Ba Lan ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng theo ngày cao nhất

Bộ Y tế Ba Lan ngày 12/5 đã ghi nhận thêm 595 ca nhiễm COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất tại nước này. Theo đó, tổng số ca bệnh ở Ba Lan hiện tăng lên 16.921 trường hợp.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào bệnh viện ở Wolica, Ba Lan ngày 20/4/2020. Ảnh: PAP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào bệnh viện ở Wolica, Ba Lan ngày 20/4/2020. Ảnh: PAP/TTXVN

Hầu hết (492) trong số ca nhiễm mới nói trên là ở tỉnh Silesia, miền Nam Ba Lan, nơi số ca nhiễm bệnh gia tăng gần đây là lây lan giữa những công nhân làm việc trong các mỏ than và trong cộng đồng của họ. Bộ Y tế Ba Lan cùng ngày cũng thông báo có thêm 28 người chết, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 lên 839 người.

* Tại Pháp, tính đến tối 12/5, số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này tăng lên 26.991 người sau khi ghi nhận thêm 348 người chết trong 24 giờ. Hiện có 21.595 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 689 so với hôm trước), trong đó 2.542 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 170). Bên cạnh đó, 57.785 người đã khỏi bệnh và ra viện.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trong phiên điều trần trước Hạ viện chiều 12/5, ông Jean Castex, tác giả kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa quốc gia, cảnh báo rằng chính phủ đã chuẩn bị cho khả năng phải thiết lập lại phong tỏa. Ông Castex nhấn mạnh nếu tình hình dịch bệnh xấu đi, chính phủ sẽ không đợi đến 2/6 - ngày bắt đầu giai đoạn 2 của kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa - mới phản ứng. Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa mới có thể chỉ áp dụng với các địa phương ghi nhận số ca nhiễm cao bất thường.

Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cho biết ít nhất 5.000 công dân Pháp đang mắc kẹt tại Maroc và 5.000 người khác tại Tunisia từ giữa tháng 3. Trong tháng 4, 150 chuyến bay đặc biệt đã đưa 30.000 người Pháp từ Maroc về nước, cũng như 100 chuyến khác đã hồi hương được 17.000 người từ Tunisia. Cho đến nay, chưa một chuyến bay thương mại nào được lên kế hoạch, vì biên giới ngoài khu vực Schengen tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Hàng chục nghìn người Maroc và Tunisia hiện cũng đang bị mắc kẹt tại Pháp.

Cùng ngày, Tập đoàn ADP quản lý các sân bay Paris đã thông báo tăng số tiền dành cho kế hoạch phục hồi lên 450 triệu euro, thay vì 375 triệu như ước tính ban đầu. Tổng giám đốc Augustin de Romanet cũng đưa ra dự báo rằng hoạt động của ngành hàng không chỉ đạt khoảng 50% mức bình thường vào mùa Thu tới.

Trong khi đó, bất chấp những quan ngại về sự bùng phát dịch bệnh lần 2, hàng nghìn trường học trên khắp nước Pháp đã mở cửa trở lại vào ngày 12/5 sau khi chính phủ nước này nới lỏng lệnh phong tỏa 1 ngày trước đó. Các trường mẫu giáo và tiểu học đã mở cửa trở lại nhưng giáo viên phải đeo khẩu trang và học sinh được sắp xếp chỗ ngồi cách xa nhau.

* Iceland, quốc gia đã kiềm chế thành công dịch COVID-19 và tiến hành xét nghiệm tính theo đầu người nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, cho biết sẽ yêu cầu tất cả những người đến nước này phải xét nghiệm nhằm tránh cách ly 14 ngày. Theo đó, tất cả những người hạ cánh xuống sân bay Keflavik - sân bay quốc tế duy nhất của Iceland, muộn nhất là từ ngày 15/6 sẽ phải thực hiện xét nghiệm. Nếu chấp thuận xét nghiệm, họ sẽ được phép đến khách sạn hoặc về nhà.

Tuy nhiên, trong trường hợp có kết quả xét nghiệm là dương tính, họ sẽ phải cách ly ít nhất 14 ngày. Nếu du khách cung cấp giấy tờ y tế chứng minh họ không bị nhiễm bệnh sẽ không cần phải xét nghiệm. Ngoài ra, khách du lịch cũng được yêu cầu phải tải xuống và sử dụng một ứng dụng định vị đã được 40% dân số Iceland sử dụng.

Iceland hiện ghi nhận 1.801 ca nhiễm và 10 người tử vong. Từ đầu tháng 5 đến nay, Iceland chỉ ghi nhận 3 ca nhiễm mới. Đến nay, Iceland đã xét nghiệm cho 54.791 người, tương đương hơn 15% số dân của đất nước có 364.000 người này. Biện pháp xét nghiệm hàng loạt của Iceland đã cho thấy hiệu quả khi nước này vẫn mở cửa biên giới với các quốc gia Schengen khác trong suốt mùa dịch.

Tuy nhiên, Iceland vẫn thực hiện các biện pháp cách ly đối với tất cả những người đến nước này từ 24/4, và tất cả công dân Iceland cũng như khách quốc tế đến từ những khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh cao đều được yêu cầu cách ly trong vòng 2 tuần kể từ cuối tháng 1.

Trần Quyên - Linh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/ba-lan-ghi-nhan-so-ca-mac-covid19-tang-theo-ngay-cao-nhat-20200513093756889.htm