Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh thay Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình gia nhập Công ước 98

Được sự ủy quyền của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98.

Sáng 29/5, Quốc hội nghe tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là 1 trong 8 nguyên tắc cơ bản của ILO, được hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 1/7/1949. Tính đến tháng 1/2019, có 165 trên tổng số 187 quốc gia của ILO tham gia công ước này.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế, quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế-xã hội.

Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể có 16 Điều. Nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 6, từ Điều 7 đến Điều 16 là các quy định về thủ tục.

Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản.

Cụ thể: Thứ nhất là bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn. Điều 1 Công ước số 98 quy định người lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng trước những hành vi phân biệt đối xử liên quan đến mọi khía cạnh việc làm của họ vì lý do tham gia thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn hợp pháp.

Thứ 2 là bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động. Điều 2 Công ước số 98 quy định các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng chống lại mọi hành vi can thiệp của bên kia hoặc của những đại diện hay thành viên của bên kia trong quá trình thành lập, hoạt động hoặc điều hành hoạt động của mình.

Thứ 3 là những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện. Công ước số 98 xác lập nguyên tắc tự nguyện trong thương lượng tập thể, đồng thời quy định về trách nhiệm của nhà nước trong việc thúc đẩy thương lượng tập thể được thực hiện một cách tự nguyện.

Việc bảo đảm tính tự nguyện của thương lượng tập thể chủ yếu liên quan đến những nội dung về quyền tự định đoạt của các bên về nội dung thương lượng; về việc có đạt được thỏa ước thông qua thương lượng hay không; về thành phần tham gia thương lượng; về cấp độ thương lượng; về các nghĩa vụ của các bên trong quá trình thương lượng tập thể...

Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ và thúc đẩy thương lượng tập thể giữa các bên, song đó phải là những biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ không mang tính hành chính, áp đặt nhằm bảo đảm tính tự nguyện của các bên.

Công ước số 98 là điều ước quốc tế đa phương, được gia nhập với danh nghĩa Nhà nước. Công ước có hiệu lực với Việt Nam sau 12 tháng kể từ khi văn kiện gia nhập của Việt Nam được đăng ký với Tổng giám độc Văn phòng ILO.

Công ước có hiệu lực vô thời hạn, tuy nhiên sau khi gia nhập, Việt Nam có thể rút khỏi Công ước khi kết thúc thời hạn 10 năm kể từ ngày Công ước có hiệu lực bằng cách thông báo với Tổng giám đốc Văn phòng ILO để đăng ký việc rút khỏi Công ước.

Công ước sẽ được áp dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên việc áp dụng Công ước cho lực lượng vũ trang và công chức sẽ do pháp luật Việt Nam quy định.

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ba-dang-thi-ngoc-thinh-thay-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-trinh-bay-to-trinh-gia-nhap-cong-uoc-98-d477464.html