Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đặt nghi vấn về 'màn kịch thâm sâu'

'Nhưng nếu anh không thực sự như vậy thì toàn bộ những hành động vừa qua hóa ra là màn kịch để đuổi tôi ra khỏi công ty, làm nhục tôi trước công luận? Tôi cố gắng không tin lại có kịch bản nào thâm sâu như thế', bà Lê Hoàng Diệp Thảo viết trên trang cá nhân

Giấy đăng ký thành lập Hợp tác xã Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên năm 1999. (Nguồn: facebook Lê Hoàng Diệp Thảo)

Giấy đăng ký thành lập Hợp tác xã Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên năm 1999. (Nguồn: facebook Lê Hoàng Diệp Thảo)

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo vừa chia sẻ lên trang facebook cá nhân vào chiều 25/2 về "lược sử hình thành Trung Nguyên". Nội dung này được bà chia làm 4 giai đoạn: Cùng nhau viết "giấc mơ" Trung Nguyên; Trung Nguyên chính thức ra đời; Đưa Trung Nguyên phát triển vũ bão; Biến cố Trung Nguyên.

Bà cho biết, đến bây giờ vẫn lo lắng về tình trạng sức khỏe của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. "Nếu không, cớ gì gần 6 năm qua anh nhất định không giao tiếp với gia đình, tuyên bố anh đã "đạt thông linh", "để đón nhận Mặc Khải từ Đức Tối Cao Thượng Đế, giúp Người sắp đặt lại thế gian lầm lạc theo đúng trật tự và mong muốn của Người.

Tôi không tin vào điều đó, tôi mong anh trở về làm một người chồng, người cha như xưa, cùng chung sức quản lý Trung Nguyên. Nhưng có thể mong ước giản dị đó đã khiến anh nghĩ rằng tôi là sự cản trở không thể chấp nhận được. Tôi cam chịu mọi điều thị phi chỉ mong cứu anh khỏi tình trạng này.

Nhưng nếu anh không thực sự như vậy thì toàn bộ những hành động vừa qua hóa ra là màn kịch để đuổi tôi ra khỏi công ty, làm nhục tôi trước công luận? Tôi cố gắng không tin lại có kịch bản nào thâm sâu như thế", bà Thảo viết.

Theo bà Thảo, sự thật thì Trung Nguyên chính là công sức của 2 vợ chồng cùng khởi nghiệp. Xin đừng nhân danh bất kỳ điều gì mà phủ nhận sạch trơn những giấy tờ pháp lý, những lá thư thuở bần hàn, khó khăn.

Bà cũng liệt kê 4 giai đoạn lịch sử Trung Nguyên, từ ngày 2 người còn là sinh viên Y khoa, cùng bàn nhau khởi nghiệp, những lá thư gửi cho nhau.

"Sau đám cưới năm 1998, chúng tôi chuyển về sống ở căn gác xếp nhỏ ở phía trên của quán Nguyễn Kiệm (587 Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Năm 1999, chúng tôi thành lập Hợp tác xã Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên có trụ sở chính tại 268 Nguyễn Tất Thành, TP.Buôn Ma Thuột. Đây là giấy tờ đăng ký tư cách pháp nhân đầu tiên của Trung Nguyên.

Năm 2000, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng Chi nhánh Hợp tác xã Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên tại TP.HCM, tại địa chỉ 587 Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, được giao phụ trách chính việc điều hành và phát triển hệ thống franchise cho Trung Nguyên. Trong hơn 1 năm, từ 1999 đến 2000, Trung Nguyên có khoảng 500 quán cà phê trên toàn quốc. Chúng tôi cũng chọn tên Trung Nguyên cho đứa con đầu lòng của mình như nguyện ước đồng hành trong công việc và gia đình.

Năm 2001, sau trong chuyến công tác tại Đức, tôi bắt đầu kế hoạch phát triển cà phê hòa tan. Xưởng sản xuất cà phê hòa tan đầu tiên ở số 204 Bùi Thị Xuân. Từ 2003 – 2011, G7 trở thành thương hiệu cà phê hòa tan số 1 Việt Nam dựa trên sản lượng bán ra của cả 3 thương hiệu mạnh nhất tại thời điểm đó", bà Thảo viết về những ngày đầu tiên mới thành lập công ty.

(Nguồn: FB Lê Hoàng Diệp Thảo)

Năm 2008, bào Thảo sang Singapore thành lập Trung Nguyên International đứng tên Lê Hoàng Diệp Thảo. Tại Singapore bắt đầu hình thành đội ngũ nhân sự quốc tế với việc mở quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên tại sân bay Changi, Liang Court… Khi về nước, Trung Nguyên Franchise ra đời với hệ thống nhận diện là hình đôi cánh bay lên. Đây là cột mốc đánh dấu sự phát triển của Trung Nguyên ra thế giới.

Theo lời bà Thảo, năm 2009, vợ chồng bà Thảo thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên. Tôi là cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị và Phó Tổng giám đốc của Công ty này. Năm 2010, bà vẫn giữ vai trò Phó Tổng giám đốc thường trực của Tập đoàn Trung Nguyên.

"Năm 2011, theo đề nghị của chồng, tôi đồng ý chuyển Trung Nguyên International vào hệ thống các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên để thuận lợi hơn cho công việc gia đình và phát triển, điều hành công ty.

Giai đoạn 2006 – 2014, Tập đoàn Trung Nguyên phát triển mạnh mẽ. Doanh số tăng trưởng từ mức 1.223,6 tỷ đồng trong năm 2008 lên mức 4.177 tỷ đồng trong năm 2014, đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức 22,7% năm. Cùng với tăng trưởng về doanh số, lợi nhuận sau thuế của Trung Nguyên cũng ở mức đỉnh cao, đặc biệt vào năm 2014 với lợi nhuận sau thuế là 1.193,1 tỷ đồng – cao nhất của tập đoàn từ trước đến nay.

Tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn này duy trì ở mức cao trên 52,6% năm, từ quy mô tổng tài sản 397,2 tỷ đồng (năm 2008) lên mức 5.024,5 tỷ đồng (năm 2014)", bà Thảo kể chi tiết trên trang cá nhân

Trong đoạn viết trên trang cá nhân, bà Thảo nhấn mạnh về giai đoạn 4 "biến cố Trung nguyên".

Năm 2014, sau khi kết thúc 49 ngày thiền và nhịn ăn tại trang trại M'dark (Dak Lak), anh có những biến đổi bất thường về sức khỏe. Kể từ thời điểm này, anh lên núi ẩn tu, rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, ở công ty và gia đình.

Tháng 4/2015, Trung Nguyên đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Thường trực của tôi tại tập đoàn này. Tuy nhiên, riêng trong hoạt động kinh doanh quốc tế, tôi vẫn tiếp tục điều hành công ty Trung Nguyen International tại Singapore. Cũng từ thời gian đó cho đến nay, mọi hoạt động hàng ngày của Trung Nguyên đều giao cho cấp dưới quản lý.

Nhóm nhân viên điều hành đã nổi lên thao túng, lũng đoạn tập đoàn, liên tục tạo ra các tranh chấp pháp lý giữa Trung Nguyên và tôi, khiến Trung Nguyên thất thoát, rối loạn và kết quả kinh doanh ngày càng tụt dốc.

"Tôi buộc phải làm đơn ly hôn như 1 biện pháp ngăn chặn sự thất thoát của Trung Nguyên do anh hầu như không xuất hiện tại công ty để điều hành doanh nghiệp, cũng như không hồi âm, trả lời", bà Thảo viết.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ba-le-hoang-diep-thao-dat-nghi-van-ve-man-kich-tham-sau-20190225163145278.htm