, cả Nga và Ukraine phải tập hợp được lực lượng tấn công mạnh gấp 3 lấn so với giai đoạn đầu.

Có 3 mặt trận lớn – nơi các cuộc tấn công có thể diễn ra trong vài tháng tới và chúng được dự đoán liên kết chặt chẽ nhau. Một cuộc tấn công trên mặt trận này có thể là đòn đánh lạc hướng cho cuộc tấn công ở nơi khác, hoặc được thiết kế để làm suy yếu khả năng chiến đấu của đối phương.

Phía Đông

Mặt trận Lugansk và Donetsk, nơi diễn ra cuộc chiến khốc liệt nhất trong vài tháng qua, được cho là địa điểm có nhiều khả năng xảy ra các cuộc tấn công lớn của cả hai bên vào mùa Xuân.

Tổng thống Putin từng tuyên bố lý do phát động chiến dịch quân sự đặc biệt là để bảo vệ cho những người nói tiếng Nga ở hai khu vực này, vì thế việc để mất Lugansk và Donetsk sẽ là đòn giáng mạnh vào vị thế của Nga. Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng Nga sẽ phát động cuộc tấn công lớn ở phía Đông, phần lớn bắt nguồn từ lý do chính trị.

Còn với Ukraine, Lugansk và Donetsk đóng vai trò chiến lược quan trọng. Dara Massicot, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Tập đoàn Rand nhận định, điểm yếu trước mắt trong hệ thống phòng thủ của Nga có thể là ở Luhansk, nơi quân Ukraine đang gây sức ép không ngừng xung quanh thị trấn Kreminna, với mục đích cắt đứt các tuyến tiếp tế của Nga qua Lugansk và phía Bắc Donetsk.

Phía Nam

Theo các nhà quan sát, những gì xảy ra ở mặt trận phía Nam có thể quyết định kết quả toàn bộ cuộc xung đột. Cho dù các lực lượng vũ trang Ukraine có phát động cuộc tấn công ở phía Đông đầu tiên hay không thì đến một thời điểm nào đó, họ vẫn phải chuyển hướng về phía Nam nếu muốn giành quyền kiểm soát vùng Kherson, Zaporizhzhia và cuối cùng là Crimea.

Lựa chọn đầu tiên cho Ukraine sẽ là tấn công bằng thiết giáp trên tuyến đường bộ từ khu vực xung quanh Huliaipole tới Melitopol. Lựa chọn thứ hai, là tiến hành cuộc tấn công bằng đường thủy băng qua sông Dnipro vào Kherson. Một số báo cáo cho biết, Lực lượng đặc nhiệm Ukraine hiện đang nỗ lực giành quyền kiểm soát các hòn đảo ở cửa sông Dnipro.

Ông Yaroslav Honchar, người đứng đầu đơn vị Istar (tình báo, giám sát, thu thập mục tiêu và trinh sát) của Ukraine ở mặt trận phía nam cho rằng: Nga đã cử một đơn vị đặc nhiệm mang tên Lữ đoàn Bắc Cực thứ 80 từ hạm đội phương Bắc mà ông mô tả là “lực lượng đặc biệt tinh nhuệ được huấn luyện để chiến đấu ở nơi lạnh lẽo và ẩm ướt” tới đây.

Trong khi đó, Ukraine được cho là đang nỗ lực phát triển lực lượng đặc nhiệm đường thủy. Mỹ đã cung cấp tàu tuần tra ven sông cho Kiev trong gói hỗ trợ quân sự mới nhất để sử dụng cho các cuộc đột kích trên sông Dnipro. Khu vực miền Nam có thể mang đến nhiều lợi thế và Ukraine dường như nhận thức được những nguy hiểm mà họ phải đối mặt.

Một sĩ quan tình báo Ukraine cho rằng, quân đội Nga có thể tiến quân về phía Đông Huliaipole: “Đó là một địa điểm rất chiến lược. Nếu Nga giành quyền kiểm soát khu vực này họ có thể tiến quân về phía Bắc và quân đội Ukraine ở Donetsk có thể bị bao vây”.

Phía Bắc

Hiện Nga đang triển khai một lực lượng nhỏ gồm các binh sỹ mới được huy động, tham gia huấn luyện tại Belarus. Nhưng hầu hết các nhà phân tích quân sự cho rằng, một cuộc tấn công lớn từ phía Bắc nhằm vào Ukraine khó có thể xảy ra. Theo họ việc Nga tăng cường lực lượng ở Belarus chỉ là mồi nhử để khiến Ukraine phải triển khai lực lượng từ phía Đông và phía Nam đến biên giới với Belarus. Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy quân đội Nga ở đó đã được chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành một cuộc tấn công.

“Belarus sẽ không mạo hiểm tuyên chiến với Ukraine vì đó sẽ là dấu chấm hết về mặt chính trị đối với Tổng thống Lukashenko,” ông Oleksiy Danilov, Thư ký của hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine nhấn mạnh.

Giới phân tích cho rằng, dù diễn ra ở mặt trận nào đi chăng nữa thì các cuộc tấn công hoặc phản công trong vài tháng tới sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thiết lập quỹ đạo cho phần còn lại của cuộc xung đột. Lợi thế chiến lược quan trọng nhất của Moscow là nguồn dự trữ nhân lực khổng lồ và đây là mối lo ngại lớn nhất với Ukraine trong một cuộc chiến tiêu hao./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ba-mat-tran-then-chot-quyet-dinh-cuoc-tan-cong-tong-luc-tiep-theo-cua-nga-va-ukraine-post998614.vov