Ba Chẽ hướng nghề thêu phục vụ du lịch

Hiện nay trên địa bàn huyện Ba Chẽ có 3 CLB thêu thổ cẩm ở các xã Thanh Sơn, Đồn Đạc và Nam Sơn. Trước đây, các CLB này chỉ chú trọng thêu những bộ quần áo cho chị em trong xã, nhưng nay họ đang tìm cách vươn xa hơn.

Tháng 10 vừa qua, huyện Ba Chẽ đã hoàn thành lớp truyền dạy nghề thêu thổ cẩm ứng dụng trên chất liệu hiện đại cho 25 thành viên là các chị em Dao Thanh Phán, ở các thôn Làng Cổng và Nà Bắp xã Đồn Đạc. Các giảng viên lớp học lần này không phải là những người biết thêu của huyện, mà là các giảng viên đến từ Công ty Thiết kế thời trang KR và Công ty Sơn nữ Amuikeo (Hà Nội). Các sản phẩm được học thêu trong đợt này cũng đa dạng, không chỉ là dùng trong cộng đồng người Dao, mà hướng tới phục vụ khách du lịch như miếng lót ly, áo nam nữ, túi xách, túi đựng điện thoại, ví đựng đồ dùng...

Các thành viên lớp học thêu và các sản phẩm thực hành của học viên sau khóa học. Ảnh: Bình Minh (Trung tâm TT-VH huyện Ba Chẽ)

Các thành viên lớp học thêu và các sản phẩm thực hành của học viên sau khóa học. Ảnh: Bình Minh (Trung tâm TT-VH huyện Ba Chẽ)

Anh Hà Ngọc Tùng, Trưởng Phòng VH&TT huyện Ba Chẽ, cho hay: Chúng tôi muốn thay đổi cách nghĩ của chị em phụ nữ Dao Thanh Phán, trước đây thêu thổ cẩm chỉ để phục vụ bản thân hay những người trong gia đình mình. Họ cần hướng tới sản xuất hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.

Tuy Ba Chẽ chưa phát triển mạnh du lịch, du khách đến huyện còn hạn chế, thế nhưng mục đích của các CLB thêu thổ cẩm Ba Chẽ sẽ đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn, đến các địa phương phát triển tốt du lịch như: Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô khi sản phẩm thêu của họ đạt chất lượng.

Trong lớp học, các chị em đều đã tự biết thêu các bộ quần áo Dao của mình nên họ nắm bắt rất nhanh. Chị Chìu A Múi, ở thôn Nà Bắc, xã Đồn Đạc, cho biết: Tôi chỉ học 4 buổi là biết thêu thành thạo. Bởi trước đó tôi đã biết tự thêu những bộ quần áo truyền thống cho chính mình.

Trong những năm gần đây, để giúp người dân giữ gìn tốt bản sắc dân tộc, các đơn vị chức năng của huyện Ba Chẽ đã mở nhiều đợt tuyên truyền người dân thường xuyên mặc quần áo của dân tộc mình, kể cả trong sinh hoạt hàng ngày. Các trường học có đông người dân tộc thiểu số, các giáo viên cũng vận động khuyến khích học sinh mặc quần áo dân tộc mình khi đến trường. Huyện còn chú trọng tổ chức lễ hội các dân tộc thiểu số trên địa bàn, để bà con người dân tộc có dịp diện, khoe các bộ quần áo mang bản sắc dân tộc mình. Từ đó, nhu cầu để có những bộ quần áo mang bản sắc dân tộc của chị em rất cao.

Thế nhưng để thêu được bộ quần áo thường mất rất nhiều thời gian. Trước đây do cuộc sống khó khăn, nhất là đường sá nên chị em ít khi ra khỏi làng. Những lúc rảnh rỗi, chị em phụ nữ thường thêu quần áo thổ cẩm, có khi phải mất hàng tháng hoặc vài tháng mới xong một bộ.

Sau khi được học, chị em phụ nữ người Dao đã làm được nhiều sản phẩm hơn. Ảnh: Bình Minh (Trung tâm TT-VH huyện Ba Chẽ)

Ngày nay, đời sống đã đổi thay nhiều, phụ nữ Dao cũng bận rộn hơn. Họ làm việc trong các công sở hay ở các khu công nghiệp, nên họ cũng rất ít thời gian. Nhiều phụ nữ biết thêu họ cũng không tự thêu những bộ quần áo cho mình, vì ảnh hưởng nhiều đến công việc của họ. Do vậy, cần những dịch vụ thêu ra đời.

CLB Thêu thổ cẩm Dao Sán Chay ở thôn Lò Vôi, xã Nam Sơn có 21 hội viên. Bà Bàn Thị Bích, 68 tuổi, là thành viên của CLB thêu, cho biết: Trước đây, tất cả phụ nữ chúng tôi đều phải biết thêu, vì khi đó không biết thêu đồng nghĩa với mình không có quần áo mới để mặc. Ngày nay, phụ nữ không biết thêu có thể mua hoặc đặt người khác làm cho mình. Như thế đã tạo việc làm cho những người phụ nữ biết nghề thêu như chúng tôi.

Vậy là nghề thêu truyền thống của Ba Chẽ đã dần đi vào hướng chuyên nghiệp, không chỉ là phục vụ bản thân hay làng xã, mà đang dần hướng tới phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202011/ba-che-huong-nghe-theu-phuc-vu-du-lich-2508318/