Ba Lan dùng hệ thống PILICA chống Nga

Quân đội Ba Lan đã chính thức được trang bị hệ thống phòng không tầm gần PILICA (PSR-A).

Trong tuyên bố hôm 19/12, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak cho biết, những hệ thống đầu tiên PILICA đã chính thức được bàn giao cho Lữ đoàn Tên lửa Phòng không 3 (đơn vị làm nhiệm vụ gần với biên giới Nga) để ngăn chặn những nguy cơ bị tấn công từ bên ngoài.

"Hệ thống PILICA của chúng tôi có thể ngăn chặn mọi cuộc tấn công đường không trong tầm bắn. Từ tên lửa hành trình, trực thăng, UAV, chiến đấu cơ bay tầm thấp...", bộ trưởng Mariusz Błaszczak nói.

Kế hoạch sử dụng PILICA của Ba Lan đã khá rõ ràng nhưng theo giới chuyên gia, sẽ rất khó để hoàn thành nhiệm vụ nếu hệ thống này phải đối đầu với những vũ khí tối tân hơn nhiều của Nga.

Đặc biệt PILICA không phải là thiết kế mới hoàn toàn, mà nó là một phiên bản nâng cấp đặc biệt nhờ việc tích hợp pháo phòng không ZU-23 và tên lửa vác vai Grom đem lại khả năng chiến đấu cao gấp nhiều lần phiên bản cơ sở.

Cùng với việc tích hợp pháo và tên lửa, hệ thống này được đặt trên khung gầm các loại xe tự hành cơ động, bao gồm cả BRDM-2. Như vậy là hệ thống phòng không PILICA dựa trên pháo phòng không ZU-23 và tên lửa Grom đã được tạo ra.

Một tiểu đoàn PILICA bao gồm sáu hệ thống pháo-tên lửa ZUR-23-2SP Jodek, một xe điều khiển-chỉ huy, một xe radar cơ động, 1 xe nạp đạn và 2 xe hậu cần. Trong tương lai, tên lửa Grom sẽ sớm được thay thế bởi biến thể tên lửa vác vai cơ động hiện đại hơn Piorun.

Hệ thống vận hành PILICA được thiết kế để hoạt động hoàn toàn tự động, nhờ sử dụng một hệ thống điều khiển hỏa lực bằng máy vi tính và các thiết bị quang điện tử bổ sung. Tên lửa Grom có khả năng bắn hạ các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 5 km, trong khi pháo 23-mm có tầm bắn hiệu quả 2 km.

Phiên bản nâng cấp của pháo ZU-23 được bổ sung: Kênh dẫn bắn điện dọc-ngang; trạm điều khiển và chỉ thị từ xa; hệ thống quang-điện tử; màn hình hiển thị video; hệ thống máy tính kỹ thuật số; hệ thống điện. Phiên bản hiện đại hóa đảm bảo: tự động hóa quá trình tìm kiếm, phát hiện, theo dõi mục tiêu và quyết định khai hỏa; nâng cao hiệu suất chiến đấu chống mục tiêu trên không; Sử dụng hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết; tăng tốc độ dẫn bắn của vũ khí.

Với việc tích hợp pháo-tên lửa lên cùng một hệ thống cơ động đã tăng cường khả năng chiến đấu và tận dụng tối đa khả năng của pháo phòng không ZU-23 và tên lửa vác vai Grom, đảm bảo đủ sức đương đầu với các loại vũ khí trong các cuộc chiến tranh hiện đại ở tầm gần. (Thanh Hà)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/ba-lan-dung-he-thong-pilica-chong-nga-3424605/