Ba Lan đổ tiền nuôi các căn cứ quân sự Mỹ

Để nhận được sự bảo vệ từ Mỹ, Ba Lan đã chấp thuận chi trả toàn bộ chi phí cho sự hiện diện quân sự của Mỹ.

Thực hiện theo thỏa thuận về việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Ba Lan được hai bên ký kết hồi tháng 8/2020, hơn 1.000 binh sĩ Mỹ và trang bị quân sự đã có mặt tại quốc gia Đông Âu này, nâng tổng số quân đồn trú lên con số 6.000.

"Washington đang giúp Warsaw củng cố tiềm lực quốc phòng và hai bên có thể phối hợp chống lại các mối đe dọa chung, tương tự như tại Ukraine và các quốc gia vùng Baltic", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết.

Lực lượng Mỹ trong một cuộc tập trận với NATO.

Lực lượng Mỹ trong một cuộc tập trận với NATO.

Nhưng điều nhà lãnh đạo này không nói đến là việc để có sự hiện diện quân sự của Mỹ, Warsaw đã phải chi hàng tỷ USD để duy trì. Điều này được quy định rõ trong thỏa thuận đã ký giữa hai bên.

Nguồn tin quân sự Ba Lan cho biết, lực lượng quân sự Mỹ đã lập tới 20 cơ sở đồn trú trên khắp lãnh thổ Ba Lan, thay vì tập trung ở vài căn cứ lớn.

Warsaw phải chi trả toàn bộ chi phí nâng cấp cơ sở hạ tầng và chuẩn bị cho các vị trí đóng quân của phía Mỹ. Đồng thời, Ba Lan cũng phải đảm bảo toàn bộ các chi phí sinh hoạt, thậm chí là cả tiền ăn cho lực lượng quân sự Mỹ đồn trú.

Đặc biệt, các đơn vị quân sự Mỹ còn nhận được các đặc quyền sử dụng hệ thống đường sắt, sân bay miễn phí. Thậm chí, trong các tình huống khẩn cấp, quân đội Mỹ có toàn quyền trưng dụng các tài sản công tại Ba Lan để phục vụ các hoạt động quân sự.

Với sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Ba Lan, nước này tin tưởng rằng có thể giúp đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào đến từ Nga. Theo giới chuyên gia, niềm tin của Ba Lan thực sự gây khó hiểu bởi trên thực tế, nếu quân Nga từ Kanilingrad và qua đường Belarus đánh sang nước này thì quân đội Ba Lan và 6.000 quân Mỹ không trụ được quá 1 ngày.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, có lẽ nước này tin tưởng là sự hiện diện của quân đội đồng minh sẽ là tấm lá chắn khiến Moscow phải chùn bước. Sự có mặt của tiểu đoàn NATO chỉ có ý nghĩa răn đe khiến Nga không dám đánh tới chứ không phải do thực lực chiến đấu của đơn vị này.

Cơ sở để Wazsava tin tưởng vào điều đó chính là một trong những nguyên tắc sáng lập của NATO là phòng thủ tập thể, nằm trong điều khoản thứ 5 của Hiệp ước Washington 1949 (còn gọi là Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), nhằm đáp trả những hành động gây hấn vào 1 quốc gia trong khối.

Nhưng Điều 5 Hiệp ước NATO không quy định bắt buộc phải đáp trả quân sự, mà nếu có, nó phải nhận được sự đồng thuận của cả 28 quốc gia thành viên. Liệu có nước nào đồng ý áp dụng hành động quân sự đối với cường quốc quân sự (cả vũ khí hạt nhân lẫn thông thường) như Nga, kể cả là Mỹ!

Chỉ cần 1 nước không chấp thuận thì NATO không thể điều quân đánh nhau với Nga. Lúc này, các thành viên chỉ có thể dùng tư cách cá nhân để trợ giúp quân sự cho Ba Lan, nhưng không rõ có quốc gia nào dám đương đầu với Nga để cứu nước này hay không.

Do đó, rất ít khả năng NATO đáp trả quân sự, mà chỉ đơn thuần là hành động "phản đối ngoại giao gay gắt". Do đó, lực lượng Mỹ đã triển khai hoặc thậm chí là quân đội của toàn khối có đóng ở Ba Lan cũng không đủ để bảo vệ nước này trước những hành động quân sự của Nga nếu xảy ra.

Nhưng Nga luôn khẳng định rằng, nước này không bao giờ có ý định vô cớ tấn công một quốc gia NATO hay xâm lược châu Âu, đây chỉ là những luận thuyết của phương Tây để ngụy biện cho chiến lược Đông tiến, nhằm siết chặt vòng vây xung quanh nước Nga mà thôi.

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/ba-lan-do-tien-nuoi-cac-can-cu-quan-su-my-3420271/