Ba Lan lật lại điều tra tai nạn máy bay ở Nga

Nga đồng ý cho Ba Lan điều tra chung vụ tai nạn máy bay thảm khốc của cố Tổng thống Lech Kaczynski.

RT dẫn lời phát ngôn viên Ủy ban điều tra Nga Svetlana Petrenko xác nhận, các nhà điều tra Ba Lan sẽ tới Nga vào đầu tháng 9 để điều tra các mảnh vỡ còn sót lại của chiếc Tu-154M rơi năm 2010 tại khu vực gần thành phố Smolensk.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay của cố Tổng thống Ba Lan.

Bà Petrenko cho biết, một nhóm điều tra Nga sẽ cùng với nhóm chuyên gia của Ba Lan sẽ thực hiện 2 cuộc kiểm tra song song các mảnh vỡ máy bay từ ngày 3/9-7/9.

Các "phụ kiện, cấu trúc, các bộ phận lắp ráp của chiếc Tu-154M được lưu trữ ở Smolensk sẽ được kiểm tra.

Sau đó, phía Nga sẽ gửi lại phần kết quả này cho phía Chính phủ Ba Lan theo đúng thủ tục pháp luật.

Nga và Ba Lan đã từng lâm vào bối cảnh chính trị căng thẳng liên quan đến vụ việc tai nạn này.

Các nhà điều tra gồm cả Nga và Ba Lan đều kết luận rằng nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do lỗi của phi công và tình trạng thời tiết xấu. Chiếc Tu-154M đã va chạm với những cây bạch dương, khi đang hạ độ cao để hạ cánh. Tuy nhiên, các phi công đã không thể quan sát thấy chướng ngại vật này vì sương mù quá dày đặc phía dưới.

Nhiều năm sau, một bộ phận chính khách ôm lòng thù hận với Nga đã đưa ra thuyết âm mưu rằng vụ tai nạn là kịch bản bí mật của Moscow nhằm ám sát nhà lãnh đạo Ba Lan. Chính phủ Ba Lan đã phủ nhận điều này bởi điều tra do Warsaw thực hiện không thể phát hiện bằng chứng cho cáo buộc trên.

Đến cuộc bầu cử năm 2015, đảng Pháp luật và Công lý do người anh em song sinh của cố Tổng thống Kaczynski - ông Jaroslaw dẫn đầu đã giành chiến thắng, sau đó, thuyết âm mưu trên biến thành chỉ đạo điều tra chính thức của Warsaw.

Năm 2016, Ba Lan khởi động cuộc điều tra mới về tai nạn máy bay tại Smolensk với mục tiêu một mũi tên trúng hai đích - Nga và chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Theo đó, ông Tusk từng giữ chức Thủ tướng Ba Lan từ 2007-2014 đã trở thành đối tượng trong tầm ngắm của ông Jaroslaw.

Ngày 2/6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz cáo buộc ông Tusk là nhân vật phải chịu trách nhiệm về chính trị, luật pháp và đạo đức trong vụ tai nạn năm 2010.

Thủ tướng Nga khi đó là ông Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đến hiện trường vụ rơi máy bay.

Cuộc điều tra mới của Ba Lan cho rằng, chiếc Tu-154M không gặp tai nạn mà là bom nhiệt áp phát nổ bên trong thân của chiếc phi cơ.

Các chuyên gia Ba Lan và Nga dẫn đầu cuộc điều tra năm 2010 đã không chấp nhận khả năng rằng chiếc máy bay rơi do một vụ nổ. Cựu Chủ tịch Ủy ban Điều tra tai nạn hàng không Ba Lan Maciej Lasek nhấn mạnh rằng sau khi nghiên cứu hàng chục mẫu vật từ hiện trường thì các chuyên gia nước này đã loại trừ khả năng có một vụ nổ xảy ra.

Phía Nga đã gọi cuộc điều tra mới là "quá phi lý" và không thể xem xét nghiêm túc. Các quan chức từ Ủy ban Hàng không Liên bang Nga nhấn mạnh không những cáo buộc mới không có cơ sở mà Ba Lan còn làm ngơ và lấp liếm các bằng chứng không hợp lý với lý thuyết của họ.

Chưa hết, cuộc điều tra mới của Ba Lan còn có cả quá trình khai quật thi thể các nạn nhân trong vụ rơi Tu-154M năm 2010, bao gồm cả cố Tổng thống Kaczynski.

Phía Ba Lan sau đó tuyên bố đã phát hiện mẫu gen của hai người khác trong quan tài cố Tổng thống Kaczynski. Cơ quan chức năng ngay lập tức chĩa mũi tên vào các nhà pháp y Nga, cho rằng họ kém cỏi hoặc thậm chí đã cố báng bổ thi hài của Tổng thống Kaczynski.

Phía Nga đã phản ứng tức giận.

Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergei Andreev hồi năm 2016 đã nói rằng các cáo buộc trên “không thể chấp nhận được” khi phía Nga trao các thi hài cho Ba Lan với quan niệm rằng chính Warsaw sẽ tiến hành thêm những xét nghiệm trước khi tiến hành chôn cất.

Đại sứ Andreev còn nhấn mạnh rằng các chuyên gia Nga đã buộc phải làm việc trong điều kiện thiếu thời gian và họ đã cố gắng hết sức dưới hoàn cảnh như vậy.

Tờ Izvestia của Nga khi đó còn dẫn các nguồn tin cho biết rằng, chính các nhà chức trách Ba Lan đã gây áp lực khiến các điều tra viên Nga phải tác nghiệp nhanh chóng và dẫn đến sai sót. Hơn nữa, họ cũng nghĩ phía Ba Lan sẽ tiến hành các xét nghiệm kỹ lưỡng trước khi đưa đi chôn cất.

Ông Vladimir Putin, khi đó là thủ tướng Nga, và Đại sứ Ba Lan tại Nga, mặc niệm trước linh cữu Tổng thống Lech Kaczynski.

Ngay cả Mỹ cũng chọn quan điểm không can thiệp nhiều vào cuộc điều tra mới của Ba Lan. Mỹ đã nêu rõ rằng mặc dù vụ tai nạn là một thảm kịch tồi tệ nhưng Washington không muốn nhúng tay vào nỗ lực mới để đổ tội lên phía Nga. Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Paul Jones chia sẻ với truyền thông Ba Lan rằng Washington đã chuyển mọi thông tin nước này có cho cuộc điều tra trước và phía Mỹ không thấy có gì để thực hiện thêm.

Chiếc máy bay Tu-154M, bị rơi trên đất Nga cách đây 8 năm khiến 96 người tử nạn vào ngày 4/10/2010.

Khi đó chiếc Tu-154M có nhiệm vụ chở Tổng thống Lech Kaczynski, phu nhân Tổng thống cùng các nghị sĩ, các tư lệnh cấp cao của quân đội Ba Lan sang Nga tham gia lễ tưởng niệm vụ thảm sát Katyn, khiến 4-5.000 người Ba Lan thiệt mạng hồi năm 1940.

Chiếc máy bay đã rơi trước khi hạ cánh ở một sân bay tại Smolensk, cách 360 km so với thủ đô Moscow về hướng tây nam.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ba-lan-lat-lai-dieu-tra-tai-nan-may-bay-o-nga-3364265/