'Bà đỡ mát tay' của nhiều gia đình hiếm muộn

Trong danh sách 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2018, có một đại diện của ngành Y tế. Đó là PGS.TS - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Với những đóng góp xứng đáng, ông đã tạo được dấu ấn đầy tự hào để đưa Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từ một cơ sở hạng 2 của Hà Nội với hơn 100 giường và 200 cán bộ chuyển mình mạnh mẽ thành một bệnh viện tuyến cuối về chuyên ngành sản phụ khoa với 4 cơ sở và gần 1.000 giường bệnh, trong đó, 200 giường đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Sinh ra ở vùng quê quan họ nhưng PGS. TS Nguyễn Duy Ánh luôn nặng lòng với Hà Nội bởi quá trình học tập và công tác của ông gắn bó với mảnh đất này. Sau khi học xong nội trú, trong khi bạn bè đồng lứa đều lựa chọn bệnh viện tuyến Trung ương để được phát triển tương lai thì Nguyễn Duy Ánh lại tình nguyện về Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với một thứ tình cảm khó lý giải.

Với tay nghề nổi trội, với tâm huyết và lòng đam mê nghề, chỉ sau vài năm, ông đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo Khoa rồi trở thành một trong các lãnh đạo trẻ nhất ngành Y tế Thủ đô khi nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc Bệnh viện.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trao danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2018 cho PGS.TS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Khao khát lớn nhất của ông luôn là làm sao để người dân Hà Nội được hưởng những kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại nhất trong chuyên ngành sản phụ khoa… Vì thế, khi đảm nhiệm vai trò Phó Giám đốc Phụ trách chuyên môn và khoa học của Bệnh viện, PGS. TS Nguyễn Duy Ánh bắt tay vào thực hiện khát vọng nâng cao chất lượng khám và điều trị sản phụ khoa cho người dân Thủ đô.

Hàng loạt kỹ thuật cao được đưa về Bệnh viện, hàng loạt thầy thuốc có tay nghề được cử ra nước ngoài đào tạo, hoặc đến các trung tâm chuyên ngành sản lớn nhất nước để học hỏi. Để hiện đại hóa bệnh viện, ông đưa ra tiêu chí rõ ràng: Chỉ mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế loại tân tiến nhất, không mua loại kém chất lượng. Vì thế, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sớm là cơ sở sản phụ khoa có nhiều kỹ thuật và thiết bị hiện đại nhất nước.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, để người dân Thủ đô được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, thì thế giới có kỹ thuật gì mới, Bệnh viện lập tức tìm cách mang về phục vụ nhân dân. “Tiếp nhận kỹ thuật hiện đại của thế giới không quá khó, mà quan trọng là tâm huyết, là trình độ chuyên môn cao, là sự yêu nghề và nhất là phải có cái tâm, cái đức của người thầy thuốc”- PGS. TS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.

Làm quản lý, lại còn giảng dạy ở Đại học Y Hà Nội, nhưng PGS. TS Nguyễn Duy Ánh vẫn luôn bám sát công việc chuyên môn. Ông thường xuyên cập nhật tiến bộ y khoa để áp dụng vào thực tiễn. Những ca phức tạp ông đều có mặt để trực tiếp xử lý. Nhiều người bệnh nhờ tay nghề và sự tận tâm của ông mà được tái sinh.

“Có lần, một thai phụ từ Úc về Việt Nam và ngay khi xuống sân bay Nội Bài đã có dấu hiệu sảy thai. Chị lập tức được đưa vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Mặc dù được cấp cứu nhưng vẫn không giữ được thai, đồng thời, thai phụ có dấu hiệu ngừng tim. Các bác sĩ trực tiến hành ép tim để cứu sản phụ nhưng không có dấu hiệu phục hồi.

Nhận được tin, tôi chạy ngay xuống phòng cấp cứu và vừa theo dõi, vừa hỏi tình hình của thai phụ và biết được chị ốm nghén nhiều nên sức khỏe không tốt, cộng thêm thời gian đóng gói đồ đạc để về nước khá mệt mỏi, rồi chuyến bay đường dài nhiều giờ. Việc sảy thai làm cho thai phụ mất máu rồi ngừng tim.

Với những diễn biến như thế, tôi chẩn đoán hiện thai phụ đang bị thiếu kali, cần được bổ sung nếu không sẽ chết. Tôi lập tức chỉ định tiêm 1 mũi kali và như dự đoán, tim sản phụ đã đập trở lại”- PGS.TS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.

PGS.TS. Nguyễn Duy Ánh trực tiếp phẫu thuật các ca khó.

“Mặc dù công việc của người thầy thuốc luôn đầy rủi ro nhưng không có nghĩa là mình ngồi đó mà sợ. Bên cạnh việc tuân thủ đúng quy trình chuyên môn, bác sĩ sản khoa phải tuyệt đối tôn trọng sản phụ, không được có suy nghĩ bỏ rơi hay miệt thị họ” - ông cho hay.

Y đức với PGS.TS Nguyễn Duy Ánh không phải là điều gì quá cao siêu, có khi chỉ là không được dễ dàng buông tay trước số phận người bệnh. Vì thế, ông luôn dặn dò nhân viên của mình, đặc biệt là các bác sĩ trẻ, dù chỉ còn 1 tia hy vọng cũng phải cố gắng cứu sống bệnh nhân, vì trách nhiệm của bác sĩ là cứu người. Tấm gương nói đi đôi với làm và không chịu lùi bước trước khó khăn của ông đã thực sự truyền cảm hứng cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là các bác sĩ trẻ.

Câu chuyện 18 bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cấp cứu một bệnh nhân bị phơi nhiễm HIV vào tháng 7-2015 mà không có phương tiện bảo hộ, vì chỉ chậm trễ vài phút là bệnh nhân tử vong, là một ví dụ. Nếu lúc đó, khi biết bệnh nhân bị HIV, kíp mổ chỉ cần tạm ngưng để tìm cách bảo vệ mình, thì chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong, vì thời gian lúc đó không chỉ là vàng mà là ranh giới sinh tử.

Là thầy thuốc, PGS.TS. Nguyễn Duy Ánh hiểu rằng, nghề y phải không ngừng sáng tạo để tìm những biện pháp tối ưu cứu chữa người bệnh. Vì thế, ông đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, chuyển giao kỹ thuật để nâng cao tay nghề cho các thầy thuốc.

Hằng năm, Bệnh viện tổ chức nhiều khóa đào tạo cho nhân viên; cử các bác sỹ và nữ hộ sinh hỗ trợ cho tuyến dưới. Hiện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không chỉ tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân trong địa bàn Hà Nội mà còn các tỉnh miền Bắc. Đặc biệt, Bệnh viện đã trở thành cơ sở đào tạo lớn của Đại học Y Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng nhiều trường cao đẳng, trung cấp y ở phía Bắc.

Mỗi năm, có khoảng 1 triệu lượt bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và hơn 40.000 em bé sinh ra khỏe mạnh tại đây. Các bác sĩ còn thực hiện khoảng 30.000 ca phẫu thuật, thủ thuật. Với trình độ tay nghề của các bác sĩ và sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại, những năm gần đây, tỉ lệ tai biến rất thấp. Nhiều năm liền, Bệnh viện không còn phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên mà ngược lại, nhiều kỹ thuật, các bệnh viện lớn trong cả nước còn phải gửi bệnh nhân về đây điều trị.

Khát vọng nâng tầm chuyên ngành sản phụ khoa

Trước tỷ lệ các cặp vợ chồng bị hiếm muộn ở Việt Nam chiếm tới 7,7%, tức có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn, trong đó, riêng Hà Nội tỉ lệ vợ chồng hiếm muộn tới 13%, PGS. TS Nguyễn Duy Ánh đã cùng lãnh đạo Bệnh viện thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản.

PGS.TS. Nguyễn Duy Ánh.

Mục tiêu của ông là Khoa có thể làm được tất cả các kỹ thuật chuyên sâu mà các Trung tâm Hỗ trợ sinh sản trên thế giới đang làm, để giúp cho nhiều cặp vợ chồng được thực hiện khát khao làm cha mẹ mà không phải phải ra nước ngoài điều trị vất vả và tốn kém.

Đến nay, Bệnh viện đã làm chủ nhiều kỹ thuật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh: Thụ tinh nhân tạo; thụ tinh nhân tạo xin mẫu tinh trùng; đông lạnh và bảo quản tinh trùng; thụ tinh trong ống nghiệm: chọc hút noãn, nuôi cấy, chuyển phôi; thụ tinh trong ống nghiệm có tiêm tinh trùng vào bào tương noãn; sinh thiết tinh hoàn; nuôi cấy và chuyển phôi Blastocyst; đông phôi và bảo quản phôi đông lạnh vv…

Vì thế, mỗi năm, có khoảng 1.000 em bé chào đời ở đây, góp phần thắp sáng ngọn lửa hạnh phúc trong những ngôi nhà hiếm muộn.

Ông Ánh cho biết, trong một hội nghị quốc tế về sản phụ khoa châu Á - Thái Bình Dương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được bầu ở vị trí thứ 2 về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, bởi chất lượng không hề thua kém các nước, từ sinh thiết phôi, định dạng phôi cũng như tỉ lệ thành công ngang các trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn.

Với mong muốn các em bé ra đời được khỏe mạnh, Bệnh viện còn thành lập Trung tâm chẩn đoán và sàng lọc trước sinh và sơ sinh lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Các kỹ thuật ở đây đều đạt chuẩn quốc tế: siêu âm phát hiện sớm bất thường về hình thái thai; xét nghiệm sàng lọc sinh hóa; chẩn đoán di truyền, tế bào và phân tử; sàng lọc sơ sinh các bệnh rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý nặng tim bẩm sinh và sàng lọc thính lực.

Vì vậy, các thai phụ có nguy cơ mắc các bệnh bẩm sinh sẽ được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời trong thời kỳ mang thai, khi sinh và sau khi sinh. Nhờ đó, đã có rất nhiều thai nhi bị dị tật, đa dị tật nặng như tim bẩm sinh, thoát vị hoành, tắc tá tràng, teo thực quản… sau khi chào đời đã được cứu chữa thành công.

Nhiều cặp vợ chồng mang bệnh di truyền vẫn sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, để niềm hạnh phúc gia đình thêm tròn đầy. Những em bé chào đời mạnh khỏe là niềm hạnh phúc ngọt ngào cho mỗi gia đình, cũng chính là động lực để các thầy thuốc tận tâm làm tròn nhiệm vụ. Hiện Bệnh viện dẫn đầu cả nước về chẩn đoán các bệnh hiếm gặp.

“Trong khi nhiều nơi chỉ sàng lọc được 5-7 bệnh, thì chúng tôi có thể thực hiện trên số mẫu lớn nhất cả nước, tới 46/50 bệnh và không lâu nữa sẽ sàng lọc được 50/50 bệnh…” – PGS. TS Nguyễn Duy Ánh cho biết.

PGS. Nguyễn Duy Ánh không giấu được niềm tự hào khi Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã sẵn sàng để trở thành bệnh viện đầu tiên trong cả nước khai trương kỹ thuật “y học bào thai” – một kỹ thuật rất cao trong sản phụ khoa, đòi hỏi cả về trình độ chuyên môn của thầy thuốc lẫn thiết bị hiện đại.

Với kỹ thuật này, các bác sĩ có thể can thiệp để xử trí kịp thời các bệnh cho bào thai từ 26 tuần tuổi, rồi tiếp tục theo dõi để xử trí những tổn thương cho thai nhi khi chào đời. Mục đích của phương pháp này nhằm chữa các bệnh suy thai, các dị tật, tràn dịch màng tim, phổi; chèn ép ở thận, thoát vị vv… mà nếu không được phẫu thuật, trẻ sinh ra thường khó có cơ hội sống.

Theo ông Ánh, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực để có thể can thiệp cho những bào thai đầu tiên trong những tháng cuối năm 2018. Đó là đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản tại Pháp, Anh, cùng hệ thống phòng mổ hiện đại nhất được trang bị tân tiến nhất.

Phát triển đồng đều cả về nhân lực lẫn trang thiết bị, hiện Bộ Y tế công nhận Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện tuyến cuối về chuyên khoa phụ sản, có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo tuyến các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn và Lạng Sơn, đã chứng tỏ bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây mà vai trò của người đứng đầu là không thể phủ nhận.

Thanh Hằng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/ba-do-mat-tay-cua-nhieu-gia-dinh-hiem-muon-514926/