Ba Lan tìm cách siết khí đốt Nga

Ba Lan đòi tăng phí quá cảnh khí đốt trong bối cảnh Nga hạn chế đường xuất sang châu Âu.

Thông tấn TASS ngày 14/8 dẫn lời ông Piotr Naimski- người đứng đầu Cơ quan Hạ tầng Năng lượng Chiến lược Ba Lan - cho rằng, Ba Lan cần tăng mức phí quá cảnh khí đốt từ Nga sang châu Âu đi qua nước này.

Ba Lan muốn tăng phí quá cảnh khí đốt Nga.

Ba Lan muốn tăng phí quá cảnh khí đốt Nga.

Ông Naimski cho rằng, mức phí hiện tại mà Ba Lan đang thu của Nga cho dịch vụ quá cảnh khí đốt là 21 triệu zloty (5,4 triệu USD). Đây là con số "không xứng đáng".

Vị này cho rằng, Ba Lan cần tìm cách tính để nâng mức này lên sau khi hợp đồng hiện tại hết hạn.

"Gazprom nên trả nhiều tiền hơn cho dịch vụ quá cảnh khí đốt của mình" - ông Naimski lưu ý thêm.

Hợp đồng vận chuyển khí bằng đường ống khí Yamal sẽ hết hạn vào ngày 16/5/2020. Đường ống khí Yamal-Châu Âu được đặt trên các lãnh thổ của Nga, Belarus, Ba Lan và Đức, kết nối các mỏ khí ở Tây Siberia với người tiêu dùng cuối ở Tây Âu.

Ngoài Ba Lan, Nga đã trả tiền phí cho quá cảnh khí đốt cho Ukraine để lắp đặt các đường ống dẫn khí đốt trên đất liền từ Nga đến những người dùng ở châu Âu. Nhưng Tập đoàn năng lượng Ukraine Naftogaz và nhà cung cấp Nga Gazprom hiện đang ở trong một cuộc tranh cãi về giá khí đốt cũng như các khối lượng khí đốt mà Ukraine có nhiệm vụ đẩy sang châu Âu.

Vào ngày 31/12/2019, hợp đồng 10 năm cho việc vận chuyển khí đốt của Nga cho châu Âu quá cảnh Ukraine sẽ kết thúc.

Bên cạnh đó, Nga đang lắp đặt đường ống dẫn khí đốt chạy dưới biển Baltic mang tên Nord Stream-2, đưa trực tiếp khí đốt Nga đến Đức mà không thông qua khoản phí quá cảnh nào. Dự án được công bố vẫn đang thực hiện "đúng tiến độ" nhưng khả năng thông dòng vào đầu năm 2020 là một câu hỏi lớn. Đan Mạch là một trong những quốc gia đang gây trở ngại cho việc cấp phép và xây dựng dự án này.

Nắm được tình hình trên, Ba Lan đang là quốc gia có vai trò quan trọng chiến lược đối với Gazprom và Nga trong việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Điều kiện này khó lòng thúc đẩy Ba Lan ngó lơ các điều khoản của hợp đồng quá cảnh khí đốt mới trong tương lai.

Đường ống Yamal Nga đưa khí đốt quá cảnh qua Ba Lan tới Đức.

Trong một diễn biến mới nhất, tính tới tháng 4/2019, việc cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu thông qua Ukraine tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ tháng 1 đến tháng 8/2019, 53,2 tỷ mét khối khí đốt Nga đã được chuyển đến Moldova và các nước châu Âu qua ngả Ukraine.

Khối lượng vận chuyển trong năm tăng 2,2 tỷ mét khối. Đồng thời, trong 7 tháng đầu năm 2019, Kiev đã tăng 36% lượng khí nhập khẩu.

Kiev đã ngừng mua khí đốt của Nga vào tháng 11/2015. Ukraine đã bơm khí ngược lại từ châu Âu vào kho chứa khí của mình. Đây là loại khí tương tự của Nga, nhưng chỉ khác ở chỗ là đắt hơn. Phía Nga đã đưa ra đề xuất bán hàng trực tiếp khí đốt Nga rẻ hơn, nhưng Naftogaz Ukraine đã từ chối.

Moscow, Kiev và Brussels đang tiến hành các cuộc đàm phán ba bên về vận chuyển khí đốt sau năm 2019 tới châu Âu. Tuy nhiên, trong khi đó Naftogaz Ukraine lại chỉ muốn đàm phán với tòa án.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ba-lan-tim-cach-siet-khi-dot-nga-3385693/