Ba Lan chê tàu ngầm Nga: Cứ nhìn NATO rồi hãy nói

Truyền thông Ba Lan chê vũ khí Nga trong bối cảnh giới lãnh đạo chính phủ nước này mới tuyên bố mua 4 tiểu đoàn xe tăng Abrams của Mỹ.

Truyền thông Ba Lan chê máy bay Nga già cỗi

Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski hôm 14/7 cho biết, nước này đã mua bốn tiểu đoàn xe tăng M1 Abrams từ Mỹ. Nếu mọi việc suôn sẻ thì vào năm tới, quân đội Ba Lan sẽ nhận được loại xe tăng Abrams mới nhất.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak nói rõ ở đây đề cập đến 250 chiếc xe tăng, đủ để xây dựng bốn tiểu đoàn. Theo ông, đó là phiên bản xe tăng tối tân nhất trong số vũ khí Mỹ trang bị, nổi bật nhờ độ chính xác và khả năng cơ động cao.

Trong bối cảnh đó, giới truyền thông Ba Lan mới đây cũng lớn tiếng chê bai vũ khí Nga.

Cổng thông tin Defense24 của Ba Lan cho biết, việc máy bay và tàu quân sự Nga tiếp cận các nhóm tàu chiến của phương Tây ở cự ly gần là hành động chủ quan. Ấn phẩm khẳng định rằng, hành vi đó chỉ có thể xảy ra trong thời bình, còn vào thời chiến lực lượng Nga sẽ không được phép tiếp cận tàu phương Tây gần tới mức như vậy.

Cổng thông tin này cho rằng, các vũ khí đã cũ của Nga sẽ gặp bất lợi trước những trang bị hiện đại của Quân đội Hoa Kỳ.

Defense24 viết rằng, các máy bay ném bom Tu-22M3 Backfire và MiG-31K Foxhound "già cỗi" của Nga không đủ khả năng chống chọi với các máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm F-35 Lightning II mới nhất của phương Tây và các máy bay Chỉ huy và Cảnh báo sớm.

Ấn phẩm Ba Lan nhận xét rằng, trong trường hợp này, có thể đoán trước được về kết quả vụ đụng độ là sự thảm bại của lực lượng quân sự Nga.

Truyền thông Ba Lan chê tàu ngầm Nga dễ bị phát hiện

Ngoài ra, tờ báo Ba Lan cũng chê bai các trang bị của Hải quân Nga, đặc biệt là chỉ ra những "nhược điểm đáng kể" của tàu ngầm Nga.

Theo đó, Defense24 nhận xét rằng, các tàu ngầm diesel-điện thuộc dự án 636 lớp "Varshavyanka" của Nga (NATO định danh là Kilo) được đánh giá là có tiếng ồn thấp, thậm chí là còn được đặt biệt danh “Hố đen của Đại dương” (Black Hole) vì sự lặng lẽ của nó, nhưng chúng không thể ở dưới nước quá hai ngày, vì thế dễ bị phát hiện hơn khi phải nổi lên lấy dưỡng khí.

Tàu ngầm Rostov-on-Don (B237) từ Biển Đen đi qua eo biển Bosphorus ra Địa Trung Hải; ngược chiều với tàu hộ tống Dmitriy Rogachev (375) của Hạm đội Biển Đen, ngày 23/06/2020

Tàu ngầm Rostov-on-Don (B237) từ Biển Đen đi qua eo biển Bosphorus ra Địa Trung Hải; ngược chiều với tàu hộ tống Dmitriy Rogachev (375) của Hạm đội Biển Đen, ngày 23/06/2020

Ấn phẩm viết rằng, những chiếc tàu ngầm này "có một nhược điểm đáng kể là không có “Hệ thống động lực không dùng không khí” (Air-independent propulsion) nên nó thường xuyên phải nổi lên nạp lại ô xy và có thể bị phát hiện bởi các phương tiện trinh sát chống ngầm.

Do đó, ấn phẩm Ba Lan nhận định rằng, NATO có thể biết khá chính xác về khu vực hoạt động của các tàu ngầm Nga, đặc biệt khi có thông tin về loại tàu ngầm cụ thể nào đó.

Tuy nhiên, nhận định của trang mạng Ba Lan đã vấp phải sự phản bác bởi theo giới chuyên gia: tàu ngầm lớp Varshavyanka có khả năng hoạt động liên tục tới 45 ngày và khả năng hành trình liên tục dưới đáy biển là 400 hải lý (tương đương với 15 ngày) không cần nổi lên lấy dưỡng khí.

NATO bất lực trong việc truy tìm tàu ngầm Nga

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh mới đây truyền thông Anh đưa tin, các phương tiện chống ngầm nước này đang bất lực trong việc truy tìm tàu ngầm diesel-điện dự án 636 lớp "Varshavyanka" của Nga theo dõi nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở Địa Trung Hải.

Vụ việc xảy ra 4 ngày sau sự cố máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 Nga ném bom ngăn chặn tàu khu trục Defender của Anh xâm nhập lãnh hải Nga ở trên Biển Đen, ở vùng biển nam bán đảo Crimea (hôm 23/6).

Daily Telegraph đoán định đó là một tàu ngầm diesel-điện thuộc lớp Kilo của Hạm đội Biển Đen (đây là định danh của NATO gọi các tàu ngầm Nga thuộc dự án 877 và 636 lớp "Varshavyanka"). Đó là chiếc tàu ngầm số hiệu B-237, với tên gọi là Rostov-on-Don.

Theo tin tức công bố, khi đi qua Đông Địa Trung Hải, các máy bay trực thăng săn ngầm Merlin Mk2 đã được lệnh cất cánh để tìm kiếm tàu ngầm. Họ thả phao sonar, thiết bị chuyên dụng lặn dưới nước để phát hiện tàu ngầm, vì cho rằng nó đang theo dõi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.

Một chiếc trực thăng trong nhóm cất cánh trực tiếp từ tàu sân bay, chiếc thứ hai là từ tàu hỗ trợ Fort Victoria. Đồng thời, có khả năng tàu khu trục DDG-68 USS The Sullivans của Mỹ hay tàu hộ vệ HNLMS Evertsen của Hà Lan cũng sẽ tham gia hoạt động này.

Tờ báo Anh tiết lộ, lực lượng Anh-NATO căng mình tìm kiếm tàu ngầm Rostov-on-Don của Nga, đã rời căn cứ Hải quân Nga ở Tartus ở Syria cuối tháng 6-đầu tháng 7, nhưng đến nay nó vẫn "mất tích" trước toàn bộ hệ thống săn tìm tàu ngầm của NATO trên Địa Trung Hải.

Điều đó cho thấy, các tàu ngầm diesel-điện thuộc lớp Kilo của Nga không hề dễ bị phát hiện như những tin tức của truyền thông Ba Lan.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/ba-lan-che-tau-ngam-nga-cu-nhin-nato-roi-hay-noi-3435532/