Ba họ anh hùng (Khúc - Dương - Ngô) - (Kỳ 13)

Trân trọng giới thiệu tiếp tác phẩm của PGS TS Cao Văn Liên về chương VII ' BA HỌ ANH HÙNG (KHÚC - DƯƠNG -NGÔ)'- Tập I Tiểu thuyết Lịch sử 'Nghìn năm bất khuất' trong 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của NXB Hồng Đức-HN-2019.

Ảnh minh họa: Ngô Quyền (chữ Hán: 吳權; 898–944) là một vị tướng và sau này là vua Việt Nam, là người sáng lập ra nhà Ngô. Năm 938 ông cầm quân đánh tan quân xâm lược Nam Hán tại sông Bạch Đằng, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc của Việt Nam. Nguồn: Trích dẫn từ Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia

Kỳ 13.

Ngô Quyền ngồi lặng đi đau đớn. Những giọt nước mắt chực trào ra nhưng ông cố trấn tỉnh lại:

-Đa tạ tướng quân đã đưa tin. Tướng quân đứng dậy ngồi vào ghế và uống nước nghỉ ngơi. Sau khi Kiều Công Hãn đã ngồi vào bàn, Ngô Quyền gọi:

-Người đâu.

Người gia nhân bước ra:

-Dạ bẩm chúa công.

-Bảo người nhà nấu một suất cơm cho tướng quân ăn và bố trí một phòng cho tướng quân nghỉ. Tướng quân đã phi ngựa suốt đêm từ Đại La về đây, rất mệt.

Kiều Công Hãn đa tạ Ngô Quyền rồi đi theo gia nhân.

Ngô Quyền một mình ngồi suy nghĩ những công việc phải làm trong sự kiện bi thảm này. Việc trước tiên nhưng rất khó khăn của Ngô Quyền là báo tin này cho Ngô Phu nhân và các con, rồi báo tin cho gia đình huynh trưởng Dương Nhất Kha, Dương Nhị Kha, Dương Tam Kha và các cháu, làm sao phải an ủi được họ, nhất là đối với Ngô Phu Nhân và Dương phu nhân, rồi báo tang cho toàn thể họ Dương. Sau đó tổ chức đại tang. Muốn tổ chức tang lễ phải có thi hài, rồi cất quân đánh Đại La ngay để bắt Kiều Công Tiễn hay là chờ xong 100 ngày rồi hãy đánh.Tất cả cứ quay cuồng lộn xộn trong đầu Ngô Quyền, sau đó Ngô Quyền lý giải những việc phải làm nhưng phải chờ Dương Nhất Kha, Dương Nhị Kha, Dương Tam Kha đến mới bàn và quyết được.Ngô Quyền gọi:

-Người đâu?

-Dạ bẩm chúa công.

-Ngươi đến Dương Xá, dinh thự của nhạc phụ ta mời Tướng quân Dương Tam Kha, Dương Phu nhân và các cháu đến đây ngay.-Dạ, tuân lệnh chúa công.

-Người đâu.

-Dạ.

-Hai ngươi một đến phủ Dương Nhất Kha, một đến phủ Dương Nhị Kha mời hai đại nhân và gia đình về đây.

-Dạ., tuân lệnh chúa công.

Một lát sau thì cả nhà Dương Tam Kha, Dương Phu Nhân và hai cháu nội của Dương Đình Nghệ, một trai một gái cùng đến, tiếp theo là gia đình Dương Nhất Kha và Dương Nhị Kha. Ngô Quyền và Ngô phu nhân ra thi lễ, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn ra chào các bác và các anh chị. Cả nhà vui vẻ. Ngô Quyền để cho cả nhà dùng bữa trưa rồi mới thông báo tin dữ:

-Sớm nay,ta được tin từ Đại La tới báo, nhạc phụ đã bị Kiều Công Tiễn, vốn là nghĩa tử của nhạc phụ, nay là Thứ sử Phong Châu, đêm qua đã đột nhập vào tư dinh và giết hại nhạc phụ để đoạt chức Tiết độ sứ.

Dương Tam Kha hỏi:

-Tin do ai báo về ?

-Do chính Kiều Công Hãn, cháu nội Kiều Công Tiễn nhưng phản đối việc làm phản của Kiều Công Tiễn đã về Đại La và từ Đại La phi ngựa suốt đêm về đây báo cho đệ.

Ngô phu nhân Dương Thị Như Ngọc đau đớn kêu lên:

-Cha ơi!

Rồi gục xuống trong tay của nữ tì, ngất xỉu.

Dương Phu nhân cũng gần như ngất đi và khóc lóc thảm thương. Các đứa trẻ cũng òa khóc. Rồi các gia nhân cũng khóc. Dinh thự của Thứ sử Ái Châu Ngô Quyền đầy tang tóc. Dương Nhất Kha, Dương Nhị Kha, Dương Tam Kha ngồi lặng đi rồi cũng rơi nước mắt. Ngô Quyền nói:

-Đệ cũng đau xót như các huynh, nhưng chúng ta là trụ cột của gia đình, của dòng họ. Các huynh phải bình tâm cùng đệ quyết định nhưng công việc trong và sau cái chết của cha. Dương Tam Kha nói:

-Huynh và đệ phải xuất binh đánh Đại La bắt tên phản phúc đó về trị tội để báo thù cho cha.

Ngô Quyền nói:

-Bắt Kiều Công Tiễn, bắt nó đền tội thì phải bắt rồi, nhưng theo đệ trước tiên là phải tổ chức đại tang cho cha, sau đó theo nghi lễ phong tục phải tổ chức 49 ngày, 100 ngày. Trong lúc đại tang không nên động binh đao mà phải sau 100 ngày mới có thể. Theo đệ, tổ chức đại tang rất quan trọng, thứ nhất cha là vua một nước, mất đi phải có đại tang, thứ hai tổ chức đại tang cho cha, chúng ta mới tròn đạo hiếu, thứ ba trong lễ tang, tất cả anh hùng hào kiệt, hào trưởng, quan chức các cấp từ châu, huyệ̣n, giáp đều tới, ta nhân đó vạch bộ mặt tàn ác, phản bội của Kiều Công Tiễn để họ ủng hộ ta trong cuộc xuất binh sau 100 ngày.

Dương Nhất Kha hỏi:

-Nhưng thi hài cha còn trong tay Kiều Công Tiễn, làm sao lấy được thi hài mà phát tang?

-Ngày mai làm 3 ngày cho cha xong, chúng ta đem 3 vạn quân ra Đại La đòi thi hài. Nếu nó trả thi hài thì tạm thời chưa đánh, nếu nó không trả ta đánh Đại La ngay, không cần chờ 100 ngày, Việc này đệ sẽ viết thư cho người đàm phán với Kiều Công Tiễn. Dương Tam Kha nói:

-Huynh rối trí và đau đớn quá. Đệ cứ như vậy mà làm đi.

-Dạ, huynh cứ yên tâm.

Dương Nhị Kha nói:

-Thôi thì mọi việc nhờ đệ làm chủ lo liệu. Ta cũng rối trí và đau xót quá rồi.

-Các huynh cứ yên tâm.

Ngay hôm đó, Ngô Quyền cho gọi Kiều Công Hãn và nói:

-Đa tạ tướng quân đã thông báo. Tôi cũng đã vừa nhận được tin thám mã từ Đại La đưa về. Không ngờ người ông phản bội lại có một người cháu biết đi về chính nghĩa. Hôm nay, tôi nhờ tướng quân đưa giúp lá thư này cho Kiều Công Tiễn, bảo ông ta trao lại thi hài của nhạc phụ tôi để chúng tôi làm tang cho phải đạo. Tướng quân đưa thư xong không cần về lại Ái Châu hồi âm. Theo sau tướng quân, chúng tôi sẽ có 3 vạn quân đi ngay ra Đại La. Nếu Kiều Công Tiễn không đưa thi hài thì chúng tôi sẽ đánh ngay, còn nếu trả thi hài thì chưa đánh, chúng tôi còn bận việc tang.

Kiều Công Hãn nhận thư và nói:

-Tôi sẽ lên đường ngay, tạm biệt chúa công. Ngô Quyền đáp:

-Tạm biệt tướng quân.Hẹn ngày gặp lại.

Tại Đại La, Kiều Công Tiễn nhận được thư của Ngô Quyền do Kiều Công Hãn chuyển tới, liền mở thư đọc. Thư viết: “Gửi ngươi, Kiều Công Tiễn. Nhà người về tài cán không có gì, về chữ nghĩa biết vài chữ bẻ đôi. Vậy mà Dương Tiết độ sứ thương yêu, nhận làm nghĩa tử, coi như con cái trong nhà, ưu ái cho ngồi vào ghế Thứ sử Phong Châu, vinh thân phì gia. Tại Ái Châu, ta đã được nghe bách tính Phong Châu kêu ca ai oán tên Thứ sử tham lam, tàn bạo, vơ vét, cướp bóc, giết hại những người vô tội. Nay lòng tham không cùng, lại giết hại cả nghĩa phụ của mình, lấy oán báo ơn, bất trung, bất hiếu, bất nghĩa, vô đạo, trời không dung, đất không tha. Nhưng nay ta chưa tính toán chuyện đó với ngươi. Trước mắt, ngươi phải trả lại thi hài của Dương tiết độ sứ để ta đem về Ái Châu tổ chức tang lễ, ngươi còn được một chút gọi là hiếu thì hãy làm theo điều này. Nếu ngươi từ chối, 3 vạn quân sẽ tấn công thành Đại La ngay, ngươi sẽ không có đất mà chôn. Thứ sử Ái Châu Ngô Quyền”.

Kiều Công Tiễn đọc thư xong cả sợ. Còn đang suy nghĩ thì Kiều Công Thuận nói:

-Giữ lại các xác để làm gì, dẫu sao Dương Đình Nghệ cũng là cha nuôi của huynh, trả lại thi hài thì tỏ ra còn chút tình nghĩa với họ Dương. Vả lại, nếu Ngô Quyền đánh ngay thì ta chưa đủ lực tất thất bại. Cứ trả thi hài để hoãn chiến rồi có thời gian tính toán sau.Kiều Công Tiễn nói:

-Thôi cũng đành chiều theo ý Ngô Quyền rồi tính sau vậy.

Sáng hôm sau thám mã về báo:

-Bẩm Kiều Tiết độ sứ chúa công, Ngô Quyền, Dương Tam Kha đã dàn 3 vạn quân ngoài thành Đại La nửa dặm, đòi chúa công trao lại thi hài Dương Tiết Độ sứ, nếu không sẽ tấn công thành.

Kiều Công Tiễn đáp:

-Ta biết rồi.

Rồi Kiều Công Tiễn ra lệnh đem quan tài có thi hài Dương Đình Nghệ đặt lên xe có ngựa kéo ra cửa thành, trên quan tài phủ vải trắng, chung quanh có vòng hoa. Một lư hương lớn đặt ở đầu quan tài khói hương nghi ngút. Hai bên xe tang, mỗi bên có 10 võ sĩ mặc áo tang, đội khăn tang dắt ngựa đi ra ngoài thành, tiến về trước hàng quân của Ngô Quyền và Dương Tam Kha. Kiều Công Tiễn lên thành quan sát, Kiều Công Thuận đốc thúc quân sẵn sàng chiến đấu, đề phòng Ngô Quyền tấn công. Kiều Công Tiễn trông thấy Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Phạm Bạch Hổ, Đỗ Cảnh Thạc và 3 vạn quân đều mặc tang phục, các tướng lĩnh và quân sĩ một màu trắng toát nhưng tay vẫn cầm vũ khí, nét mặt vừa đau buồn vừa căm giận. Nhạc tang vang lên bi ai thảm thiết. Toàn bộ bách tính Đại La không quản có thể nổ ra chiến trận cũng mặc đại tang,đông như kiến cỏ một màu trắng toát đứng vây tròn quanh quân Khúc-Dương để tưởng nhớ Dương Tiết độ sứ, một vị vua thương dân thương nước. Trông thấy cảnh đó, Kiều Công Tiễn bỗng nhiên kêu lên:

-Trời ơi, ta đã làm gì thế này!!

Và hắn gục xuống trong tay người lính bên cạnh.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ba-ho-anh-hung-khuc--duong--ngo---ky-13-74773