Ba 'kịch bản' cho kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên

Chia sẻ với Lao Động, TS.Phan Cao Nhật Anh - Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - nhận định, xét ở khía cạnh nào đó, việc hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể diễn ra đã là thành công.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể diễn ra đã là thành công. Ảnh: TL

Theo ông, nội dung chính sẽ được bàn thảo trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12.6 là gì?

- Mỹ và Triều Tiên có mục tiêu chung là vì hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Năm cuộc thảo luận trong 10 ngày giữa giới chức cao cấp Washington và Bình Nhưỡng tại Bàn Môn Điếm cho thấy sự quan tâm của cả 2 bên.

Bên cạnh đó, việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp Tổng thống Donald Trump cho thấy, trước hết Triều Tiên giảm được sức ép, sự đối địch với Mỹ, tránh bị tấn công quân sự, đảm bảo được thể chế trong thời gian trước mắt.

Nếu trong cuộc gặp này, ông Kim Jong-un đàm phán được cả việc dỡ một phần lệnh trừng phạt, viện trợ kinh tế thì đây là 1 điểm sáng. Cuộc gặp với 1 tổng thống Mỹ cũng đồng thời nâng cao vị thế cá nhân lãnh đạo cũng như đất nước Triều Tiên trên trường quốc tế.

Về phía Mỹ, hội nghị diễn ra được xem là kết quả của việc gây sức ép và trừng phạt do Washington chủ trì, đường lối đúng đắn của ông Donald Trump, cũng như có ý nghĩa tác động đến nội chính của Mỹ. Tháng 11 tới, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kì, Tổng thống Donald Trump cần nâng cao uy tín trước cuộc bầu cử này.

Nhiều vấn đề có thể được thảo luận tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12.6 như phi hạt nhân hóa, dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt, hay hòa bình trên bán đảo Triều Tiên… nhưng quan trọng nhất là phi hạt nhân hóa.

Nhưng điểm khác biệt chính giữa Mỹ và Triều Tiên là cách hiểu phi hạt nhân hóa và các bước liên quan để đi đến hòa bình. Quan điểm của Washington là phi hạt nhân hóa triệt để, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Trong khi đó, Bình Nhưỡng quan tâm đến cách thức Mỹ cải thiện quan hệ và đảm bảo thể chế cho Triều Tiên. Mỗi bên đều đưa ra các điều kiện đảm bảo quyền lợi của mình.

Với 2 nhà lãnh đạo không thể đoán trước như ông Donald Trump và ông Kim Jong-un, theo ông, những kịch bản nào có thể xảy ra với thượng đỉnh Mỹ - Triều?

- Rất khó đoán định hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra như thế nào. Nguy cơ hủy họp cũng là 1 kịch bản, nhưng có lẽ sẽ không diễn ra bởi các bước chuẩn bị đã đi vào giai đoạn cuối. Trước đó, 2 bên từng dọa hủy họp nhưng sau những nỗ lực từ 2 phía và các nước trong khu vực, vấn đề đã được thu xếp ổn thỏa.

Ngay cả khi cuộc họp diễn ra, tình hình như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào thực tế đàm phán. Qua những thông tin được đưa ra, cuộc họp có thể diễn ra ngắn, đơn giản như 1 màn chào hỏi, nhưng cũng có thể kéo dài đến ngày hôm sau. Cũng có thể có những cuộc họp thượng đỉnh tiếp theo. Tổng thống Donald Trump từng nói, cuộc họp sắp tới chỉ là 1 “quá trình” và 2 bên không thể đạt thành quả chỉ trong 1 cuộc họp.

Những kết quả có khả năng đạt được tại hội nghị thượng đỉnh ngày 12.6 là gì? Kết quả như thế nào được xem là thành công, thế nào được xem là thất bại, thưa ông?

- Các chuyên gia dự đoán kết quả có thể đạt được trong hội nghị lần này là: Thứ nhất, thống nhất phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Vấn đề phi hạt nhân hóa được thúc đẩy với thời hạn, các bước cụ thể xác định rõ ràng. Đây là kết quả đại thành công.

Thứ hai, dừng lại ở thỏa thuận khung. Mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa được đưa ra, nhưng các bước, lộ trình chưa rõ ràng và để cho các lần họp tới. Kết quả này cũng được coi là thành công.

Thứ ba, hội nghị thất bại. Khác biệt giữa 2 bên là quá lớn, thảo luận không đạt được sự thống nhất.

Kết quả thứ nhất là lý tưởng, nhưng dường như thời gian chưa nhiều để 2 bên đi đến thống nhất. Kết quả thứ 2 có vẻ dễ xảy ra hơn. Kết quả thứ 3 khó xảy ra, bởi Mỹ - Triều đều muốn thành công.

Hội nghị ở cấp thượng đỉnh khó có thể kết thúc trong bế tắc hoặc mâu thuẫn, nhất là khi 2 bên đã có các cuộc gặp cấp cao và đều mong muốn thành công. Điều này có lợi cho cả 2 bên cả trên khía cạnh quốc gia và cá nhân nhà lãnh đạo. Dù tại hội nghị có sự khác biệt trong chủ trương thì 2 bên có thể chú trọng vào thành quả hội nghị, hướng tới việc tuyên bố hội nghị thành công.

Tuy nhiên, hội nghị thành công hay không còn phụ thuộc vào việc xác định mục tiêu của cuộc gặp. Lãnh đạo 2 nước đối địch nhau trong nhiều năm, lần đầu tiên gặp mặt bàn về tương lai bán đảo Triều Tiên. Ở một khía cạnh nào đấy, cuộc gặp này đã là một thành công.

HÀ LIÊN (thực hiện)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/ba-kich-ban-cho-ket-qua-thuong-dinh-my-trieu-tien-612391.ldo