Ba điểm đến, một mục đích của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang có chuyến công du ba quốc gia có tín đồ Hồi giáo đông nhất ở Đông Nam Á và Nam Á, từ ngày 10-13/2.

Thủ tướng Datuk Seri Anwar Ibrahim và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Kuala Lumpur, ngày 10/2. (Nguồn: X)

Thủ tướng Datuk Seri Anwar Ibrahim và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Kuala Lumpur, ngày 10/2. (Nguồn: X)

Chuyến thăm Malaysia, Indonesia và Pakistan của ông Recep Tayyip Erdogan diễn ra trong bối cảnh địa chính trị Trung Đông đang thay đổi sâu sắc. Đặc biệt sau khi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ cuối năm 2024 và những tuyên bố gần đây về tái thiết và di dân ở Dải Gaza của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mở rộng ảnh hưởng

Tầm quan trọng của chuyến thăm thể hiện ở phái đoàn tháp tùng hùng hậu gồm Ngoại trưởng Hakan Fidan, Bộ trưởng Quốc phòng Yasar Guler, Bộ trưởng Năng lượng Alparslan Bayraktar và lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, công nghệ số, hậu cần, nông nghiệp và du lịch.

Cả Malaysia, Indonesia và Pakistan đều là các đồng minh chủ chốt trong thế giới Hồi giáo của Ankara. Điều đó lý giải sự chào đón nồng hậu đối với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ với những cam kết mạnh mẽ và chất lượng thỏa thuận được ký kết.

Sau hội đàm tại Kuala Lumpur ngày 11/2, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng nước chủ nhà Anwar Ibrahim đã ra tuyên bố chung, tái khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thiết lập từ năm 2022 đang tiến triển vững chắc. Hai nhà lãnh đạo chứng kiến ký kết 11 bản ghi nhớ (MOU) trong nhiều lĩnh vực hợp tác, từ quốc phòng - an ninh, năng lượng, chống khủng bố đến thương mại, truyền thông, giáo dục và du lịch. Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên đạt bước tiến quan trọng trong lĩnh vực quân sự, với thỏa thuận mua sắm khí tài mới và thành lập Ủy ban chung về sản phẩm quốc phòng.

Về các vấn đề khu vực, Thủ tướng Malaysia, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2025 hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Đối tác đối thoại ASEAN và sự ủng hộ của Ankara đối với vai trò trung tâm của ASEAN.

Liên quan vấn đề Dải Gaza, Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Ibrahim tái khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước và tư cách thành viên đầy đủ của Palestine tại Liên hợp quốc, gọi đó là “điều quan trọng đối với một giải pháp công bằng và lâu dài” cho xung đột Israel - Palestine.

Hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác tại Liên hợp quốc, Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) và Nhóm Tám nước đang phát triển (D-8). Nhấn mạnh ủng hộ chống lại nạn kỳ thị Hồi giáo, hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết đối với các nguyên tắc của OIC và tầm quan trọng của hành động tập thể trong việc giải quyết những thách thức chung mà thế giới Hồi giáo đang phải đối mặt.

Kết thúc hoạt động tại Kuala Lumpur, ông Erdogan đã bay sang Jakarta hôm 12/2, cùng người đồng cấp Prabowo Subianto đồng chủ trì cuộc họp thượng đỉnh Hội đồng hợp tác chiến lược cấp cao lần đầu tiên, sau khi cơ chế này thành lập vào năm 2022. Hai Tổng thống đã chứng kiến ký kết một số thỏa thuận hợp tác về thương mại, đầu tư, giáo dục và công nghệ.

Mối quan hệ giữa Jakarta và Ankara ngày càng chặt chẽ trong những năm gần đây. Vào tháng Bảy năm ngoái, hai bên đã gặp nhau tại Ankara khi ông Subianto còn là Tổng thống đắc cử và Bộ trưởng Quốc phòng. Khi đó, ông Subianto đã cam kết “nâng cao hợp tác quốc phòng và các lĩnh vực chiến lược khác vì lợi ích chung”.

Tại chặng dừng chân cuối cùng ở Islamabad, Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Shehbaz Sharif sẽ đồng chủ trì phiên họp lần thứ bảy Hội đồng hợp tác chiến lược cấp cao Pakistan-Thổ Nhĩ Kỳ, cơ chế ra quyết định cao nhất của hai nước vào ngày 13/2. Theo tờ Dawn của Pakistan, tại đây, hai bên sẽ ký kết một số MOU nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư và xóa bỏ các rào cản phi thuế quan.

Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại lễ đón chính thức ở thủ đô Jakarta ngày 12/2. (Nguồn: Free Press Journal)

Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại lễ đón chính thức ở thủ đô Jakarta ngày 12/2. (Nguồn: Free Press Journal)

Những trụ cột chính

Hợp tác kinh tế và quốc phòng vẫn là các trụ cột chính trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có tiếng nói trong thế giới Hồi giáo và địa chính trị khu vực với Malaysia, Indonesia và Pakistan. Thổ Nhĩ Kỳ hiện có kim ngạch thương mại khoảng 5 tỷ USD với Malaysia, 1,5 tỷ USD với Indonesia và hơn 1 tỷ USD với Pakistan. Theo hãng thông tấn Malaysia Bernama, Ankara đang hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD với hai thành viên ASEAN và 5 tỷ USD với quốc gia Nam Á.

Indonesia, Malaysia và Pakistan đều là bạn hàng vũ khí chính của Thổ Nhĩ Kỳ với các sản phẩm ưa chuộng như máy bay không người lái thế hệ mới, tên lửa chống hạm và tàu chiến, theo tạp chí Forbes, Jakarta đã hợp tác chặt chẽ với Ankara, đặc biệt về hệ thống phòng thủ trên không và trên biển và đã bắt đầu sử dụng vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ với quy mô lớn. Malaysia cũng đã đưa các công nghệ quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ vào sử dụng trong lực lượng hải quân và không quân của nước này.

Theo báo cáo năm 2023 của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Thổ Nhĩ Kỳ là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Pakistan, chiếm 11% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của nước này. Quan hệ đối tác quốc phòng giữa hai bên đã phát triển đáng kể, với các dự án chung như phát triển tàu chiến MILGEM, hiện đại hóa đội máy bay chiến đấu và phát triển máy bay không người lái…

Năm 2010, Pakistan ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó nhà sản xuất vũ khí nhà nước Pindad của Indonesia và FNSS của Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhau phát triển một mẫu xe tăng hạng trung mới. Đến năm 2023, hai bên tiếp tục ký một kế hoạch hành động cho các cuộc tập trận quân sự chung và hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng.

Việc Tổng thống Erdogan công du ba quốc gia Hồi giáo với những kết quả đạt được cho thấy chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Ankara thông qua sự gắn kết tôn giáo không chỉ tiếp tục duy trì vị thế, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong thế giới Hồi giáo mà còn gia tăng quan hệ đối tác thương mại và ngoại giao cho cả Malaysia, Indonesia và Pakistan, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Đức Trí

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ba-diem-den-mot-muc-dich-cua-tong-thong-tho-nhi-ky-304130.html