Bà Madeleine Albright: Nữ Ngoại trưởng đầu tiên và nguồn cảm hứng của phụ nữ Mỹ

Bà Madeleine Albright, 'nguồn cảm hứng' của phụ nữ Mỹ, người dân Mỹ, đã qua đời ở tuổi 84 ngày 23/3. Trong sự nghiệp ngoại giao của mình, bà đã góp phần phát triển quan hệ Việt-Mỹ ở giai đoạn hai bên mới bình thường hóa quan hệ.

Bà Madeleine Albright. (Nguồn: CNN)

Bà Madeleine Albright. (Nguồn: CNN)

Bà Madeleine K. Albright sinh ra ở Tiệp Khắc (nay là CH Czech) và buộc phải bắt đầu cuộc sống tại Mỹ. Tại miền đất mới, bà đã vượt qua không ít rào cản và trở thành nhà ngoại giao mẫu mực, và người phụ nữ đầu tiên giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Bà qua đời ngày 23/3/2022 tại Washington ở tuổi 84 vì ung thư.

Trong suốt sự nghiệp của mình, bà từng nổi tiếng là nhà phân tích xuất sắc về các vấn đề thế giới, là cố vấn của Nhà Trắng về an ninh quốc gia. Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, bà từng giữ vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (1993-1997) và Ngoại trưởng Mỹ (1997-2001), trở thành người phụ nữ có chức vụ cao nhất trong lịch sử nước Mỹ tại thời điểm đó.

Từ một tuổi thơ nhiều biến động...

Tên khai sinh của bà là Marie Jana Korbelova. Chào đời tại Prague ngày 15/5/1937, bà là con cả trong gia đình có ba người con. Cha bà là Josef Korbel, từng là tùy viên báo chí của Đại sứ quán CH Czech tại Belgrade, Nam Tư cũ.

Sau khi Đức quốc xã chiếm đóng Tiệp Khắc, do gốc gác là người Do Thái, gia đình Korbel buộc phải khăn gói đến London (Anh) và làm việc cho chính phủ Tiệp Khắc lưu vong do ông Edvard Beneš lãnh đạo. Để bảo vệ cho tính mạng của gia đình, nhà Korbel đã cải đạo sang Công giáo vào năm 1941.

Cha mẹ bà Madeleine lại giấu kín điều này và nuôi dạy con cái như những người Công giáo mà không nói cho họ biết về gốc gác Do Thái của gia đình. Mãi đến sau khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ, bà mới biết đến sự thật. Bà cũng phát hiện ra rằng 26 thành viên trong gia đình đã bị sát hại trong Thảm sát Holocaust.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, gia đình Korbel quay trở lại Tiệp Khắc. Ông Josef Korbel sau đó được bổ nhiệm làm Đại sứ Tiệp Khắc tại Nam Tư. Cô bé Marie Korbelova được gia đình gửi sang Thụy Sỹ vào năm 10 tuổi và đổi tên thành Madeleine. Năm 1948, gia đình Korbel quyết định di cư sang Mỹ.

Tại xứ cờ hoa, Madeleine Korbel đã chứng minh bản thân là một học sinh đa tài. Ở Trường nữ sinh Kent, bà thành lập câu lạc bộ quan hệ quốc tế. Ở Đại học Wellesley, cô sinh viên Madeleine theo đuổi ngành khoa học chính trị, đồng thời làm việc cho tờ báo của trường. Năm 1957, Madeleine chính thức có quốc tịch Mỹ và tốt nghiệp đại học loại xuất sắc vào năm 1959.

Sau khi tốt nghiệp, bà bắt đầu công việc của một nhà báo. Thời gian thực tập tại tờ The Denver Post, bà Madeleine đã gặp Joseph Medill Patterson Albright, cháu trai của người thành lập tờ The Daily News of New York. Năm 1959, bà Korbel kết hôn với ông Albright, chính thức trở thành thành viên gia đình Albright - Medill giàu có, chủ của nhiều tờ báo lớn.

...đến nhân vật chủ chốt của nước Mỹ

Bà Madeleine Albright, sau đó, theo học ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia, nơi bà lấy bằng thạc sĩ năm 1968 và bằng tiến sĩ năm 1976.

Bà bước vào chính trường năm 1972, ở tuổi 35. Khi đó, bà là trợ lý về lập pháp cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của Thượng nghị sĩ Edmund Muskie, một người bạn của gia đình Albright - Medill.

Tuy nhiên, ông Muskie đã thất bại và ông Jimmy Carter là người trở thành Tổng thống thứ 39 của Mỹ vào năm 1977. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Carter, ông Zbigniew Brzezinski đã tuyển bà Albright vào làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia.

Bà Madeleine Albright tiếp tục công việc trên chính trường một cách thầm lặng. Chỉ đến khi Tổng thống Bill Clinton lên nắm quyền và bổ nhiệm bà vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc năm 1993, tên tuổi của bà mới được nhiều người biết đến.

Kể từ đó, bà Albright đã trở thành “cánh tay phải” đắc lực của Tổng thống Bill Clinton, và là một trong những nhân vật chủ chốt của chính quyền Mỹ. Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Clinton, bà Albright được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng năm 1996, trở thành người phụ nữ có chức vụ cao nhất trong lịch sử Mỹ khi đó.

Là nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Tổng thống Clinton, bà Albright đã liên tục đương đầu với các thách thức gây ra bởi các cuộc xung đột khu vực như Bosnia và Herzegovina, Kosovo, Haiti, Bắc Ireland và Trung Đông.

Nữ Ngoại trưởng đã đặt ra thuật ngữ “chủ nghĩa đa phương quyết đoán” để mô tả chính sách đối ngoại của chính quyền Clinton. Bà ủng hộ việc mở rộng NATO, tìm cách giảm phổ biến vũ khí hạt nhân.

Một trong những dấu ấn quan trọng nhất trong sự nghiệp ngoại giao của mình là khi bà Albright tới Bình Nhưỡng vào năm 2000 để gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il, trong nỗ lực hối thúc Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân. Dù chuyến thăm không thành công, nhưng bà Albright đã trở thành quan chức đương chức cấp cao nhất đến của Mỹ đến Triều Tiên sau hàng chục năm kể từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Sự nghiệp ngoại giao của bà Albright được các nhà ngoại giao chuyên nghiệp và cả những người dân Mỹ bình thường đánh giá cao. Những người ngưỡng mộ cho biết bà có phẩm chất của một ngôi sao, tỏa ra tính thực tế, linh hoạt và tinh tế mang tính quốc tế mới mẻ. Bà Albright nói được tiếng Czech, Ba Lan, Pháp và Nga.

Sau khi rời khỏi chính trường, bà Albright trở thành biểu tượng truyền cảm hứng cho những phụ nữ trẻ muốn tìm kiếm cơ hội thúc đẩy sự nghiệp và sự tôn trọng ở nơi làm việc.

Bà khuyên phụ nữ “hành động một cách tự tin hơn”. Bà cũng từng nói với HuffPost Living năm 2010: “Tôi đã mất một thời gian dài để đẩy mạnh tiếng nói, và bây giờ tôi đã có được nó, tôi sẽ không im lặng nữa”.

Năm 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trao tặng cho bà Albright Huân chương Tự do, danh hiệu dân sự cao quý nhất của Mỹ. Ông Obama khen ngợi sự nghiệp của cựu Ngoại trưởng Mỹ và cho rằng cuộc đời của bà là nguồn cảm hứng cho tất cả người dân nước Mỹ.

Khi qua đời, bà Albright đang là giáo sư tại trường Đối Ngoại Edmund A. Walsh tại Viện Đại học Georgetown, người đứng đầu công ty tư vấn Albright Stonebridge Group, và là chủ tịch của nhóm tư vấn dân sự của Lầu Năm Góc.

Chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Madeleine K. Albright

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright trong chuyến thăm Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Tháng 6/1997, trong buổi lễ trang trọng diễn ra ở sân Đại sứ quán Mỹ cũ ở miền Nam Việt Nam vốn bị bỏ hoang, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine K. Albright đã đặt viên đá đầu tiên để xây dựng Tổng Lãnh sự quán mới của Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh.

Bà Albright là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến TP. Hồ Chí Minh sau khi thành phố được giải phóng năm 1975. Tại buổi lễ, bà Albright khẳng định Lãnh sự quán mới tượng trưng cho ‘’hai dân tộc trên hành trình chung từ xung đột đau thương đến tôn trọng lẫn nhau”.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm đó, bà Albright đã ký Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm. Bà luôn thận trọng khi nói rằng ‘’ưu tiên quốc gia cao nhất của Mỹ” vẫn là tìm kiếm 1.584 người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Theo bà Albright, nhu cầu có được tài liệu thống kê đầy đủ nhất rất quan trọng, ‘’để quá khứ có thể được bỏ lại sau lưng chúng ta”.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius từng kể rằng, bà Albright đã bị Việt Nam mê hoặc. Bà rất thích đi khắp Việt Nam cùng với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson. Mỗi lần đến Hà Nội, bà luôn bày tỏ sự quan tâm đến nền mỹ thuật sôi động nơi đây.

Từ ngày 30/9-2/10/1998, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm lần đầu thăm chính thức Mỹ. Gần một năm sau đó, từ 6-7/9/1999, nữ Ngoại trưởng Mỹ Albright thăm Việt Nam lần thứ hai và một lần nữa đến TP. Hồ Chí Minh dự lễ khánh thành Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh.

(tổng hợp)

Nhi Quang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ba-madeleine-albright-nu-ngoai-truong-dau-tien-va-nguon-cam-hung-cua-phu-nu-my-178764.html