'Bà đỡ' cho khởi nghiệp

Những năm gần đây, thông qua hoạt động hỗ trợ trực tiếp các nghiên cứu khoa học có tính khả thi cao trong giai đoạn đầu trước khi đưa những sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, mô hình Vườn ươm DN Hà Nội (HBI) đã trở thành “địa chỉ đỏ” giúp DN khởi nghiệp.

Động lực cho khởi sự

Theo báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Hà Nội (Sở KH&ĐT), các DN Hà Nội, nhất là DN khởi nghiệp hiện đang gặp 5 vấn đề khó khăn. Một là, chất lượng nguồn nhân lực nói chung vẫn ở trình độ thấp so với các DN trong khu vực ASEAN. Hai là, có tới 80% DN, nhất là DN khởi nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn do không đủ điều kiện về tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng thủ tục, quy trình vay vốn của các tổ chức tín dụng do quy mô nhỏ và hạn chế. Ba là, chưa tạo ra được nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng và có chi phí thấp, dẫn đến sản phẩm sản xuất ra có giá thành cao trong khi chất lượng chưa cao nên đã làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Bốn là, kỹ thuật, công nghệ sản xuất và máy móc, thiết bị của các DN còn lạc hậu, phần nào đã làm hạn chế về năng lực trong công tác nghiên cứu trong DN, nghiên cứu để ứng dụng sản xuất kinh doanh. Năm là, tỷ trọng DN có hiểu biết và có khả năng thực hiện các kỹ năng quản trị hiện đại theo chuẩn mới của khu vực và thế giới như: Tầm nhìn và sứ mệnh, quản trị chiến lược, quản trị rủi ro, quản trị nhân lực, quản trị sự thay đổi, quản trị marketing... còn rất khiêm tốn.

Một buổi trao đổi nghiệp vụ quản trị tài chính cho doanh nghiệp tại HBI. Ảnh: Quang Hưng

Ngoài 5 vấn đề này, ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Hà Nội, đơn vị quản lý Dự án HBI thuộc “Chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân Việt Nam” do EU tài trợ cho rằng, không ít chi phí đầu vào tại Hà Nội cao hơn các địa phương lân cận như phí thuê đất, mặt bằng sản xuất, nhân công, nguyên vật liệu… Thực tế này đã tạo ra tính cạnh tranh khốc liệt hơn cho DN, nhất là DN khởi nghiệp.
Ông Quân cho biết, Dự án HBI ra đời nhằm mục tiêu tổng thể hỗ trợ tối đa cho các DN khởi nghiệp hoặc DN trẻ (có 2 - 3 năm hoạt động) trong ngành chế biến và đóng gói thực phẩm. DN khi được chọn tham gia được hỗ trợ các hoạt động ươm tạo, cung cấp những dịch vụ để có thể tổ chức sản xuất, kinh doanh, cũng như bước đầu hình thành hệ thống mạng lưới liên kết các chuyên gia, cố vấn, các tổ chức hỗ trợ thúc đẩy phát triển các DN. “HBI ra đời tạo động lực khuyến khích tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, luôn vận động phát triển của DN trong ngành thực phẩm. Đồng thời giúp doanh nhân biết chấp nhận rủi ro, tạo mạng lưới gắn kết và chia sẻ thông tin, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, tăng thu nhập và xuất khẩu” – ông Quân chia sẻ.
Vai trò của bà đỡ
Là một DN mới thành lập với ý tưởng sản xuất bột ăn dặm trà dinh dưỡng cho trẻ em, anh Nguyễn Quang Long - Giám đốc Công ty Hikoji Việt Nam đã chọn HBI để khởi nghiệp. Theo anh Long, khi tham gia vào vườn ươm HBI, DN được hưởng rất nhiều ưu đãi và quyền lợi, lớn nhất là được tham gia vào các khóa học về kinh doanh sản phẩm, tư vấn chất lượng, dây chuyền sản xuất…; được cùng với các DN tham gia vào 2 phòng thí nghiệm để khi triển khai vào thực tế kinh doanh có thể lựa chọn được hệ thống dây chuyền phù hợp.
Công ty TNHH Nutricare chuyên sản xuất các loại sản phẩm dinh dưỡng cũng lựa chọn con đường tương tự và được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, các khóa đào tạo… TS. Bs Khoa học dinh dưỡng Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Công ty cho rằng, vai trò “bà đỡ” của HBI trong khởi nghiệp gồm: DN khởi nghiệp sớm hơn; Rủi ro cho DN thấp hơn; Khả năng thành công cao hơn.
Cụ thể, khi được HBI cung cấp điều kiện hạ tầng, DN có thể nhanh chóng thực hiện kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, khi dựa vào HBI, rủi ro về tài chính sẽ rất nhỏ, DN sẽ chỉ mất chi phí sửa sang nhà xưởng và thuê thiết bị. “Không phải đầu tư hạ tầng, được hỗ trợ về đào tạo chuyên môn liên quan, DN có cơ hội để tập trung cho các hoạt động khác như marketing, hình ảnh, quan hệ..., cũng như được HBI kết nối trong và ngoài vườn ươm, nên cơ hội nhiều hơn, do nguồn lực được tập trung” - ông Minh khẳng định.

Từ khi đi vào hoạt động, HBI đã tuyển chọn và ươm tạo cho 37 DN, tạo việc làm cho gần 1.300 lao động với 120 khóa đào tạo cán bộ quản lý vườn ươm DN, khách hàng tiềm năng của vườn ươm, 36 hội thảo ở các nội dung khác nhau. Nhiều ý tưởng được thương mại hóa, tạo được mối liên kết với các tổ chức tài chính, ngân hàng, viện, trường đại học, hiệp hội ngành nghề.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ba-do-cho-khoi-nghiep-293186.html