Bà chủ khách sạn 7 tầng xây trái phép trên đèo Mã Pí Lèng là ai?

Chủ đầu tư của công trình bê tông 7 tầng được ví như 'cái răng sâu' hay 'cái gai bê tông' trên Mã Pí Lèng này chính là một người phụ nữ có tên Vũ Thị Ánh, hộ khẩu thường trú tại TP Hà Giang.

Liên quan đến tòa nhà Panorama cao 7 tầng tọa lạc trên đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) khiến cộng đồng phẫn nộ trong những ngày qua, được biết tòa nhà này có tên gọi là Mã Pì Lèng Panorama Hotel.

Qua tìm hiểu, chủ đầu tư của công trình bê tông 7 tầng được ví như "cái răng sâu" hay "cái gai" trên Mã Pí Lèng này chính là một phụ nữ ở TP Hà Giang tên Vũ Thị Ánh (SN 1962), có hộ khẩu thường trú tại TP Hà Giang.

Thông tin sơ bộ cho thấy, bà Ánh đã được sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hà Giang cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với mục đích sử dụng là Đất trồng cây hàng năm khác chứ chưa phải đất thổ cư, đất xây dựng. Tòa nhà Panorama này cũng chưa được cấp Giấy phép xây dựng.

Tòa nhà trái phép trên đèo Mã Pí Lèng nằm ở ngay hẻm vực Tu Sản với nền móng cắm thẳng bên triền dốc bên hông đèo Mã Pí Lèng. Công trình được khởi công từ đầu năm 2018, thiết kế với chiều cao 7 tầng đuổi nhau từ dưới lên mặt đường, đến năm 2019 chính thức hoạt động kinh doanh nhà nghỉ, nhà hàng.

Bên ngoài, công trình được gắn biển tên Mã Pí Lèng Panorama, Hostel – Restaurant – Coffe. Bên trong, ngay gần cửa là quầy bar, quầy thu ngân và khu vực pha chế đồ uống. Tại khu quầy bar có ghi giá phòng nghỉ với các mức giá khác nhau từ 250.000 đồng đến 750.000 đồng/đêm.

Khách sạn nằm ngay trên đèo Mã Pí Lèng.

Khách sạn nằm ngay trên đèo Mã Pí Lèng.

Phía ngoài quầy bar là khu vực ban công rộng, được thiết kế lắp đặt bằng thép và bê tông, tạo thành điểm chính để khách sử dụng dịch vụ ngắm toàn cảnh cao nguyên và sông Nho Quế.

Khách sạn này đã đăng ký thông tin trên một số website đặt phòng khách sạn trực tuyến như Agoda hay Booking.com, quảng cáo về mình với các hình ảnh về nội thất bên trong phòng nghỉ và khu vực nhà hàng ngoài trời.

Nguồn thông tin riêng của báo Giao thông cho biết, ngoài làm chủ khu khách sạn, nghỉ ngơi, ăn uống Panorama trái phép, bà Ánh còn là chủ của một quán cà phê khá nổi tiếng nằm ở phường Trần Phú, TP. Hà Giang.

"Bà Ánh chỉ kinh doanh bình thường chứ không phải là cán bộ, viên chức nhà nước. Con cái cũng không công tác tại cơ quan nhà nước nào của tỉnh", nguồn tin cho biết.

Cách đây 3 tuần, trên trang facebook cá nhân, bà Vũ Thị Ánh đã đăng đoạn video phát trực tiếp để giới thiệu về cảnh thiên nhiên hùng vĩ của đèo Mã Pí Lèng cũng như việc xây dựng, sửa chữa, kinh doanh của mình tại khách sạn Panorama. Theo lời nói của bà Ánh trong đoạn video, bà đã phải phá dỡ nhiều vị trí để xây dựng kiên cố thay vì ốp lát, hàn xì, dính keo... Thậm chí bà đã "đập hết đi để làm lại".

Quay ngược lại thời điểm ngày 24/6/2019, trước thông tin báo chí phản ánh về việc danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pí Lèng bị xâm phạm, đoàn công tác của Sở VH, TT&DL Hà Giang đã có buổi làm việc với các phòng, ban huyện Mèo Vạc và bà Vũ Thị Ánh để xem xét, đánh giá các giấy tờ có liên quan đến công trình.

Qua kiểm tra hồ sơ, vị trí công trình Panorama đang tồn tại chính là điểm dừng chân hẻm vực Tu Sản Mã Pí Lèng, từng được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang giao huyện Mèo Vạc chủ trì phối hợp với Ban quản lý công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đầu tư, xây dựng với nguyên tắc "sử dụng tối đa nguyên liệu tại chỗ, không phá vỡ cảnh quan khu vực".

Ở một văn bản khác, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu, UBND huyện Mèo Vạc kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương triển khai thi công điểm dừng chân Mã Pí Lèng.

Cụ thể, văn bản có nội dung: "Đồng ý cho chủ trương mở rộng cua khu vực ngắm cảnh hẻm vực Mã Pì Lèng (mở rộng cua vào ta-luy dương không quá 2m, tận dụng đá làm nguyên vật liệu xây dựng).

Giao UBND huyện phối hợp với chủ đầu tư triển khai thực hiện đảm bảo cảnh quan và an toàn giao thông trên tuyến".

Tuy nhiên, trong văn bản cũng nêu rõ, cả 2 văn bản trên không nói đến việc xây dựng nhà nghỉ, nhà hàng.

Trong khi đó, tại thời điểm kiểm tra, dù công trình này đã đi vào hoạt động nhưng chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng; chưa được cấp giấy phép xây dựng và công trình chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ VH, TT&DL.

"Trách nhiệm này thuộc về UBND huyện Mèo Vạc và chủ đầu tư", sở VH, TT&DL Hà Giang báo cáo.

Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ba-chu-khach-san-7-tang-xay-trai-phep-tren-deo-ma-pi-leng-la-ai-a451671.html