Ba đạo diễn tài năng của Nhật Bản có duyên với giải thưởng quốc tế nhất

Ba vị đạo diễn tài năng như 3 vị thuyền trưởng lèo lái con tàu mang tên 'điện ảnh Nhật Bản' tiến về phía trước và vươn mình ra thế giới.

Dẫu cho làn sóng phim Shoujo, Live-action đang ồ ạt đổ bộ, 3 con người này vẫn chọn cho mình một hướng đi riêng nhưng đều có chung một mục đích là đưa nền điện ảnh Nhật Bản trở lại thời hoàng kim một lần nữa.

1. Koreeda Hirokazu

Koreeda Hirokazu được xem là đầu tàu trong nền điện ảnh Nhật Bản hiện tại. Với hơn 3 thập niên gắn bó với phim ảnh trong vai trò đạo diễn, Koreeda đã gầy dựng cho mình một bộ sưu tập những tác phẩm xuất sắc và hàng loạt danh hiệu, giải thưởng lớn nhỏ cả trong và ngoài nước.

Những bộ phim của đạo diễn Koreeda thường rất giản dị, đời thường, chậm rãi và không hề có sự kịch tính. Các phim của ông thường mang đề tài gia đình nên không mang tính thách đố, cũng như không phê phán hay chỉ trích bất kì ai. Nếu có thể dùng hai từ để nói về phim của Koreeda, thì đó chắc chắn sẽ là hai từ “dịu dàng”. Sự dịu dàng đến từ cốt truyện, các góc máy, nhân vật và cả những câu thoại trong phim.

Koreeda Hirokazu đã nhận được sự chú ý qua ba bộ phim đầu tay của ông là Maborosi (1995), After Life (1998) Distance (2001). Cả ba bộ phim như một luồng gió mới thổi vào nền điện ảnh Nhật Bản đang ngập tràn những tác phẩm cực đoan, nặng mùi chỉ trích. Nhưng phải đến năm 2004, khi bộ phim Nobody Knows ra mắt, cái tên Koreeda Hirokazu mới thực sự tạo được tiếng vang và vươn xa ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản. Không dừng lại ở đó, các tác phẩm tiếp theo của ông như Like Father Like Son (2013), After the Storm (2016)… đều nhận được sự đánh giá cao của người hâm mộ lẫn giới chuyên môn. Và gần đây nhất là bộ phim Shoplifters đã vinh dự nhận được giải thưởng Cành cọ vàng tại liên hoan phim Cannes năm 2018. Cây bút Geoff Andrew của tờ Time Out đã gọi Koreeda là: “Ozu của điện ảnh Nhật Bản đương đại”.

2. Kitano Takeshi

Kitano Takeshi là một đạo diễn cực kì đa tài và là gương mặt quen thuộc của LHP Venice. Ông không hề học qua các trường lớp đào tạo nào mà tự mình tìm hiểu về công việc đạo diễn. Không chỉ là đạo diễn, ông còn là một diễn viên, họa sĩ, nhà thơ, biên kịch… Chính vì đa tài và am tường nhiều mảng, nên các tác phẩm của Kitano rất độc đáo và khác biệt, thậm chí có thể dùng từ “quái dị” để miêu tả về phim của ông.

Hầu hết phim của Kitano đều nói về cái chết, bạo lực và sự tàn bạo trong thế giới ngầm Nhật Bản. Kitano thông qua cái ác, bạo lực trong phim để phê phán những mặt tối của con người và xã hội Nhật Bản đương đại. Ông nhận được giải thưởng Sư tử vàng tại LHP Venice vào năm 1997 với bộ phim Fireworks, và đây chính là bước đệm hoàn hảo giúp tên tuổi của ông được lan rộng ra trên thế giới.

Một điểm độc đáo nữa là Kitano rất thường xuyên đóng chính trong các phim do mình đạo diễn và biên kịch. Khán giả Việt Nam biết nhiều đến ông qua bộ phim chuyển thể từ truyện tranh cực kì nổi tiếng là Battle Royale (2000).Bên cạnh những phim mang tính bạo lực và đen tối, Kitano cũng thử mình với những thể loại tâm lý, gia đình, thậm chí là và nhận được rất nhiều sự khen ngợi. Nổi bật nhất trong đó phải kể đến phim Kikujiro (1999) Achilles and the Tortoise (2008). Không hề bó buộc mình vào bất kì nguyên tắc nào, Kitano Takeshi thực sự là một thiên tài quái dị trong nền điện ảnh Nhật Bản.

3. Naomi Kawase

Giống như Koreeda Hirokazu, đạo diễn Naomi Kawase thường xuyên là khách mới danh dự tại liên hoan phim Cannes. Có thể nói trong số 3 đạo diễn tài năng này, thì phim của Naomi Kawase được đánh giá là kén người xem nhất. Phim của bà hầu như không có khái niệm “plot twist”, kịch tính hay hành động… Nếu miêu tả phim của Koreeda là sự dịu dàng, thì ở Naomi chính là chất thơ và sự tĩnh lặng. Về nội dung, những phim của bà khai thác yếu tố tâm linh của con người và thiên nhiên, đặc biệt luôn chú trọng vào giá trị truyền thống văn hóa của Nhật Bản. Chính vì những yếu tố kể trên, nên phim của Naomi thiên về nghệ thuật nhiều hơn là giải trí, và hiển nhiên là không phù hợp với đa phần lứa khán giả trẻ tuổi.

Trước khi nhận giải thưởng danh giá Máy quay vàng tại LHP Cannes năm 1997 với bộ phim điện ảnh đầu tay là Sukazu, đạo diễn Naomi Kawase từng được giới chuyên môn chú ý bởi các bộ phim độc lập được chính bà tự đạo diễn và đóng vai chính. Những năm sau đó, các bộ phim của bà liên tục được góp mặt và đánh giá cao ở LHP danh giá này, có thể kể đến như The Mourning Forest (2007), Still the Water (2014) hay gần đây nhất là Radiance (2017). Vào năm 2017, khán giả Việt Nam đã được thưởng thức bộ phim điện ảnh đầy cảm động và nhân văn của bà ở là Sweet Bean ở LHP Nhật Bản.

Dù ở thời đại nào đi nữa thì nền điện ảnh Nhật Bản vẫn luôn sản sinh ra những đạo diễn xuất chúng để làm nên những bộ phim có giá trị trường tồn mãi với thời gian.

JUS

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/ba-dao-dien-tai-nang-cua-nhat-ban-co-duyen-voi-giai-thuong-quoc-te-nhat-4289235.html