'Bà đỡ' cho kinh tế tư nhân

Sáng 19/12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức Diễn đàn 'Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế'. Phát biểu tham luận tại đây, bà Nguyễn Thị Nga- Chủ tịch Tập đoàn BRG thay mặt giới doanh nhân tư nhân bày tỏ mong muốn: Đảng, Nhà nước có thể coi kinh tế tư nhân là trụ cột của nền kinh tế. Có lẽ, hiểu được tâm tư ấy của khu vực kinh tế tư nhân mà Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 10 dành riêng cho khu vực kinh tế này.

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thời gian vừa qua, để góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 10, Đảng và Nhà nước luôn đồng hành, lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu các phản ánh khó khăn, vướng mắc và ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân về hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Chúng ta mong muốn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước; trên tinh thần mọi cơ chế, chính sách phải bám sát thực tiễn cuộc sống và phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. “Mục tiêu là nhằm phát huy được trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân trong việc tham gia hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII và góp phần đưa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, nhất là các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII”- Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết.

Cũng cần nói thêm rằng, chúng ta đang ở trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong giai đoạn này, sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ đã ảnh đến hầu hết các lĩnh vực từ sản suất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý dữ liệu, quản lý doanh nghiệp và quản lý nhà nước. Thị trường và nhu cầu luôn biến động cùng những ý tưởng và mô hình đổi mới xảy ra hàng ngày, hàng giờ. Trong bối cảnh đó, khu vực kinh tế tư nhân chính là khu vực nhạy bén nhất, nhanh bắt kịp với cái mới, cái tiến bộ nhất. Nhưng kinh tế tư nhân cũng rất cần một “bà đỡ” mát tay để nâng bước thành công; nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trở lại với câu nói của Chủ tịch Tập đoàn BRG, nó cho thấy khát khao mong muốn được đóng góp cho tiến trình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; nhất là của các tập đoàn tư nhân lớn- những tập đoàn đã nổi danh trong nước và quốc tế. Nó cũng cho thấy mong muốn được làm giàu trên chính quê hương mình và mong muốn được đối xử công bằng như các tập đoàn kinh tế nhà nước trong tiến trình phát triển chung, hướng đến một Việt Nam thịnh vượng và giàu mạnh trong khu vực và trên thế giới.

Nhưng, trong thực tế, khu vực doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Số lượng doanh nghiệp tư nhân tuy tăng hàng năm nhưng quy mô bình quân của mỗi doanh nghiệp là không lớn. Các rào cản về thể chế, liên quan đến nhiều vấn đề như: Thủ tục hành chính còn rườm rà phức tạp, môi trường cạnh tranh bất bình đẳng, chất lượng đội ngũ công vụ không đồng đều; rồi, chi phí không chính thức vẫn là mối quan ngại của doanh nghiệp tư nhân đang là những sự lo lắng thường trực của khu vực kinh tế năng động này. Điều này thì không chỉ một mà nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn còn cảm nhận được.

Nhưng bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân chắc chắn cũng mong muốn Nhà nước áp dụng triệt để nguyên tắc phân biệt rạch ròi về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về nội dung giữa các cơ quan nhà nước, tránh cho các doanh nghiệp phải tiếp đón quá nhiều đoàn thanh kiểm tra trong 1 năm. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường công khai, minh bạch mọi thông tin trên website; đăng tải đầy đủ thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư… “Nhân sự kiện Cổng dịch vụ công quốc gia mới đi vào hoạt động, mỗi doanh nghiệp trong tương lai nên được có một tài khoản ID hoặc một hòm thư kỹ thuật số, nơi nhận được thông tin liên lạc từ Nhà nước.

Doanh nghiệp sẽ có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng, nhận được hướng dẫn thủ tục hành chính, lấy tờ khai thuế từ một cổng thông tin của Chính phủ… tất cả chỉ bằng cách đăng nhập vào tài khoản”- ông Nguyễn Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc VEFAC HTS Group nêu ý kiến.

Nhưng không chỉ trợ giúp các doanh nghiệp làm các thủ tục điện tử, Chính phủ, các cơ quan Nhà nước cũng cần đăng tải công khai những thông tin phản hồi, đánh giá, kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp tư nhân về các thủ tục hành chính của địa phương. Và, để nâng bước doanh nghiệp tư nhân, khối Nhà nước, cần tăng cường tính minh bạch trong hành chính công, cải cách tiền lương, và cách thức đánh giá cán bộ nhằm giảm thiểu tệ nạn nhũng nhiễu, nâng cao hiệu quả bộ máy công vụ liên quan, góp phần giảm chi phí phi chính thức cho doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước cũng cần giúp đỡ nâng bước phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và phát triển nhanh, bền vững và đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; một số giải pháp xúc tiến thương mại hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Mai Loan

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/ba-do-cho-kinh-te-tu-nhan-tintuc455136