Bà Chu Thị Bình: Eximbank đang 'dẫn dắt' thông tin theo hướng bất lợi cho khách hàng?

Bà Chu Thị Bình, người có tài khoản tiết kiệm 245 tỷ đồng bị 'bốc hơi' tại Eximbank tỏ ra vô cùng thất vọng với cách trả lời vô trách nhiệm này của Eximbank khi nói rằng ngân hàng này làm sai quy trình nhưng nếu không có chữ ký của khách hàng thì sai phạm khó xảy ra. Bà Bình cho rằng, Eximbank đang dẫn dắt thông tin theo hướng bất lợi cho khách hàng.

Sai quy trình nhưng khách đã rút tiền?

Cụ thể, trong một bài phỏng vấn mới đây, ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank cho rằng, quy trình giao dịch của Eximbank được xây dựng tuân theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước và phù hợp với các quy định của pháp luật. Vụ việc xảy ra đúng là có khâu ông Hưng thực hiện sai quy trình. Nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan sẽ được xác định rõ trong quá trình tố tụng.

2 cán bộ Eximbank chi nhánh TP.HCM bị bắt để điều tra vụ làm mất 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình (Ảnh: Quốc Hải)

Tuy nhiên ông Quyết cũng cho rằng, vụ việc mất tiền khó có thể xảy ra nếu không có chữ ký và chứng từ do chính khách hàng ký. Ông Quyết chỉ ra rằng, 3 sổ tiết kiệm bà Chu Thị Bình đang giữ đều đã được rút theo lệnh, do bà Bình trực tiếp ký hoặc ủy quyền, có chữ ký của bà Bình.

Cụ thể: Chuyển khoản theo lệnh chi do bà Bình trực tiếp ký số tiền 198 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của bà Bình tại Ngân hàng BIDV và VCB. Và chuyển khoản theo lệnh do bà Bình trực tiếp ký số tiền 36,7 tỷ đồng vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Hồng Lê. Bà Nguyễn Thị Hồng Lê đã rút 25,2 tỷ đồng theo ủy quyền có chữ ký của bà Bình (theo thông báo của Cơ quan CSĐT - C44 thì chữ ký của bà Bình là thật).

Ngày 21.6.2017, bà Bình đã trực tiếp đến rút tiền tại Ngân hàng với số tiền 59 tỷ đồng còn lại (bao gồm cả lãi phát sinh).

Như vậy, toàn bộ số tiền ở 3 sổ tiết kiệm trên đã được bà Bình rút trực tiếp hoặc thông qua ủy quyền có chữ ký của bà Bình. Số dư hiện tại bằng “0”. Việc bà Bình tiếp tục giữ các sổ tiết kiệm là theo một thỏa thuận đã ký với ngân hàng tại lần trực tiếp tất toán cuối cùng.

Theo ông Quyết, việc bà Bình cho rằng tất cả các lần rút trước đó bà không trực tiếp thực hiện hay ủy quyền ai rút thì phải chờ cơ quan chức năng làm rõ.

Về vấn đề Eximbank hứa khi có kết luận điều tra sẽ trả lại tiền. Tuy nhiên đến nay đã có kết quả điều tra với nội dung ngân hàng phải chịu trách nhiệm về quyền lợi của khách hàng nhưng Eximbank vẫn chờ phải ra tòa, ông Quyết cho rằng, văn bản mà C44 gửi cho bà Bình và Eximbank là “thông báo kết quả điều tra”, chưa phải là... kết luận điều tra.

Tôi sợ lắm hai từ... “khách VIP”

Liên quan đến cách lập luận của Eximbank, bà Chu Thị Bình cho biết, không thể phủ nhận được là đại diện Eximbank luôn đi trước và rất... “uyển chuyển” trong việc cung cấp thông tin, “dẫn dắt” báo chí theo hướng bất lợi cho khách hàng của mình.

Cụ thể, theo bà Bình, ông Quyết chỉ công bố việc chữ ký của bà trên một số giấy tờ ủy quyền, rút tiền được C44 giám định là thật nhưng lại cố tình lờ đi 2 thông tin hết sức quan trọng. Thứ nhất, chữ ký của người được ủy quyền - bà Nguyễn Thị Hồng Lê - là chữ ký giả. Thứ hai, cả bà và bà Lê chưa bao giờ đến Ngân hàng Eximbank làm thủ tục ủy quyền và các nhân viên của Eximbank (ông Hưng và một số nhân viên khác) đã biết nhưng vẫn cố tình làm sai thủ tục, quy trình ủy quyền, rút tiền do chính Eximbank quy định.

Nhiều cán bộ, nhân viên Eximbank đã rơi nước mắt khi 2 cán bộ bị bắt

“Rõ ràng, lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát tại Chi nhánh Eximbank TP.HCM đã tạo điều kiện cho ông Hưng thao túng toàn bộ hoạt động ủy quyền, rút được tiền từ Eximbank để chiếm đoạt mà không có sổ tiết kiệm, chứng từ gốc từ khách hàng trong một thời gian dài (từ trước năm 2014 đến tháng 3.2017 - PV) mà không bị phát hiện. Tôi cho rằng, Eximbank đã biết rõ về các tình tiết nói trên bởi tất cả các thông tin, tài liệu liên quan đã được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công An (C44) xác minh và cho phép các bên liên quan tiếp cận”, bà Bình khẳng định.

Cũng theo bà Bình, Eximbank không nói rõ với báo chí việc chữ ký của bà Lê - người được ủy quyền - đã được C44 xác định là giả. Điều này có nghĩa là chính bà Lê cũng không ký vào các giấy ủy quyền do nhân viên của Eximbank lập mà ông Hưng đã làm giả chữ ký, sử dụng thủ đoạn lừa dối để có được chữ ký của bà Bình để rút tiền.

“Bà Lê đã được Cơ quan điều tra triệu tập làm việc, đã khẳng định rõ chưa từng quen biết tôi, cũng chưa từng gặp gỡ hay có mặt tại Eximbank để ký các giấy tờ này. Thú thật giờ tôi sợ lắm 2 từ "khách VIP của Eximbank”, bà Bình thổ lộ.

Luật sư Đinh Ánh Tuyết, đại diện của bà Chu Thị Bình, cũng cho rằng, theo quy định của pháp luật và chính Quy chế của Eximbank quy định về thủ tục ủy quyền (Khoản 2, Điều 16, Quyết định ban hành quy chế tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Eximbank Việt Nam số 5356/2014/EIB/QĐ-HĐQT ngày 08.9.2014 của Hội đồng Quản trị Eximbank Việt Nam) thì các giấy ủy quyền nói trên là giả, không có giá trị. Hơn nữa, trong vụ việc này, còn có rất nhiều chứng từ rút tiền mà chữ ký của bà Bình và người gửi tiền đều được giám định là là giả nhưng ông Hưng vẫn sử dụng được để rút tiền từ Eximbank.

“Nếu các nhân viên của Eximbank làm đúng thủ tục, quy trình trong việc lập giấy ủy quyền và yêu cầu cung cấp đủ giấy tờ nhân thân, sổ tiết kiệm gốc khi làm thủ tục ủy quyền, rút tiền, thì chắc chắn ông Lê Nguyễn Hưng, cho dù là Phó Giám đốc chi nhánh, cũng không thể rút được tiền của bà Bình từ ngân hàng”, bà Tuyết khẳng định.

Đến thời điểm hiện tại, có 5 nhân viên ngân hàng Eximbank TP.HCM được xác định có liên quan đến vụ mất 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình.

Cụ thể, ngoài bà Hồ Ngọc Thủy và bà Nguyễn Thị Thi bị bắt đầu giờ chiều ngày 26.3, ngày 27.3, có thêm 3 nhân viên Ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM bị khởi tố gồm: bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan và Cao Lan Phương. Cả 3 nhân viên này đều bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp".

Quốc Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/ba-chu-thi-binh-eximbank-dang-dan-dat-thong-tin-theo-huong-bat-loi-cho-khach-hang-861154.html