Ba hoa và ''nhất ta, nhì thiên hạ…''

Nói và viết là hai kỹ năng cơ bản mà mỗi cán bộ, đảng viên sử dụng để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Ở mỗi giai đoạn cách mạng, nhiệm vụ chính trị khác nhau, trình độ nhận thức của người dân cũng phát triển hơn, do vậy đòi hỏi cách nói, cách viết của người cán bộ, đảng viên phải không ngừng đổi mới để dễ 'lọt tai, lọt mắt' người tiếp nhận. Có vậy mới thiết thực giúp các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, từ đó đoàn kết một lòng, sát cánh đi dưới cờ Đảng. Tiếc rằng, không ít cán bộ, đảng viên lại mắc chứng bệnh liên quan cách nói, cách viết và cả cách làm, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết - đó là bệnh ba hoa.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý về một loại bệnh khá phổ biến liên quan tới khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là bệnh ba hoa.

Cũng tại cuốn sách này, Bác còn chỉ ra một số bệnh khác liên quan tới bệnh ba hoa: Bệnh khai hội, bệnh nể nang, bệnh “hữu danh, vô thực”…

“Khai hội không có kế hoạch, không sắp sửa kỹ lưỡng, không thiết thực. Khai hội lâu, khai hội nhiều quá.

Cán bộ khu về tỉnh, cán bộ tỉnh về huyện, cán bộ huyện về làng, thì khệnh khạng như “ông quan”. Lúc khai hội thì trăm lần như một: “Tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, thảo luận, phê bình, giải tán”.

“Ông cán” làm cho một “tua” hai, ba giờ đồng hồ. Nói gì đâu đâu. Còn công việc thiết thực trong khu, trong tỉnh, trong huyện, trong xã đó, thì không động đến.

Lúc “ông cán” nói, người ngáp, kẻ ngủ gục, mọi người mong ông thôi đi, để về nhà cho mau. Có ai hiểu gì đâu mà thảo luận!”…

Nếu bệnh khai hội gắn với cách nói ba hoa ở các hội nghị kém chất lượng khiến quần chúng “sợ”, thì bệnh “hữu danh, vô thực” lại xuất phát từ cách làm việc thường ngày và gây ra một “hậu quả ba hoa” về cách viết, cách làm nguy hiểm không kém: “Làm việc không thiết thực, không tự chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch”.

Bệnh ba hoa liên quan trực tiếp tới những hạn chế về cách nói, cách viết và cả cách làm của người cán bộ, đảng viên. Nó cũng liên quan tới hạn chế trong tư duy, nhận thức và cả sự tu dưỡng đạo đức của người đảng viên.

Biết vậy, nhưng để phê bình, góp ý lại không đơn giản, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Vì họ hàng quen biết, bầu bạn, thân thích, anh em, cho nên lúc họ có sai lầm cũng cứ nể nang không thiết thực phê bình, thiết thực sửa đổi, sợ mất lòng”.

Những điều Bác chỉ ra năm nào về bệnh ba hoa, giờ vẫn có thể gặp ở đâu đó trong thực tiễn công tác của Đảng.

Đó là trong các buổi học tập, quán triệt nghị quyết, hay hội nghị tổng kết công tác ở cơ sở, tuy dài dòng, nhưng cách truyền đạt nội dung thì như ru ngủ, ít liên hệ thực tiễn với cuộc sống trên địa bàn. Cá biệt, có báo cáo viên còn mang đủ chuyện cóp nhặt đông tây, pha trò chen vào nội dung truyền đạt, làm loãng đi nội dung cần nhớ, cần nắm.

Đó là những “ông cán” khi đứng lên bục hay tìm cách “khoe” khéo đủ thứ với người nghe: Nào trình độ, nào đi đây, đi đó, thậm chí con cháu mình ra sao…, hòng cố tìm cách thể hiện trong chuyện gì cũng là “nhất ta, nhì thiên hạ”, chứ không quan tâm gì việc những nội dung đó ăn nhập ra sao với điều cần chuyển tải cho người nghe.

Đó là những cán bộ, đảng viên “làm việc gì cũng nửa vời” vì không nắm chắc yêu cầu, mục đích công việc, “làm cho xong” nên không bao giờ mang lại hiệu quả. Thậm chí, khi được góp ý, phê bình thì tìm đủ mọi cách đổ lỗi loanh quanh cho đủ thứ nguyên nhân khách quan.

V.v...

Nói ba hoa, viết ba hoa, làm việc ba hoa, “có ít suýt ra nhiều” - ắt thành người sống ba hoa, báo cáo hay làm dở.

Sống ba hoa - ắt tìm mọi cách để chứng minh “nhất ta, nhì thiên hạ”, vậy là tự trói mình vào tầm nhìn phiến diện, xa rời thực tế khách quan. Thậm chí, còn soi mói hạn chế của người khác để “dìm” họ xuống và đánh bóng tên tuổi của mình.

Cán bộ quen ba hoa, ắt quy tụ quanh mình nhiều người sẵn sàng nịnh bợ, tán dương sự hào nhoáng bề ngoài… Thực tế này dẫn tới hình thành nhóm “cánh hẩu” là một khoảng cách chẳng bao xa.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra rất nhiều biểu hiện suy thoái liên quan tới bệnh ba hoa trong cách nói, cách viết, cách làm: Trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít. Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi.

Mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi…

Ba hoa không chỉ là bệnh mang màu sắc cá nhân chủ nghĩa, mà còn là mối đe dọa tới sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức Đảng!

Ba hoa là sự lãng phí, kém hiệu quả, và còn là đi ngược sự phát triển!

Chữa bệnh ba hoa, trước hết bắt đầu từ chữa nhận thức. Muốn nói và viết đúng, việc trước tiên là cần phải không ngừng học hỏi. Học qua các lớp đào tạo là cần, nhưng tự học còn quan trọng hơn nhiều. Tự học trong sách vở, trong đồng chí, đồng đội, và học qua cả nhân dân. Học không chỉ kiến thức, mà quan trọng hơn là học cách tư duy, cách nói, cách viết của nhân dân rồi qua đó trăn trở tìm cách truyền đạt sao cho người dân “nắm nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu” nhất những gì mình cần gửi gắm.

Tăng cường quản lý, giao nhiệm vụ cho đảng viên theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ”, sẽ từng bước khắc phục được kiểu làm việc không thiết thực, qua loa “làm cho có chuyện” cũng như “làm được ít suýt ra nhiều”… Thực hiện đúng quy định về kỷ luật phát ngôn đối với cán bộ, đảng viên, đi đôi với xử lý nghiêm những trường hợp nói, viết, phát tán tài liệu sai trái - cũng là những cách để hạn chế bệnh ba hoa có thể lan rộng.

Chữa bệnh ba hoa để có cán bộ nói đúng, viết hay, làm giỏi cho Đảng!

Long Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/979386/ba-hoa-va-nhat-ta-nhi-thien-ha