Ba Lan hướng tới trở thành trung tâm khí đốt châu Âu

Trước khi cuộc xung đột xảy ra, Nga là bên cung cấp 40% lượng khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU), song khi căng thẳng ngày một leo thang, người dân châu Âu càng lo lắng về nguồn cung năng lượng từ Nga. Hiện nay, với kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất ở cảng Swinoujscie, Ba Lan đang đặt cược vào đây để tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, cũng như tham vọng hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm khí đốt của châu Âu.

Nỗ lực độc lập hoàn toàn về khí đốt

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, quốc gia này sẽ đưa ra kế hoạch cấp tiến nhất trong EU để cắt giảm hoàn toàn hàng nhập khẩu của Nga. Ba Lan sẽ thực hiện các biện pháp để trở nên độc lập với dầu khí của Nga vào cuối năm 2022. Mặc dù quốc gia này đã độc lập với nguồn cung cấp của Nga, Ba Lan hiện có ý định đưa ra kế hoạch triệt để nhất so với bất kỳ quốc gia châu Âu nào để cắt giảm hoàn toàn hàng nhập khẩu của Nga. Ông nhấn mạnh rằng, độc lập khỏi dầu khí của Nga một phần sẽ đạt được nhờ vào việc tập trung cho năng lượng tái tạo.

Nguồn: Aljazeera

Nguồn: Aljazeera

Thủ tướng Ba Lan cho biết đất nước của ông sẽ đưa ra kế hoạch cấp tiến nhất trong EU để cắt giảm hoàn toàn hàng nhập khẩu của Nga. Ba Lan đã và đang nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách mở rộng kho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp LNG và đầu tư vào cơ sở hạ tầng khí đốt xuyên biên giới.

Ba Lan đã giới thiệu một mạng lưới sắp hoàn thành mà nước này đã dành nhiều năm xây dựng: một kho lưu trữ trị giá hàng tỷ USD để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng tàu, một mạng lưới đường ống đi qua Ba Lan và kết nối với các nước láng giềng thân thiện, cùng một đường ống dưới biển nối với Na Uy dự kiến khai trương ngày 1.10 tới. Ba Lan tiêu thụ khoảng 20 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, khoảng một nửa trong số đó được cung cấp qua các đường ống từ Nga. Quốc gia này cũng đã tự sản xuất khoảng 3 tỷ mét khối và nhập khẩu hơn 6 tỷ mét khối LNG mỗi năm thông qua cảng ở biển Baltic, và phần lớn lượng LNG đến từ Mỹ và Na Uy.

Phần quan trọng nhất trong chiến lược độc lập năng lượng của Ba Lan là đường ống mới từ Na Uy, khi đi vào hoạt động, đường ống có khả năng cung cấp 10 tỷ mét khối khí cho Ba Lan mỗi năm. Một số chuyên gia nhận định rằng, đường ống này có thể được đưa vào hoạt động sớm hơn dự kiến, và kể cả khi dự án không đúng hẹn, Ba Lan sẽ có thể vượt qua vài tháng tới mà không cần khí đốt từ Nga khi mà kho dự trữ của họ đã được nạp đầy hơn 75% và có thể nhập thêm khí đốt từ Đức.

Bên cạnh đó, đặc mệnh toàn quyền chính phủ Ba Lan về cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược Piotr Naimski cho biết, ưu tiên tiếp theo của ông là hoàn thành xây dựng kho lưu trữ LNG thứ hai ở thành phố cảng Gdansk. Kho LNG này dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2027, nhưng ông muốn rút ngắn thêm 2 năm. Và sau khi Ba Lan bảo đảm nguồn cung trong nước, ông Naimski hy vọng có thể cung cấp số khí đốt còn lại cho các thành viên trong Liên minh châu Âu (EU).

Tham vọng của Ba Lan

Thị trấn ven biển Warszow thuộc thành phố cảng Swinoujscie là nơi đặt kho khí đốt lớn nhất Ba Lan, được xem như điểm tựa tốt nhất để nước này thoát khỏi phụ thuộc năng lượng Nga. Hồi tháng 3, Chính phủ Ba Lan đã cung cấp hơn 663 triệu USD cho nhà điều hành kho khí đốt ở Swinoujscie. Kho LNG Kaczynski tại cảng Swinoujscie là một phần không thể thiếu để thay thế nguồn cung bị cắt giảm, sau khi tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo ngừng chuyển khí đốt cho Ba Lan từ tháng 4. Hiện nay, các công nhân của kho khí đốt Kaczynski đang bận rộn lắp đặt bể chứa thứ ba liên kết với cầu cảng cách đó nửa kilomet. Tàu từ khắp nơi trên thế giới, chủ yếu là Qatar và Mỹ, hoặc đôi khi là Na Uy, Nigeria, Trinidad hoặc Tobago, cập cảng Swinoujscie rồi bơm LNG vào kho.

Bắt đầu hoạt động từ năm 2016, kho lưu trữ này có chi phí xây dựng hơn 765 triệu USD. Hiện kho tiếp nhận và tái hóa khí khoảng 23% trong số 21 tỷ mét khối khí đốt hàng năm của Ba Lan. Sau khi hoàn thành công trình mở rộng, công suất tái hóa khí của kho có thể tăng lên 7,5 tỷ mét khối mỗi năm vào cuối năm 2023 và có thể tăng lên 10 tỷ mét khối sau đó. Giống như các quốc gia khác của châu Âu, Ba Lan đang dần từ bỏ các nhà máy điện than, nhưng tiêu thụ khí đốt trong nước đang tăng nhanh, có thể lên tới 30 tỷ mét khối mỗi năm, tương đương lượng sưởi ấm cho 9 triệu ngôi nhà.

Trong nỗ lực tạo ra một trung tâm khí đốt cho khu vực, Ba Lan đang làm việc cùng với Litva, Ukraine, Slovakia và Cộng hòa Czech để có thể cung cấp lượng khí đốt dư thừa cho các nước láng giềng. Đây là một phần trong chiến lược định hướng lại thị trường khí đốt Trung Âu, tạo ra các tuyến Bắc - Nam nhằm thay thế những đường ống theo hướng Đông - Tây hiện có. Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group Henning Gloystein cho biết, Ba Lan sẽ phải đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của EU nhằm loại bỏ nhập khẩu khí đốt Nga.

Ưu tiên trước mắt là thay thế gần 10 tỷ mét khối khí đốt mà Ba Lan từng nhận từ Nga. Điều này chủ yếu sẽ liên quan tới việc khởi động Đường ống Baltic dự kiến vào cuối năm 2022. Ổng Henning Gloystein cho biết thêm, đường ống này cùng với hoạt động nhập khẩu LNG sẽ giúp bảo đảm nguồn cung, và về lâu dài, Ba Lan sẽ phải làm nhiều hơn nữa với các nguồn năng lượng mới khi nước này cắt giảm phụ thuộc vào than đá để có thể đạt mục tiêu không phát thải vào năm 2050.

Cộng hòa Czech đã cam kết hỗ trợ cho kho LNG Kaczynski của Ba Lan, và thậm chí tuyên bố sẽ đầu tư để mở rộng kho khí đốt ở Swinoujscie. Trong khi đó, công ty LNGE của Mỹ được cho đề nghị tài trợ xây dựng lại một đường ống khí đốt mới giữa Ba Lan và Ukraine. Thành viên Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng tại Viện Chính sách công Baker thuộc Đại học Rice Anna Mikulska cho biết, Đức hiện đang đặt cược vào khí đốt Nga và chạy đua để có thể cung cấp đủ khí đốt cho thị trường của họ vào thời điểm hiện tại và tương lai. Chính sách năng lượng của nước này với mục tiêu từ bỏ điện than và điện hạt nhân sẽ đòi hỏi nhiều khí đốt hơn trong những năm tới.

Những kế hoạch tiềm năng đưa Đức trở thành trung tâm khí đốt của Trung và Đông Âu không còn thực tế nữa. Mặt khác, Ba Lan đang đứng trước triển vọng có thể giúp đỡ các nước láng giềng phía Tây như Đức cũng như nhiều quốc gia khác.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/ba-lan-huong-toi-tro-thanh-trung-tam-khi-dot-chau-au-i292813/