Bà lão bị gà mổ chết và sự nguy hiểm của bệnh giãn tĩnh mạch

Trung tâm Phòng chống Kiểm soát dịch bệnh Mỹ vừa có báo cáo về việc nuôi gà tại hộ gia đình lây bệnh cho người ở 48 bang thì ở Úc xảy ra chuyện một bà lão 76 tuổi bị một con gà trống mổ vào chân dẫn tới tử vong vì mất máu quá nhiều, The New York Post đưa tin ngày 5/9.

Gà trống có thể mổ rất dữ dội. Ảnh: Getty,

Gà trống có thể mổ rất dữ dội. Ảnh: Getty,

Theo bài báo đăng trên tạp chí khoa học Forensic Science, Medicine and Pathology, cụ bà 76 tuổi đang nhặt trứng gà tại nhà mình thì bị một con gà trống hung dữ mổ liên tục vào cẳng chân trái.

Báo cáo giải phẫu tử thi cho thấy, trên chân bà lão có hai vết rách nhỏ, trong đó một mạch máu bị vỡ. Trước khi qua đời, bà lão mắc bệnh giãn (suy) tĩnh mạch chân.

Bác sĩ xác định nguyên nhân cái chết của cụ bà là mất máu sau khi bị gà mổ mạnh. Vụ tấn công chết người của con gà được đánh giá là hiếm. Thông thường, thú cưng, vật nuôi trong nhà như chó, mèo, gà, chim… chỉ gây ra vết thương chí mạng cho cá nhân nếu người đó có chứng bệnh liên quan máu, mạch máu như máu khó đông, giãn tĩnh mạch.

Bất kỳ mạch máu mong manh nào cũng có thể bị giãn, tức là bị xoắn vặn, phồng to, nhưng chúng thường xuất hiện ở chân. Người mắc chứng giãn tĩnh mạch thường chỉ quan tâm yếu tố thẩm mỹ vì chân nổi nhiều mạch máu to xanh ngoằn nghèo.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng hơn. Thông thường, bệnh giãn tĩnh mạch là do van tĩnh mạch bị hỏng, bị yếu. Nhưng cũng có một số yếu tố khác ảnh hưởng như tuổi tác, giới tính (tỷ lệ nữ mắc cao hơn nam), mang thai, lịch sử gia đình (di truyền), béo phì, ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài.

Bệnh nhân thường chỉ bị các triệu chứng dễ thấy như mạch máu xanh, đen hoặc xoắn vặn, phình to. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể bị nhói, căng cơ, cảm giác nặng nề ở chân, đau sau khi ngồi hoặc đứng lâu. Họ cũng có thể bị ngứa hoặc da đổi màu. Trường hợp biến chứng nặng có thể là loét, huyết khối hoặc chảy máu.

Các bác sĩ khuyên bệnh nhân tập thể dục, gác chân lên cao hoặc đeo tất bó để giảm đau, ngăn tĩnh mạch giãn thêm.

Bệnh giãn tĩnh mạch chân. Ảnh: Meta.

Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/ba-lao-bi-ga-mo-chet-va-su-nguy-hiem-cua-benh-gian-tinh-mach-1460537.tpo