Ba Chẽ - Vành đai xanh lớn nhất vùng Đông Bắc bộ

Ba Chẽ, huyện rẻo cao Quảng Ninh nổi tiếng hàng trăm năm nay về lâm sản và lâm sản sau gỗ. Nhưng những cây rừng tứ thiết và tre nứa dần bị mất đi, thay bằng giống cây nhập ngoại như keo, bạch đàn... chúng cho lợi nhuận trước mắt, về lầu dài thì kém cây bản địa. Ba Chẽ đang sắp xếp lại cây rừng, khôi phục lại cây rừng có giá trị lâu dài.

Ba Chẽ khôi phục lại giống cây thông nhựa, loài cây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương.

Ba Chẽ khôi phục lại giống cây thông nhựa, loài cây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương.

Trên 80% dân số huyện Ba Chẽ là đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 56.691ha, chiếm 93,4% tổng diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất rừng sản xuất là 48.844ha, đất phòng hộ là 7.847,2ha (đất có rừng là 6.420,3ha, đất trống là 1.426,8ha). Ba Chẽ thuần rừng, là vành đai xanh lớn và có con sông dài nhất vùng Đông Bắc bộ (150km) không bắt nguồn từ nước ngoài, vò nước sạch riêng của Việt Nam.

Ba Chẽ từng nổi tiếng một vùng, trên cao những cánh rừng đại ngàn đinh, lim, sến, táu. Dưới thấp, tre, nứa ken kín mặt đất, còn bạt ngàn ba kích, dây leo. Những cánh rừng nguyên sinh bị mất đi trong lịch sử thay bằng cây keo, cây bạch đàn, chúng cũng có giá trị nhất định mà người địa phương gọi là cây “xóa đói giảm nghèo”. Cây xóa đói giảm nghèo, nhưng nghịch lý chúng không thể làm giàu được. Đặt một bài toán đơn giản, 1ha cây keo không có giá trị kinh tế bằng 1ha tre nứa, các cây tứ thiết còn có giá trị hơn nhiều.

Loại cây keo, cây bạch đàn vòng đời ngắn (từ 5 - 7 năm), thời điểm sau thu hoạch mặt đất lộ thiên, phong hóa và bị sói mòn lớp đất màu. Rừng trồng keo, bạch đàn, lớp thực bì phía dưới khó sống, nên khả năng giữ nước kém, trời nắng đất khô cằn, mưa dễ tạo lũ quét.

Một góc Ba Chẽ - huyện rẻo cao thuần rừng, lâm nghiệp là ngành kinh tế chính.

Trong 5 năm (2016 - 2020), huyện Ba Chẽ đã trồng được 16.400ha rừng sản xuất, là địa phương có diện tích trồng rừng lớn nhất tỉnh và chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của Quảng Ninh.

Nét mới, từ năm 2018, Ba Chẽ đã xây dựng đề án trồng rừng gỗ lớn, phát triển lâm sản sau gỗ, dưới tán lá cây cao là dược liệu. Hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha (bình quân mỗi năm trồng mới trên 600ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa trên 1.000ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn).

Trong 2 năm (2018 - 2019), địa phương đã trồng được 956ha rừng gỗ lớn như phục hồi giống lim xanh, trồng thông nhựa. Phát triển vùng dược liệu trà hoa vàng, ba kích tập trung được 296ha (ba kích tím 112ha, trà hoa vàng 184ha). Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2019 đạt 192 tỷ đồng, tăng 111 tỷ đồng so với năm 2016. Nâng tỷ lệ che phủ của rừng trên địa bàn huyện từ 69,9% năm 2016 lên 72% năm 2020. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ đóng vai trò chủ lực, phát triển rừng bền vững được 1.500ha, 3.29ha được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC.

Năm 2020, huyện Ba Chẽ tỷ lệ che phủ của rừng đạt 72%.

Ba Chẽ sắp xếp lại cây rừng, phấn đấu đến năm 2025 phát triển thêm 800ha dược liệu quý gồm: Ba kích 384ha, trà hoa vàng 189ha, dược liệu khác 227ha; quản lý bảo vệ và sử dụng bền vững 56.691,2ha đất được quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó tập trung quản lý tốt 12.549,7ha rừng tự nhiên; đưa năng suất bình quân rừng trồng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh, đạt 20m3/ha/năm; sản lượng gỗ rừng trồng đạt từ 100.000 đến 150.000 m3/năm; đặc biệt là giữ vành đai xanh lớn nhất vùng Đông Bắc bộ.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ba-che-vanh-dai-xanh-lon-nhat-vung-dong-bac-bo-290545.html