Ba 'kịch bản' giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy

Hôm qua (5.12), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã thông tin kỹ hơn về 3 kịch bản thu phí tại BOT Cai Lậy sau này để giải quyết những tồn đọng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Lái xe dùng tiền lẻ trả phí gây ách tắc giao thông tại trạm BOT Cai Lậy.

Như báo Lao Động đã đưa tin, chiều tối 4.12, sau khi nghe Bộ GTVT báo cáo về những vấn đề xung quanh dự án BOT Cai Lậy - Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy. Việc tạm dừng sẽ kéo dài ít nhất 1 tháng để xem xét các vấn đề liên quan, trên tinh thần hợp lòng dân.

Đồng thời, Thủ tướng giao các cơ quan chức năng đánh giá toàn diện dự án BOT Cai Lậy, dừng thu phí để Bộ GTVT và các bộ ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cụ thể.

BOT là chủ trương đúng nhưng còn bộc lộ nhiều bất cập

Đánh giá chung về thực trạng các dự án BOT hiện nay, Thứ trưởng Đông cho biết: “Về chủ trương, BOT hay đầu tư theo đối tác công tư là chủ trương lớn. Từ năm 2011 đến nay nhiều công trình được xây dựng theo phương thức này”. Cùng với những thành tựu, chính đại diện Bộ GTVT cũng đã chỉ ra 6 bất cập hiện nay.

Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu, chưa đồng bộ, tính ổn định không cao. Thậm chí còn mâu thuẫn nhau. Thứ hai, việc đầu tư cải tạo quốc lộ có sẵn là không trái pháp luật vì theo Nghị định 108 năm 2009 khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nâng cấp cải tạo hạ tầng có sẵn. Tuy nhiên đến năm 2015 chính sách thay đổi. Thứ ba, công tác lập dự toán, thẩm định còn nhiều sai sót. Thứ tư, công tác lựa chọn nhà đầu tư còn bất cập. Cụ thể là chủ yếu chỉ định thầu, không có đấu thầu.

Lý do là việc đấu thầu chưa thực hiện được dù có hướng dẫn ở Điều 30 Luật Đấu thầu. Chính vì thế khi làm đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, Bộ GTVT cũng kiến nghị với Quốc hội là có giá ban đầu với mức phí, lộ trình phải được chốt để lấy cơ sở làm giá vì vòng đời dự án là 20-30 năm. Thứ năm, giám sát thi công chưa được chặt chẽ. Thứ sáu, về việc đặt trạm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói: “Có ý kiến là phải lấy ý kiến người dân.

Tuy nhiên không thể lấy ý kiến dân toàn quốc, trên thế giới người ta cũng không lấy ý kiến từng người dân mà tùy từng phạm vi. Chúng tôi sau khi nghiên cứu cũng đưa ra phương án lấy ý kiến Hiệp hội vận tải, Hội đồng nhân dân, đại biểu QH, UBND… Các trạm BOT đã đặt đều qua các quy trình này.

Hiện có hơn 70 dự án BOT với tổng đầu tư 209.000 tỉ đồng. Các dự án đã hoàn thành là 58, còn lại các dự án đang triển khai. Gần đây, Chính phủ có rà lại và yêu cầu điều chỉnh và hiện nay giá thu phí đã giảm xuống từ 35.000 đồng xuống còn 30.000 đồng và 25.000 đồng tùy phương án tài chính.

Cảnh thông thoáng tại BOT Cai Lậy sau khi dừng thu phí.Ảnh: T.L

Vì sao trạm thu phí không đặt ở tuyến tránh và 3 kịch bản cho Cai Lậy

Về vấn đề làm tuyến tránh nhưng đặt trạm trên đường chung, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Có 6 trạm tương tự như Cai Lậy. Về chủ trương ban đầu, chúng tôi xác định là giữa Nhà nước và xã hội hóa cùng làm, nghĩa là QL1 và đường Hồ Chí Minh chia ra và có một số nơi thực hiện là không đầu tư một tuyến tránh riêng lẻ.

Ở một số nơi như Tiền Giang chẳng hạn, so sánh các phương án, nếu mở rộng QL1 thì đền bù nhiều, vì thế người ta làm tuyến tránh trong khi đó vẫn cải tạo tuyến cũ (làm lại mặt, cải tạo thoát nước). Nghĩa là một dự án BOT có nhiều phần chứ không chỉ làm tuyến tránh”.

Riêng đối với phương án BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, có 3 kịch bản để tính toán. Kịch bản thứ nhất, nếu giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy, tăng cường tuyên truyền vận động, kèm cải thiện dịch vụ để giải đáp những thắc mắc như mở thêm làn...

Kịch bản thứ hai, di dời trạm thu phí về tuyến tránh, tức là phá phương án tài chính. Với kịch bản này, cần tính toán lại, thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí. Tuy nhiên, rất khó khả thi bởi thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, ngoài ra việc này phải có sự đồng ý của ngân hàng bởi có thể biến khoản vay cho BOT trở thành nợ xấu ngân hàng.

Kịch bản thứ ba, là sẽ đặt 2 trạm thu phí: Một trạm trên quốc lộ 1 để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ. Đồng thời, đặt một trạm trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư làm tuyến tránh.

Ông Đông cũng cho biết thêm là trong cuộc họp với Thủ tướng hôm 4.12, không có ý kiến bộ, ngành nào thiên về phương án Nhà nước sẽ mua lại dự án BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT cũng cho biết: “Theo kết luận của Thủ tướng, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án để so sánh, lấy ý kiến rộng rãi, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

MINH THÀNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/ba-kich-ban-giai-quyet-van-de-bot-cai-lay-579937.ldo