Bà đẻ kiêng thế này chỉ hại mình hại con

Không chỉ kiêng ăn, uống, hay nằm một chỗ trên giường, nhiều bà đẻ còn khốn khổ bởi những thứ kiêng 'chết người' khác.

Nói "không" với việc tắm

Ngày ra viện, chị Ngoan (TP Việt Trì, Phú Thọ) hăm hở bế con về nhà với niềm tin sẽ được "gột rửa" thứ mồ hôi đáng ghét trên người từ hôm vào viện. Thế nhưng, niềm vui ấy tắt phụt khi mẹ chồng cấm tiệt chuyện gió, nước, nắng. Đã thế, chuyện đánh răng cũng bị can thiệp.

"Ông bà ta dạy rồi, bà đẻ trong tháng cữ không nên đánh răng vì dễ gây ra tình trạng buốt răng, ghê răng, rụng răng sớm sau này", bà chia sẻ kinh nghiệm với con dâu.

Được mấy bữa, Ngoan không chịu được, lén mẹ chồng đánh răng. Chỉ vì chuyện đó mà mẹ chồng cô nhấm nhẳng mãi. Nhưng chuyện tắm thì không thể lén được. Thế nên, lúc bạn thân cô lặn lội từ Hà Nội lên thăm đẻ, vừa bước vào phòng đã phải bịt mũi nói chuyện, khiến chính chủ nhà cũng phải đỏ mặt. Bà mẹ trẻ nhễ nhại, mướt mát mồ hôi trong bộ quần áo kín mít. Người ra người vào liên tục trong phòng kín khiến các loại mùi được dịp quyện vào nhau, rất khó chịu. Bà con, bạn bè đến thăm không dám nán lại lâu. Nhưng mẹ chồng chị nhất định không thay đổi cách chăm con dâu.

Sau khi sinh, sản phụ nên ăn uống, nghỉ ngơi khoa học để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Ảnh: Dương Ngọc

Chồng Ngoan là dân xây dựng, thường xuyên đi làm xa nhà. Hai người liên lạc chủ yếu qua điện thoại. Thế nhưng từ ngày con dâu sinh, mẹ chồng cấm luôn chuyện đó với lý do đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. Mỗi lần về nhà, dù nhớ vợ yêu con đến mấy nhưng chỉ được một lúc, anh cũng phải ngậm ngùi ôm gối ra phòng khách ngủ vì bà đã ra chỉ thị: Hạn chế tối đa ôm ấp em bé. Cẩn thận hơn, bà đã thiết kế sẵn cái chuông nhỏ, để nếu chị cần sự hỗ trợ nào, chỉ cần nhấn chuông, sẽ có người phục vụ, bởi bà cụ dặn đi dặn lại: Người lớn không được nói to, nói vọng, không nói nhiều, tránh về sau em bé... bị nói nhịu.

Ngại mẹ chồng, Ngoan không dám phản ứng gì mà chỉ ấm ức chịu đựng.

Bi hài chuyện "đốt vía"

Cũng với chuyện "đốt vía", ông Nguyễn Văn Liên (68 tuổi, xã Khánh An, Yên Khánh, Ninh Bình) bày tỏ quan điểm: "Có nhiều trường hợp, "vía" người rất độc. Hình như ở da người ta tiết ra một loại gì đó rất hại đối với sự nhạy cảm của trẻ sơ sinh.

Ví dụ: Người bị viêm mũi xoang dị ứng, hay da bị ngứa... cũng có thể gây nên tình trạng trẻ con bị ảnh hưởng, lúc về, người nhà phải mang gấu quần, gấu áo ra đốt để "đuổi vía".

Hoặc đám tang đi qua cửa nhà có trẻ con chưa được 3 tháng, người nhà phải mang bồ kết đốt ra hòng đuổi vía độc, khí lạnh. Tôi thấy nhiều người làm thế nhưng cũng không rõ vì sao. Các cụ kiêng thế, tôi cũng chỉ bảo con cháu thế”.

Với chị Hồng (Khoái Châu, Hưng Yên) thì lại khác. Nhà chị làm ăn buôn bán nên xem xét rất kỹ "vía" người. Chị Hồng có phen đỏ mặt với bạn bè khi bà mẹ chồng thể hiện sự chăm sóc "chu đáo".

Bạn chị từ Hà Nội về thăm. Do không biết "tục lệ" gia đình nên cứ thản nhiên vào phòng thăm hỏi. Đúng lúc đứa trẻ gắt ngủ, quấy khóc không ngừng, bà cụ đã mang trấu và bồ kết ra đầu sân đốt "vía".

Kiêng sao cho phải?

Cử nhân điều dưỡng Đặng Thị Nghĩa (BV Phụ sản HN): "Tránh nói to, nói nhiều, nói vọng theo một cách giải thích khác cũng là để giữ môi trường im lặng tuyệt đối cho bà mẹ và em bé được nghỉ ngơi. Điều này có thể có lý hơn, nhưng không liên quan gì đến việc có nói nhịu hay không.

BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y tế Lao động - HN): "Theo quan điểm của tôi, với một người khỏe mạnh, ngay từ lúc sau sinh 1-2 ngày đầu đã có thể tắm nhanh qua nước ấm được".

Giải thích nguồn gốc của những kiêng khem này, BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y tế lao động- Hà Nội) chia sẻ: Kiêng khem theo các cụ ta xưa có ý nghĩa rất thâm thúy và đầy tính nhân văn. Đó là một cái cớ để người phụ nữ được nghỉ ngơi chính đáng.

Tuy nhiên, việc không tắm rửa, vệ sinh cơ thể thì phản khoa học vô cùng. "Nếu trong phòng không khí không thoát được thì bà đẻ rất dễ bị nhiễm lao - đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp ngày trước bị hậu sản" - BS Dung cho hay.

Nhiều nơi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, sản phụ phải chờ sau khi con đầy tháng mới được tắm gội. Điều này rất sai lầm, bởi vì khi sinh, cơ thể sản phụ đã ra rất nhiều mồ hôi, sau sinh cũng thường xuyên ra mồ hôi, cộng thêm sự tiết sữa khiến cơ thể rất dễ bẩn, dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Vì thế, giữ gìn vệ sinh cơ thể sau sinh là vô cùng quan trọng.

Còn theo cử nhân điều dưỡng Đặng Thị Nghĩa (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), nguyên nhân sâu xa của việc kiêng tắm sau sinh là bởi miền Bắc nước ta khí hậu lạnh, độ ẩm cao, dễ bị cảm.

Đông y có câu: "Tiền sản sinh nhiệt, hậu sản sinh hàn". Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ tăng cường công suất hoạt động, tăng nhiệt cao nhất. Do đó, sau sinh, mọi cơ quan trong cơ thể "đòi" được nghỉ ngơi. Hơn thế, sau sinh, Đông y quan niệm các huyệt được mở ra, nếu tắm ngay khi cơ thể chưa hồi phục sẽ bị nhiễm lạnh.

Tuy nhiên, bà Đặng Thị Nghĩa cho biết, không có công thức nào chung cho việc quy định mấy ngày sau sinh được tắm, bởi tùy theo thể trạng của từng người. Do vậy, không cần phải kiêng tắm gội quá lâu, sau khi sinh đã có thể tắm gội, chỉ cần đảm bảo nước đủ ấm, phòng tắm kín gió và sản phụ phải tắm trong thời gian nhanh chóng (5-10 phút) để tránh bị cảm lạnh.

Đối với việc kiêng nói to, nói vọng, theo các chuyên gia sức khỏe sinh sản, chưa có một công trình nào công bố việc nói to hay nói vọng này sẽ gây ra "chứng nói nhịu" như dân gian vẫn thường kiêng. Có chăng, nó được giải thích bởi sự trùng hợp ngẫu nhiên tật nói nhịu phổ biến ở phụ nữ hơn, nhất là với phụ nữ nhiều tuổi.

Điều này có thể lý giải được bởi phụ nữ rất dễ mắc phải hội chứng suy nhược thần kinh dẫn đến mệt mỏi, không tập trung, ăn không ngon, ngủ không sâu giấc, giảm trí nhớ... nhưng lại bị "đổ lỗi" cho ngày trước lúc sinh nở không kiêng cữ.

Cũng theo bà Nghĩa, việc kiêng đàn ông, đặc biệt là người bố đến gần con trong những tháng đầu tiên là không có cơ sở, thậm chí lại không hề tốt. "Theo cá nhân tôi, không nên cách ly người bố với con mình. Bởi trong thời kỳ mang thai, giữa bố - con đã có mối liên hệ qua việc nói chuyện, đứa con đã quen với giọng của bố. Nay ra đời, cần hơn bao giờ hết sự nhận diện của bố mình, để thắt chặt thêm tình cảm”, bà Nghĩa chia sẻ.

Theo Sức khỏe đời sống

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/me-be/ba-de-kieng-the-nay-chi-hai-minh-hai-con-795229.html