Ba Lan tự biến Dòng chảy Phương Bắc-2 thành chiếc thòng lọng?

Đầu dây phía Brussels là nguyên tắc đồng thuận trong EU và đầu dây phía Washington là trừng phạt của Mỹ, không thể siết lại theo ý của Warsaw...

Ba Lan xem Dòng chảy phương Bắc-2 là chiếc thòng lọng và chỉ Mỹ mới có thể gỡ nút thắt

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TVP1 của Ban Lan, cựu Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Antoni Macierewicz, cho rằng Dự án Dòng chảy Phương Bắc-2 giữa Nga và Đức đang làm hại đến cả lợi ích chính trị lẫn kinh tế và an ninh của Ba Lan.

Đặc biệt, ông Macierewicz chỉ trích việc chính quyền Berlin, qua Dự án năng lượng chiến lược này - đã kết hợp với Moscow, đưa Warsaw và các đồng minh Trung -Đông Âu vào chiếc thòng lọng và siết chặt bằng sợi dây lợi ích.

“Đức theo đuổi chính sách liên minh với Nga và muốn thắt chặt thòng lọng với chúng ta bằng Dòng chảy Phương Bắc-2. Họ muốn siết chặt Ba Lan và các nước Trung Âu, buộc chúng ta vĩnh viễn phụ thuộc vào sức mạnh chính trị và kinh tế của họ”.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz ví Dòng chảy phương Bắc-2 là chiếc thòng lọng

Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Macierewicz thì Ba Lan chỉ có thể trở thành một quốc gia độc lập khi có các căn cứ quân sự của Mỹ được thiết lập trên lãnh thổ Ba Lan và Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 phải bị đình lại.

Ông Macierewicz khẳng định đó là hai mục tiêu chính mà chính sách đối ngoại của Ba Lan cần hướng tới. “Chúng ta phải hiểu rằng chỉ có Mỹ mới giúp Ba Lan giải quyết được những vấn đề gai góc đó”.

Cựu Bộ trưởng Ba Lan được đưa ra tuyên bố như vậy sau khi Chính phủ Đức cho biết Berlin coi Dự án Dòng chảy Phương Bắc-2 là cực kỳ cần thiết, bởi nhu cầu khí đốt của Đức sẽ tăng mạnh trong những năm tới, như lời phát ngôn viên Martina Fietz.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmeier cũng hoan nghênh Dự án Dòng chảy Phương Bắc-2. “Tôi muốn những dự án tư nhân có mục đích thúc đẩy phát triển cho ngành năng lượng đất nước được thành công”.

Còn trước đó, vào tháng 2/2018, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay chính phủ của bà coi Dự án Dòng chảy Phương Bắc-2 là một dự án kinh tế và không hể ảnh hưởng đến kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của đất nước.

Nữ Thủ tướng Đức đưa ra tuyên bố sau khi Đức cho phép Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga xây dựng và vận hành đường ống của Dòng chảy Phương Bắc-2 tại lãnh hải nước này, bất chấp sự phản đối của Ba Lan và Ukraine.

Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là một dự án năng lượng do Tập đoàn Gazprom cùng với Engie của Pháp, OMV AG của Áo, Shell của Hà Lan-Anh, Uniper và Wintershall của Đức thực hiện.

Dự án Dòng chảy phương Bắc-2 (Nord Stream-2) có tổng mức đầu tư là 9,5 tỷ USD, trong đó Gazprom chiếm 50% cổ phần. Dài 1.220 km, Dòng chảy phương Bắc-2 nối làng Ust Luga, miền Tây nước Nga với Greifswald, miền Bắc nước Đức.

Warsaw quyết tâm chính trị hóa Nord Stream-2 để thực hiện ước vọng của mình

Theo thiết kế, đường ống này cung cấp 55 tỉ mét khối khí đốt từ Nga cho Châu Âu mỗi năm. Dự án được thỏa thuận về nguyên tắc tại Diễn đàn kinh tế Saint Petersburg hồi tháng 12/2015, khởi công đầu năm 2018 và dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

Ngày 24/4/2017, tại lễ ký kết các thỏa thuận về tài chính giữa Tập đoàn năng lượng Gazprom và 5 đối tác châu Âu tại Paris, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder, cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nord Stream AG, đã tuyên bố:

“Chúng ta đang viết một trang sử mới cho ngành năng lượng khí đốt châu Âu. Dự án đang tiến triển nhanh chóng. Nhiều hợp đồng đang được ký kết và công trình xây dựng đã được khởi động”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Nord Stream-2.

Warsaw tự biến Dòng chảy phương Bắc-2 thành chiếc thòng lòng với chính mình?

Việc chính quyền Ba Lan phản đối kịch liệt Dự án Dòng chảy phương Bắc-2 được cho xuất phát từ chính sách ngoại giao mang thù địch với Nga cũng như sự thất vọng với quan điểm của Đức về vai trò và vị thế của Ba Lan trong EU.

Khi Dự án Dòng chảy phương Bắc-2 được thỏa thuận về mặt nguyên tắc là dự án năng lượng giữa Nga và EU, mà Đức làm đại diện, chính quyền Warsaw tin tưởng rằng có thể dễ dàng ngăn chặn dự án này.

Bởi theo nguyên tắc đồng thuận của EU, chỉ cần Ba Lan phản đối thì Dự án Dòng chảy phương Bắc-2 sẽ mãi mãi không thể được khơi dòng. Đây là rào cản pháp lý mà Berlin không thể vượt qua để bắt tay với Moscow, nếu Đức vẫn nằm trong EU.

Tuy nhiên, Berlin và Moscow đã biến Nord Stream-2, trên danh nghĩa, là dự án của Nga và Đức, thế là Dòng chảy phương Bắc-2 không còn gặp rào cản mang tính mặc định, mà chỉ còn đối mặt với những rào cản bởi những thế lực muốn ngăn cản.

Phải thấy rằng đây là tính toán rất khôn ngoan và chuẩn xác của bộ đôi Merkel-Putin trong việc phá rào cản cho Dòng chảy phương Bắc-2, đưa cả Warsaw, Kiev và những thực thể khác muốn chặn Nord Stream-2 vào thế việt vị.

Nhừng bộ đôi Merkel-Putin đã hóa giải ý đồ của Warsaw, giúp cho Nord Stream-2 không còn gặp rào cản mặc định

Trước bối cảnh đó, Wasaw - và cả Kiev - không muốn mất cả chỉ lẫn chài bởi Nord Stream-2, nên đã hướng tới Washington, vì Mỹ đang trừng phạt Nga và là đồng minh bảo trợ an ninh cho Đức.

Nhất là khi Washington thực hiện việc luật hóa trừng phạt Nga, trong đó trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng, thì niềm tin Washington sẽ giúp Warsaw ngăn Dòng chảy phương Bắc-2 càng được nâng lên.

Để đảm bảo chắc chắn, Wasaw còn đưa ra "phần thưởng cực lớn" cho Washington khi thực hiện nghĩa cử này, đó là gia tăng mua vũ khí Mỹ, tăng ngân sách quốc phòng lên trên 2%, đặc biệ sẵng sàng bỏ tiền cho Mỹ xây dựng căn cứ quân sự tại Ba Lan.

Song dường như tất cả những tính toán của Warsaw đều không mang lại kết quả như kỳ vọng, vì món quà tặng của Warsaw dù rất lớn, nhưng vẫn chưa đủ thuyết phục Washington ngăn chặn Nord Stream-2.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ba-lan-tu-bien-dong-chay-phuong-bac-2-thanh-chiec-thong-long-3367458/