Ba họ anh hùng (Khúc - Dương - Ngô) - (Kỳ 12)

Trân trọng giới thiệu tiếp tác phẩm của PGS TS Cao Văn Liên về chương VII ' BA HỌ ANH HÙNG (KHÚC - DƯƠNG -NGÔ)'- Tập I Tiểu thuyết Lịch sử 'Nghìn năm bất khuất' trong 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của NXB Hồng Đức-HN-2019.

Tiền Ngô Vương Ngô Quyền - Truyện tranh Việt Nam. Nguồn: Internet.

Kỳ 12.

Khi đến phòng gõ cửa, người gia nhân ra mở cửa cũng bị đâm chết. Kiều Công Tiễn và các võ sĩ xông vào phòng, thấy đúng là Dương Đình Nghệ đang ngồi cạnh án thư đọc sách. Thấy Kiều Công Tiễn, ông định đứng dậy tiếp đón thì đã bị mấy tên võ sĩ đâm chết. Dương Đình Nghệ trỏ tay vào mặt Kiều công Tiễn nói:

-Ngươi, ngươi làm phản…

Và ông gục xuống tắt thở.

Kiều Công Tiễn sai võ sĩ lùng sục trong phòng nhưng không có ai. Cũng may gia đình Dương Tam Kha đã theo ông về Ái Châu thăm nhà. Kiều Công Tiễn sai hai tên võ sĩ bắn hai phát tên lửa lên trời. Nhân được tín hiệu, bọn lính canh trá hình đã mở toang cổng thành và 1 vạn quân của Kiều Công Thuận tràn vào thành. 5000 quân Khúc-Dương của Dương Đình Nghệ bị bất ngờ, số ít chống cự bị giết, số còn lại bị không chế và buông vũ khí. Quân Kiều Công Thuận chiếm các công sở, đại sảnh đường, kho vũ khí, kho lương thực, bao vây và chiếm phủ của Tổng trấn Đại La Dương Tam Kha. Lá cờ vàng mang chữ Khúc- Dương bị hạ xuống. Quân Kiều Công Thuận kéo là cờ có chữ Kiều lên cột, lá cờ trong đêm không gió nên không bay mà đen một màu tang tóc, ủ rủ xuống một cách thê lương, báo một điềm không lành cho thành Đại La hay cho họ Kiều. Trong đêm, một cuộc biến loạn phản bội đáng xấu hổ đã diễn ra một cách tương đối lặng lẽ. Đó là đêm 1 tháng 4 năm 937. Dương Đình Nghệ từ trần năm ông 63 tuổi.Kiều Công Tiễn đã làm chủ Đại La.

Kiều Công Thuận hỏi:

-Bây giờ thi hài của Dương Đình Nghệ chúng ta làm thế nào?

Kiều Công Tiễn suy nghĩ rồi đáp:

-Cứ khâm liệm cho vào quan tài tử tế để dùng thi hài Dương Đình Nghệ ra điều kiện với Ngô Quyền và Dương Tam Kha, buộc chúng muốn nhận thi hài thì phải phục tùng ta.

Kiều Công Thuận hỏi:

-Bây giờ giải thích thế nào về việc ta giết Dương Đình Nghệ, hay là nói ông ta ốm chết?

Kiều Công Tiễn suy nghĩ rồi nói:

-Bây giờ không thể dấu diếm hoặc nói dối được nữa. Ông ta chết khi ta có mặt ở Đại La, ta lại ngồi vào chức Tiết độ sứ, hơn nữa thằng Kiều Công Hãn sớm muôn sẽ báo cho Ngô Quyền, Dương Tam Kha chuyện này. Cho nên có kẻ nào hỏi thì ta đáp, giết Dương Đình Nghệ là để trả thù cho Khúc Hậu Chủ, vì Dương Đình Nghệ đánh quân Nam Hán năm 931, giết Tư mã Lý Khắc Chính nên Nam Hán đã giết Khúc Thừa Mỹ khi đó đang bị quản thúc ở Phiên Ngung.

Kiều Công Thuận nói:

-Hay, có lý, may ra làm dịu được lòng căm thù trách móc và oán hận của bách tính và các anh hùng hào kiệt, các hào trưởng trong cả nước.

Kiều Công Tiễn đắc ý:

-Không nên lo sợ nhiều, muốn nên nghiệp lớn thì phải biết chà đạp lên dư luận mà đi.

Sáng hôm sau toàn dân Đại La thức dậy đi ra phố thì được đọc cáo thị của Kiều Công Tiễn dính trên các tường thành. Cáo thị viết: “Ta, Kiều Công Tiễn, Thứ sử Phong Châu. Nay kính báo cho bách tính biết: ta đã giết Dương Đình Nghệ để báo thù Cho Khúc Thừa Mỹ, vì năm 931, Dương Đình Nghệ đã đánh quân Nam Hán, giết chết Lý Khắc Chính nên cùng năm đó, Nam Hán đã giết Khúc Hậu Chủ khi đó đang bị quản thúc ở Phiên Ngung. Nay ta sẽ giữ chức Tiết độ sứ để điều hành đất nước. Ai phục tùng sẽ sống, ai chống lại ta sẽ bị chu di cả họ. Nay thông báo. Tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân Kiều Công Tiễn”.

Cáo thị của Kiều Công Tiễn làm Đại La và toàn thể An Nam chấn động. Bách tính khóc lóc, thương xót Dương Đình nghệ và ở đâu người ta cũng nguyền rủa Kiều Công Tiễn là tên vong ân bội nghĩa, tên bất hiếu, bất trung, tên tàn ác, tên phản bội. Bách tính còn lo lắng cho vận mệnh cuộc sống của mình. Đời sống khổ cực thê thảm của bách tính Phong Châu dưới sự cai trị của Kiều Công Tiễn bảy năm qua đã truyền ra cả nước, cả nước cũng đã biết sự tàn bạo, tham lam, xảo quyệt, giết người không ghê tay để vơ vét của tên cẩu Thứ sử này. Nay tên này nắm chức Tiết độ sứ thì tương lai, vận mệnh dân tộc đen tối rồi. Trong khi đàm đạo, một số cụ già nói:

-Không lo, Ngô Quyền và Dương Tam Kha không ngồi yên cho tên cẩu tặc này bá đạo đâu.

-Chỉ còn hy vọng như vậy thôi.

-Khi đó chắc tên giặc này lại cầu cứu quân Nam Hán, đất nước lại chiến tranh rồi.

-Sợ gì, giặc đến thì đánh. Mà rước giặc vào nhà thì thằng giặc Kiều Công Tiễn chết trước và không có đất mà chôn.

-Đang yên đang lành, đất nước vừa hòa bình được mấy năm, bách tính được no ấm yên vui dưới thời Dương Đình Nghệ. Sao thằng giặc già này lại trở chứng như vậy. Mà nó có nghèo khổ gì cơ chứ, nghe dân Phong Châu nói vàng bạc của cải nhà nó xếp chật cả phủ đường Phong Châu.

-Nó tham lam chức Tiết độ sứ để vơ vét trong cả nước cơ.

-Đúng là loại sâu dân mọt nước, thằng cẩu quan đáng chết.

VIII

Màn đêm mùa hạ bao phủ không gian. Làng Giàng và thành Tư Phố, trị sở của Ái Châu cũng chìm trong bóng tối,chỉ còn tư dinh của quan Thứ sử Ngô Quyền là còn ánh sáng đèn le lói.Trong phòng, Ngô Quyền vẫn chong đèn đọc sách. Trống trên thành đã điểm canh ba. Người gia nhân luôn miệng nhắc Ngô Quyền:

-Bẩm chúa công khuya rồi, xin chúa công đi nghỉ.

Ngô Quyền nói:

-Đa tạ, không rõ đêm nay thế nào mà ruột gan ta nóng như lửa đốt, không muốn đi ngủ.

Chợt có tiếng la hét trong phòng Ngô Phu Nhân Dương Thị Như Ngọc. Ngô Quyền vội chạy vào, thị nữ các phòng cũng hốt hoảng chạy sang. Ngô phu nhân đang ngồi trên giường, chân tay run rẩy vô cùng sợ hãi. Ngô Quyền hỏi:

-Nương tử sao vậy?

Ngô Phu nhân đáp:

-Sợ quá, thiếp vừa mơ thấy một giấc mơ khủng khiếp, cha vừa về đứng trước thần thiếp, người bị sáu lưỡi gươm đâm xuyên qua, đẫm máu. Cha nói, con ơi hãy báo thù cho cha. Thần thiếp sợ quá…

Ngô Quyền an ủi:

-Chắc không có chuyện gì với cha đâu, có lẽ nàng quá nhớ cha nên mơ vậy. Mai ta đưa nàng ra Đại La thăm cha. Nàng ngủ tiếp đi.Đêm đó, Ngô Quyền cũng không ngủ được nên ông dậy sớm ngồi trong phòng khách uống trà. Chợt có gia nhân vào báo:

-Dạ bẩm chúa công, có tướng Kiêu Công Hãn, cháu nội Kiều Công Tiễn, Thứ sử Phong Châu tới có việc gấp.

Ngô Quyền ngạc nhiên:

-Phong Châu xa xôi, Kiều Công Hãn tới Ái Châu có việc gì? Cho vào!

Kiều Công Hãn vào thi lễ trước Ngô Quyền:

-Xin kính chào Ngô Thứ sử chúa công.

-Xin chào tướng quân, xin mời an tọa. Người đâu lấy nước.

Kiều Công Hãn rất mệt và khát, bê bát nước uống một hơi rồi nói:

- Mạt tướng đem báo cho chúa công một đại hung tin. Xin chúa công bình tĩnh nghe.

Ngô Quyền hỏi:

-Hung tin gì vậy, tướng quân nói mau.

-Dạ bẩm, nhạc phụ của chúa công, Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ đã bị giết đêm qua tại phủ thành Đại La rồi.

Ngô Quyền ngạc nhiên và choáng váng:

Ai giết? Vì sao lại giết?

Kiều Công Hãn phủ phục xuống trước Ngô Quyền:

-Dạ bẩm chúa công, chúng tôi là những người có tội với chúa công, người giết Tiết độ sứ chúa công là ông nội của mạt tướng là Kiều Công Tiễn, Thứ sử Phong Châu. Ông nội của mạt tướng là nghĩa tử của Tiết độ sứ, đã được Dương Tiết độ sứ nâng đỡ, làm đến Thứ sử Phong Châu, sống trong giàu sang và phú quý, Nhưng suốt mấy năm nay nẫy ra ý định sát hại Dương Tiết độ sứ để đoạt chức. Sáng hôm qua họp bàn âm mưu sát hại. Mạt tướng và cha Kiều Công Chuẩn đã phản đối, Nhưng ông vẫn cùng thúc thúc Kiều Công Thuận đem võ sĩ và 1 vạn quân về Đại La, gần tối tới nơi và Chúa công Tiết độ sứ đã bị giết. Ngô Quyền ngồi lặng người. Kiều Công Hãn nói tiếp:

-Mạt tướng đã phi ngựa đến nước đại để mong về sớm báo cho Tổng Trấn Dương Tam Kha ở Đại La, nhưng đến Đại La mới biết Tổng Trấn Dương Tam Kha đã về Ái Châu công cán. Có lẽ ông nội mạt tướng đã nắm chắc thời cơ khi Tướng quân Dương Tam Kha vắng mặt để hành động. Còn Ngô Chúa công thì ở xa quá. Mạt tướng phải phi ngựa suốt đêm mới về đến đây. Mong chúa công định đoạt.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ba-ho-anh-hung-khuc--duong--ngo---ky-12-74755