Ba khủng hoảng 'thống trị' kinh tế thế giới 2019

Boeing, Huawei và Brexit là ba câu chuyện lớn nhận được nhiều quan tâm của kinh tế thế giới trong năm vừa qua.

Năm 2019 chứng kiến một trong những công ty lớn nhất của Mỹ, Boeing chịu tổn thất nặng nền sau khi chiếc máy bay thứ hai trong dòng 737 MAX của hãng bị rơi chỉ trong chưa đầy 5 tháng.

Nguyên nhân chính của thảm kịch hồi tháng 3 của Ethiopian Airlines khiến 157 người thiệt mạng, không phải là khủng bố hay lỗi động cơ mà bởi vì các phi công không thể kiểm soát được một hệ thống phần mềm có tên là MCAS. Đây cũng chính là yếu tố được nhận định là đã gây ra vụ tai nạn của Lion Airs tại Indonesia vào tháng 10/2018. Không ai trong số 189 hành khách và phi hành đoàn còn sống sót.

Boeing rơi vào khủng hoảng nặng nề trong năm 2019 (ảnh: getty)

Boeing rơi vào khủng hoảng nặng nề trong năm 2019 (ảnh: getty)

"Hệ thống an toàn đứt vỡ"

Cơ trưởng Dennis Tajer, một phi công của American Airlines với gần 30 năm kinh nghiệm nói với BBC rằng: "chúng ta đang ở trong một hệ thống văn hóa an toàn bị đứt vỡ". Ông Tajer tỏ ra ngạc nhiên khi Boeing và các nhà quản lý bay ban đầu đã quyết định không nói với các phi công về hệ thống MCAS.

"Đó là hành động vi phạm rõ ràng niềm tin và dòng thông tin dành cho phi công", ông nhận xét.

MCAS được thiết kế để điều chỉnh tình trạng vũng nhiễu động làm ảnh hưởng tới khác biệt áp lực giữa phía trên và phía dưới cánh máy bay.

Tuy nhiên, trong hai vụ tai nạn trên, MCAS đã bị kích hoạt vào sai thời điểm và khiến phần mũi máy bay liên tục bị chúc xuống phía dưới – cho tới khi người phi công mất quyền kiểm soát và máy bay bị rơi là không thể tránh khỏi.

Các nhà quản lý đã cấm 737 MAX hoạt động sau thảm kịch thứ hai. Điều này đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng cho Boeing bởi 737 MAX chính là dòng máy bay bán chạy nhất của hãng.

Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg đã bị buộc phải thôi việc hôm thứ hai (23/12). Trước đó, Boeing đã thông báo thành lập một ủy ban an toàn thường trực để theo dõi quá trình phát triển, sản xuất và hoạt động của các máy bay và dịch vụ của mình.

Huawei chịu nhiều tổn thất khi bị Mỹ nhắm tới trong năm 2019 (ảnh: getty)

Căng thẳng thương mại

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục kéo dài suốt năm 2019 với các quyết định mở đường cho việc áp dụng thuế mới cùng với các nỗ lực làm giảm leo thang.

Căng thẳng giữa hai nước càng bị đẩy lên cao sau những động thái của Mỹ nhằm vào tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc Huawei.

Huawei hiện là "thế lực" dẫn đầu toàn cầu trong công nghệ 5G. Tuy nhiên, Washington lại cấm sử dụng các thiết bị của Huawei tại Mỹ, đồng thời khuyến khích các đồng minh làm điều tương tự.

Mỹ cũng không cho phép Huawei sử dụng các hệ thống do các công ty Mỹ phát triển như hệ điều hành Android của Google trước đây vốn được cái trên điện thoại di động của Huawei.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump tin rằng, công nghệ tối tân của Trung Quốc đã được xây dựng trên nền tảng… ăn cắp sở hữu trí tuệ và sự hỗ trợ quy mô từ chính phủ.

Washington cũng nhận định, Huawei nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Trung Quốc, vì vậy, tập đoàn này là một mối đe dọa an ninh nếu các công nghệ của nó được sử dụng vào hạ tầng cơ sở viễn thông tại Mỹ.

Về phần mình, Huawei kiên quyết phủ nhận mình là một nguy cơ cho an ninh của bất kỳ quốc gia nào. Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu từng bị bắt giữ hơn một năm trước và vẫn đang đấu tranh để không bị dẫn độ từ Canada sang Mỹ. Bà Mạnh bị cáo buộc đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ áp dụng lên Iran.

Anh cuối cùng đã có thể rời khỏi EU (ảnh: getty)

Anh và Brexit

Tin tức lớn nhất cho nước Anh trong năm 2019 chắc chắn chính là sự xác nhận cuối cùng họ cũng có thể rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Năm 2016, trong cuộc trưng cầu ý kiến lịch sử, người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ "li dị", nhưng suốt 3 năm qua, giới chính trị Anh liên tục tranh cãi xung quanh việc nên tổ chức bỏ phiếu lại hoặc quyết định rời châu Âu nhưng tiếp tục áp dụng các quy định và luật lệ của khối…

Giám đốc quản lý của nhóm dự báo chính sách và kinh tế Capital Economics tại London, Roger Bootle bày tỏ sự "vui mừng và nhẹ nhõm" trước kết quả của cuộc bầu cử sớm ngày 12/12 vừa qua. "Tôi nghĩ nếu ở lại EU sẽ đem tới một nguy cơ lớn", ông Bootle nói.

Theo ông, những thập kỷ gần đây đã chứng kiến nhiều thất bại kinh tế nội khối EU. "Tất cả sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn mà thôi, chúng ta sẽ rơi vào một tình thế thực sự dễ bị tổn thương", ông nói về kịch bản Anh bị "mắc" trong EU.

Tuy nhiên, chuyên gia thương mại Recebba Harding – hiện là CEO của công ty Coriolis Techonologies lại cho rằng, kết quả bầu cử đem lại quyền quyết định đa số cho chính phủ Thủ tướng Boris Johnson, là đáng thất vọng. Bà không muốn Anh rời khỏi liên minh kinh tế lớn nhất thế giới.

"Rất nhiều hoạt động thương mại của chúng ta có liên hệ với các chuỗi cung cấp châu Âu. Vấn đề giờ đây là chúng ta cần phải tách bản thân khỏi các quy định và luật lệ của EU theo một cách để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nền kinh tế Anh", bà Harding cảnh báo. Chuyên gia này cũng dự đoán, các cuộc đàm phán về thương mại phi thuế quan giữa Anh với các nước thành viên EU trong tương lai sẽ rất khó khăn.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/3-khung-hoang-thong-tri-kinh-te-the-gioi-2019-2019122517121075.htm