Ba họ anh hùng (Khúc - Dương - Ngô) - (Kỳ 4)

Trân trọng giới thiệu tiếp tác phẩm của PGS TS Cao Văn Liên về chương VII ' BA HỌ ANH HÙNG (KHÚC - DƯƠNG -NGÔ)'- Tập I Tiểu thuyết Lịch sử 'Nghìn năm bất khuất' trong 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của NXB Hồng Đức-HN-2019.

Toàn cảnh đền thờ Khúc Thừa Dụ tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương - Ảnh: dulichhaiduong.vn

Kỳ 4

Đường Ai Đế cất tiếng làm tắt dòng suy nghĩ của Chu Ôn:

-Chu Ôn, ái khanh có đối sách gì với An Nam không?

Chu Ôn bước ra nói:

-Bẩm bệ hạ, trong thư Khúc Thừa Dụ xưng thần, còn tất cả nội dung giống như sứ bộ Ngô Mân đã tấu trình, thần nghĩ Khúc Thừa Dụ vẫn trung thành với hoàng thượng, vì hoàng thượng mà đứng ra gánh vác trách nhiệm vì sự an ninh của An Nam và vì bách tính. Thần nghĩ nên phong Tiết độ sứ kiêm Đồng Bình Chương Sự cho Khúc Thừa Dụ để ông ta trông coi An Nam đô hộ phủ yên bình cho hoàng thượng.

Đường Ai Đế nói:

-Chuẩn Tấu.

-Thái giám tổng quản, viết ý chỉ của trẫm như sau: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết, nay sắc phong cho Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân kiêm Đồng Bình Chương Sự, Lạc Dương.Thiên Hựu năm thứ ba. Khâm thử.”

Thái giám viết xong, Đường Ai Đế đóng ấn mực đỏ vào tờ sắc phong, niêm phong lại và giao cho trưởng phái bộ Ngô Mân. Ngô Mân nhận chỉ:

-Xin đội ơn hoàng thượng, chúc hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế.

Ngày hôm sau phái bộ rời Lạc Dương lên đường về nước.

Sau khi được nhà Đường phong Tiết độ sứ kiêm Đồng Bình Chương sự, Khúc Thừa Dụ phong cho Khúc Hạo chức “Tĩnh Hải QuânTư mã quyền tri lưu hậu”. Như vậy Khúc Hạo nắm quyền chỉ huy binh mã, quyền thay Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ. Khúc Thừa Dụ sử dụng nhân tài như Ngô Mân, Dương Đình Nghệ và nhiều anh hùng hào kiệt vào trông coi bộ máy từ trung ương đến địa phương để cải cách đất nước, xây dựng nền tảng cho độc lập của nước nhà. Khúc Thừa Dụ đã kết thúc cơ bản 1000 năm thống trị của phong kiến Trung Quốc. Ông đã xây dựng một giang sơn riêng, một triều đình riêng, thực sự là vua của một nước độc lập nên được gọi là KHÚC TIÊN CHỦ.

Ngày 23 tháng 7 (Đinh Dậu) năm 907 Khúc Thừa Dụ mất. Con là Khúc Hạo kế tiếp chức vụ Tiết độ sứ của cha. Tháng 7 năm 907 là tháng tang lễ đau buồn của họ Khúc và của bách tính người Việt. Thi hài của Khúc Tiên Chủ được đưa về trang Cúc Bồ, Hồng Châu mai táng. Các hào trưởng, các anh hùng hào kiệt các châu, huyện trong nước về chia buồn với Khúc Hạo, phúng viếng, tiễn đưa người anh hùng dân tộc về nơi an nghỉ cuối cùng. Mãi đầu tháng tám mới xong công việc tang gia. Hôm nay, tại đại sảnh đường La Thành, Tiết độ sứ Khúc Hạo mới chủ trì phiên thiết triều đầu tiên. Khúc Hạo nói:

-Suốt một tháng nay do tang gia bận rộn, hôm nay mới ngồi bàn quốc sự với các vị. Đầu tiên ta xin thay mặt gia đình và họ Khúc đa tạ các anh hùng hào kiệt, các quan chức, tướng lĩnh trong cả nước đã đến chia buồn cùng gia đình và tiễn đưa Khúc Tiên Chủ về nơi an nghỉ cuối cùng. Ta cũng như các vị đã biết một tháng qua tình hình Trung Quốc có nhiều biến động to lớn. Ta đã giao cho tướng Ngô Mân nắm bắt theo dõi tình hình chính trị Trung Nguyên. Xin mời tướng Ngô Mân trình bày để chúng ta nắm bắt được tình hình mà đề ra quyết sách cho đúng đắn.

Ngô Mân đứng dậy và nói:

-Bẩm Tiết độ sứ và các chư vị. Nhà Đường vốn đang tan rã nên các thế lực quân phiệt, hào trưởng Trung Nguyên chỉ chờ thời cơ là xưng hùng xưng bá. Tháng 7 năm nay (907) quyền thần Chu Ôn đã giết vua cuối cùng của nhà Đường là Đường Ai Đế, cướp ngôi và lập ra nhà Hậu Lương. Chu Ôn xưng đế hiệu là Lương Thái Tổ, dời đô từ Lạc Dương (Hà Nam) về Biện Kinh, còn gọi là Khai Phong (Hà Nam). Việc chu Ôn cướp ngôi nhà Đường sẽ bắt đầu một thời kỳ đại loạn, phân cát, sẽ còn nhiều nước nhỏ xuất hiện đối lập và chiến tranh với nhau.Tình hình Trung Nguyên sẽ ảnh hưởng đến tình hình An Nam ta, Kính mời các quý vị theo dõi sát sao để định ra quyết sách cho phù hợp.

Khúc Hạo hỏi:

-Tướng quân Dương Đình Nghệ có cao kiến gì không?

Dương Đình Nghệ đứng dậy đáp:

-Bẩm Tiết độ sứ, sự thay đổi từ nhà Đường sang nhà Hậu Lương hay bất cứ triều đại nào của Trung Nguyên thì họ cũng không bao giờ từ bỏ dã tâm chiếm đóng An Nam Đô hộ phủ. Trước mắt, ta nên cử một đoàn phái bộ sang Biện Kinh buộc Lương Thái Tổ thừa nhận chức Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ của chúa công để thuận về mặt ngoại giao, quan hệ. Thứ nữa, chúng ta phải xây dựng sức mạnh của chúng ta về kinh tế, hành chính, quân đội để thoát khỏi sự khống chế của Trung Nguyên, để chống lại nhà Hậu Lương nếu chúng sang xâm lược, để bách tính no ấm yên vui, để tiến tới xưng vương xưng đế, giành và bảo vệ vững chắc độc lập cho nước nhà.

Khúc Hạo nói:

-Hai vị nói rất hợp ý ta. Ngay hôm nay ta cử một phái bộ đi Biện Kinh giao thiệp để nhà Lương thừa nhận chức Tiết độ sứ Kiêm Đồng Bình Chương Sự của ta. Việc cấp bách là phải cải cách mọi mặt của đất nước để có sức mạnh xây dựng và bảo vệ độc lập thực sự.Ngừng một lát Khúc Hạo nói tiếp:

-Ta sẽ vạch ra chính sách cải cách hành chính, xây dựng bộ máy quan lại có hiệu quả, thanh liêm. Tướng quân Ngô Mân phụ trách việc vạch ra phát triển nền kinh tế nông nghiệp gắn với thủ công nghiệp, có lợi cho nhà nước, nhà nông và nhà điền chủ. Tướng quân Dương Đình Nghệ suy nghĩ vạch ra quyết sách xây dựng quân đội hùng mạnh, sẵn sàng đánh bại mọi cuộc xâm lăng của các triều đại phương Bắc.

Hai tướng Ngô-Dương đáp:

-Xin phụng mệnh chúa công Tiết độ sứ.

Hai tháng sau, từ sự tổng hợp các bản tấu trình của các tùy tướng ở phủ Tiết độ sứ, Khúc Hạo cho cho thông cáo và ban hành những sắc lệnh mang tính chất pháp quy của nhà nước về hành chính, về kinh tế. Sắc lệnh như sau: “Đơn vị hành chính của An Nam dưới thời Đường là châu, huyện, hương, xã, quan lại người Hán nắm đến cấp huyện, nay đổi lại là lộ, phủ, châu, giáp, xã. Quan lại người Việt nắm tất cả các cấp. Nay chính quyền của ta chủ trương tăng cường cấp giáp và xã. Mỗi giáp có một Quản giáp và một Phó tri giáp trông coi. Xã có Xã quan: mỗi xã có Chánh lệnh trưởng, Tá lệnh trưởng. Nay trong toàn An Nam ta đặt thêm 150 giáp mới, cộng với giáp cũ tổng cộng có 314 giáp.Thời nhà Đường cấp xã, thành Đại La không nắm được, nay cấp xã cũng phải phục tùng chính quyền Đại La để xây dựng một chính quyền trung ương thống nhất. Khi cai trị, quan lại các cấp phải khoan dung, giản dị, nhân dân được yên vui. Khoan dung là không bắt buộc khắt khe quá đối với nhân dân. Kiên quyết chống tham quan ô lại. Giản dị là nền hành chính không quan liêu, không nhũng nhiễu, phiền hà nhân dân, tạo cho nhân yên vui, an cư lạc nghiệp. Đó là lý tưởng mơ ước của nhân dân nơi làng xã. Đó là nền chính trị thân dân.

Về kinh tế, thời Đường, tô thuế cống nạp nhiều, nhiều lao dịch gây điêu đứng nghèo khổ cho bách tính, nay chính quyền họ Khúc ta giảm nhẹ thuế ruộng, thuế đánh theo mức bình quân của số lượng ruộng đất, bỏ thuế thân (thuế đinh). Nghiêm cấm việc quan lại phiền hà, sách nhiễu nhân dân vì đồng tiền. Nghiêm cấm việc thu thuế nhiều tầng, nhiều loại nhưng cũng tránh thất thu ngân sách. Giảm nhẹ sự bóc lột của nhà giàu đối với người nghèo, giảm nhẹ sự bóc lột của nhà nước đối với bách tính. Xóa bỏ lao dịch, giảm nhẹ lao động khổ sai (chỉ dùng cho người có tội). Dung hòa quyền lợi nhà nước với làng xã, với các thành viên thôn xóm.Ta cũng chủ trương lâu dần hình thành chế độ sở hữu ruộng đất của nhà nước, đặt nền tảng xây dựng chế độ quân chủ để con cháu ta đời sau có thể bỏ chế độ Tiết độ sứ, thoát khỏi sự kiềm tỏa của Trung Nguyên mà xưng vương, xưng đế, gành độc lập hoàn toàn.

Để tiện cho việc quản lý của nhà nước, các gia đình phải lập sổ hộ khẩu, kê khai rõ quê quán, tên tuổi, số khẩu và mối quan hệ giữa các khẩu trong gia đình. Sổ hộ khẩu giao cho Trưởng giáp, Quản giáp trông coi, quản lý và thu thuế.

Ta ra lệnh cho các tướng lĩnh chú ý xây dựng phát triển lực lượng quân sự, giữ gìn biên cương, xây dựng cấm quân bảo vệ đô thành. Chính quyền Đại La sẽ có nhiều chính sách ưu ái đối với các hào trưởng và đồng bào ít người ở biên cương, tạo điều kiện cho chính quyền nơi đây vững mạnh, một lòng hướng về trung ương và đời sống đồng bào được yên vui, no ấm.

Ta cũng hi vọng qua cải cách chính trị, kinh tế này sẽ tác động đến văn hóa và tinh thần của bách tính, tăng cường ý thức dân tộc, độc lập tự chủ, bảo vệ và xây dựng nền văn hóa mang màu sắc Việt của tổ tiên để lại. Qua đó, tăng cường sự liên kết, tạo sức mạnh cho sự ổn định vững vàng, bảo về độc lập tự chủ của dân tộc.

Nay kính cáo.

Đại La, niên hiệu Khúc Trung Chủ năm thứ 2”.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ba-ho-anh-hung-khuc--duong--ngo---ky-4-74617