Ba kịch bản về cuộc khủng hoảng của Iraq

Thời gian gần đây, các cuộc biểu tình tại Iraq thường xuyên diễn ra với các vụ trấn áp bạo lực do các lực lượng an ninh và dân quân vũ trang tiến hành, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Những gì đang diễn ra tại Iraq thực sự rất đáng chú ý và không thể so sánh với bất kì thời điểm nào khác trong lịch sử hiện đại của nước này.

Nguồn gốc của cuộc nổi dậy

Ba vấn đề dai dẳng và ngày càng bất ổn - chính phủ, kinh tế và an ninh - chính là trọng tâm của làn sóng nổi dậy hiện nay tại Iraq. Hệ thống chính trị tại Iraq kể từ sau năm 2003 tập trung vào một sự chia sẻ quyền lực giữa ba nhóm dân tộc - giáo phái lớn nhất Iraq: người Arập dòng Hồi giáo Shiite, người Arập dòng Sunni và người Kurd.

Theo sự phân chia này, vị trí thủ tướng được trao cho một thành viên của cộng đồng người Shi’ite, chủ tịch quốc hội dành cho một người Sunni, còn tổng thống sẽ là một người Kurd. Trên thực tế, hệ thống này đã kiềm chế những nỗ lực hướng tới sự cải cách chính trị và hành chính quan trọng, như nhận định mới đây của Nechirvan Barzani, lãnh đạo khu vực bán tự trị của người Kurd ở Iraq (KRI): “Các khối chính trị đại diện cho ba nhóm chính ở Iraq quan tâm nhiều đến những đơn vị cử tri và đảng chính trị của họ hơn là cùng nhau hợp tác làm việc vì cái chung của toàn đất nước. Kết quả là một chính phủ yếu kém và một thủ tướng yếu kém đã không có được sự ủng hộ tuyệt đối từ các đảng chính trị và vì vậy không thể chống tham nhũng và quản lý tốt.

Về kinh tế, sự phụ thuộc dai dẳng của đất nước vào các nguồn dầu mỏ đã cản trở sự phát triển kinh tế bền vững, mà cùng với nạn tham nhũng cấp độ cao và sự quản lý công kém, đã dẫn tới sự thất bại của nhà nước trong việc cung cấp những nhu cầu cơ bản cho người dân.

Về an ninh, kề từ năm 2003, số lượng các nhóm dân quân và vũ trang được sử dụng sức mạnh ở trong nước, đã gia tăng đến mức chưa từng có. Những nhóm này bị các thế lực trong và ngoài nước lợi dụng để phục vụ các lợi ích chính trị riêng của họ. Sự thiếu vắng một lực lượng an ninh thống nhất hoặc một cấu trúc “chỉ huy và điều khiển” trong các lực lượng vũ trang và an ninh Iraq đã làm suy yếu đất nước, tạo không gian cho các nhóm khủng bố sinh sôi và cho sự can thiệp nước ngoài phát triển.

Một cuộc biểu tình bị lực lượng an ninh Iraq đàn áp. Ảnh tư liệu

Một cuộc biểu tình bị lực lượng an ninh Iraq đàn áp. Ảnh tư liệu

Điều gì sẽ xảy ra?

Hiện nay, Iraq đang rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn mà chưa tìm thấy lối ra. Người dân Iraq đã chứng tỏ rằng giới lãnh đạo chính trị đã đánh mất tất cả tính chính đáng cũng như sự ủng hộ của nhân dân. Ngay cả các lãnh đạo tôn giáo và các thể chế, chẳng hạn như lãnh đạo Hồi giáo Shiite tối cao nhất là Đại Giáo chủ Ali al-Sistani, vốn đã không thể thống nhất các đảng Shiite, cũng đang phải đối mặt với sự chỉ trích nghiêm trọng. Vấn đề là, mặc dù tính hợp pháp rõ ràng đã bị mất đi, song các nhân tố chính trị và giới dân quân vẫn tiếp tục đòi hỏi duy trì quyền lực cứng thông qua các hệ thống chính trị và sự bổ nhiệm mang tính bè phái. Những nhân tố chính trị tương tự cũng được cho là sẽ có quyền lựa chọn một thủ tướng mới và bỏ phiếu về những cải cách. Vì vậy, xét trên thực tế này, dường như sẽ có ít nhất hai kịch bản khả thi cho những điều sẽ diễn ra tới đây:

Thứ nhất, các khối chính trị có thể nhất trí về một thủ tướng mới sẽ duy trì chức vụ này cho đến khi các cuộc bầu cử mới được tổ chức. Nhiệm vụ của người này có thể bao gồm cả viêc thông qua một luật bầu cử mới để đáp ứng một trong các yêu cầu của người biểu tình.

Tuy nhiên, xét trên thành phần thực tế của quốc hội, vốn thiếu một thế ủng hộ đa số rõ ràng, thủ tướng mới sẽ lại chỉ là một nhân vật đồng thuận, ví dụ như là ông sẽ không được vận dụng nhiều quyền hành hơn Abdul Mahdi trước kia. Và như vậy, những nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy một luật bầu cử mới hoặc bất kỳ sự cải cách nào cũng đều có thể bị hàng loạt khối chính trị khác nhau phá hoại. Và vì không có đảng lớn nào sẵn sàng nhượng quyền hay vị trí, khả năng là họ sẽ tìm cách gây ảnh hưởng với các cuộc bầu cứ tới đây. Tuy nhiên, kết quả này khó có thể làm hài lòng những người biểu tình với khả năng cao là sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động chống chính phủ của họ.

Thứ hai, các đảng khó có khả năng nhất trí được một thủ tướng mới hoặc có thể sẽ bất đồng với nhau về vấn đề bầu cử và điều này sẽ dẫn tới một cuộc xung đột nội bộ. Khác với Syria, người biểu tình Iraq chưa phải dùng đến biện pháp tự vũ trang, bất chấp sự trấn áp nguy hiểm nhằm vào các hoạt động biểu tình của họ.

Như vậy, bất kỳ sự leo thang nào đều có khả năng cao là sẽ gây ra một cuộc xung đột giữa các nhóm vũ trang người Shiite, chẳng hạn như Sư đoàn Hòa bình của Muqtada al-Sadr’s và các nhóm được Iran chống lưng của các đơn vị Dân quân cơ động (PMUs). Đã có những dấu hiệu của sự thù địch gia tăng giữa các nhóm này. Kịch bản này có thể sẽ mở ra không gian để các thế lực bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ và Iran, gia tăng sự can thiệp vào đất nước.

Cũng có thể còn một kịch bản thứ ba là viễn cảnh mà những yêu cầu của người dân về sự thay đổi triệt để được đáp ứng hoàn toàn. Không may là kịch bản đó dường như bất khả thi. Các quyền lợi được đảm bảo của các nhân tố chính ở trong và ngoài nước hình thành một thế lực đủ lớn để chống lại tinh thần cách mạng trên các đường phố.

Bất chấp những thách thức này, sự vận động trong dân chúng, đặc biệt là trong giới trẻ, đã trở thành một nhân tố quan trọng trong chính trường Iraq, vốn đang thúc đẩy một sự thay đổi trong sự bày tỏ của công chúng về tính hợp pháp. Nếu Iraq có thể xoay sở để duy trì được sự hòa bình, thì sự thay đổi chính trị rốt cuộc rồi cũng sẽ xảy ra.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ba-kich-ban-ve-cuoc-khung-hoang-cua-iraq-175404.html