Ba Chẽ - Đổi mới cách nghĩ, cách làm để giảm nghèo bền vững - Bài 1: Đi tìm lời giải cho 'bài toán' thoát nghèo

Ba Chẽ luôn phải gồng mình vượt qua khó khăn của một miền sơn cước heo hút với địa thế mà người xưa gọi là 'Sơn khu tứ tắc' (Núi đồi kín đáo cả bốn mặt). Đứng trước bộn bề khó khăn, thử thách, nhưng với ý chí tự lực tự cường, đoàn kết vươn lên, không chấp nhận đói nghèo, tụt hậu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện. Ba Chẽ đã tạo ra những đột phá trong công tác giảm nghèo bền vững.

Nguyên nhân sự đói nghèo?

Ba Chẽ luôn được biết đến là một huyện miền núi với các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao bởi: Trình độ dân trí thấp, hạ tầng cơ sở hạn chế, giao thông đi lại khó khăn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo chưa phù hợp... Đặc biệt nhiều hộ mang nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của xã hội, nhà nước, không nỗ lực phấn đấu vươn lên để thoát nghèo, thậm chí không muốn được công nhận thoát nghèo.

Hiện nay hộ dân xa nhất của thôn Khe Vang, xã Đồn Đạc đường giao thông được bê tông hóa vừa hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 9/2019.

Hiện nay hộ dân xa nhất của thôn Khe Vang, xã Đồn Đạc đường giao thông được bê tông hóa vừa hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 9/2019.

Chúng tôi đến thôn Khe Vang xã Đồn Đạc, ông Ty Xí Sằn, cán bộ LĐ-TB&XH xã Đồn Đạc, đi cùng chúng tôi cho biết: Khe Vang là thôn xa nhất, từ trung tâm xã đến thôn hơn 17km, trước đây Khe Vang nghèo lắm, đường sá đi lại khó khăn mỗi khi cán bộ xã đi xuống thôn nắm tình hình, phải mất 2 ngày. Nay nhờ nguồn vốn 196, nông thôn mới tuyến đường bê tông đến tận ngõ ngôi nhà cuối cùng trong thôn. Đời sống người dân trong thôn đang dần khởi sắc.

Đi tìm hiểu đời sống người dân trong thôn, minh chứng cho chúng tôi thấy về tư tưởng trông chờ ỷ lại vẫn còn trong người dân. Bởi lẽ những hộ dân nào trong thôn tự lực vươn lên thoát khỏi tư tưởng trông chờ vào nhà nước, chịu khó làm ăn thì đời sống được nâng lên, nhà ngói xây khang trang kiên cố. Có hộ bỏ tiền tỷ ra xây nhà, nhưng vẫn còn có hộ vẫn ở nhà lụp xụp chưa được cứng hóa. Anh Triệu A Hai, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khe Vang cho biết: Thôn có 52 hộ với 230 khẩu, người dân chủ yếu sống dựa vào lâm nghiệp. Nếu như 10 năm trước mới chỉ có một hộ nhà ông Quay Hẻm có nhà kiên cố, nay có 30 hộ ở nhà xây dựng khang trang nhờ làm vườn rừng. Nhưng trong thôn vẫn còn một số hộ đang ở nhà vách, nhà tạm.

Căn nhà vách gỗ của gia đình chị Lý Thu Thảo và Lục A Song, thôn Khe Vang, xã Đồn Đạc.

Đến thăm gia đình anh chị Lý Thu Thảo và Lục A Song, thôn Khe Vang trong căn nhà vách gỗ, chị chia sẻ: Chị người Đắc Lắc theo chồng về sống ở đây, đời sống khó khăn, chị bán chút đồ tạp hóa, nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu còn chồng thì ai thuê thì đi làm rừng nên đời sống rất khó khăn.

Câu chuyện thoát nghèo trong thanh niên

Còn nhớ đầu năm 2013, trong một lần đi làm về thoát nghèo trong thanh niên của huyện Ba Chẽ, chúng tôi vẫn nhớ như in câu nói của anh Triệu Kim Phượng, Bí thư Chi đoàn thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc đó là: “Tôi thấy bản thân mình là thanh niên, có sức khỏe, hơn nữa đất đai ở đây rất màu mỡ mà mình cứ nghèo nên tôi cảm thấy rất xấu hổ. Khi được tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế, tôi và gia đình hưởng ứng ngay. Đầu tiên, tôi mạnh dạn đầu tư vào trồng các loại cây như quế, sa mộc. Đến nay, diện tích rừng của gia đình tôi phát triển tương đối tốt, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững”.

Anh Triệu Kim Phượng (thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) chăm sóc đồi quế của gia đình.

Khi đó, đến hết năm 2012, trong thanh niên số hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao, có tới 483 hộ gia đình thanh niên nghèo và 187 hộ cận nghèo. Với quyết tâm “vạch đường, chỉ lối” để gần 700 hộ thanh niên nghèo và cận nghèo vượt lên chính mình, đầu tháng 3/2013, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Chẽ ban hành Nghị quyết “về đẩy mạnh thực hiện giảm nghèo bền vững trong đoàn viên thanh niên”.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống của đoàn viên thanh niên, BCH Huyện Đoàn và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình thanh niên nghèo, cận nghèo để từ đó từng bước thay đổi cách nghĩ cách làm, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trồng rừng và phát triển kinh tế từ rừng, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa trong đoàn viên thanh niên. Cùng với đó, các cơ sở đoàn đã tổ chức gặp mặt những hộ thanh niên nghèo và cận nghèo để tuyên truyền, vận động, tư vấn về các mô hình, dự án phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 26 và 36 của HĐND huyện về một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp huyện Ba Chẽ, như các dự án: Trồng nấm linh chi; nuôi gà đồi, ngan đen địa phương; nuôi lợn hướng nạc tập trung; dự án phát triển cây kim ngân; phát triển cây hương bài; nuôi ong mật... Nhờ đó nhiều thanh niên đã nắm bắt được các cơ chế, chính sách hỗ trợ, có kinh nghiệm, biết tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.

Người thanh niên dân tộc Dao Chìu Quý Nguyên, thôn Đồng Dằm, xã Đạp Thanh, thoát nghèo từ mô hình nuôi gà. Ảnh: Cao Quỳnh

Do là huyện miền núi, một bộ phận thanh niên có nhận thức còn hạn chế trong việc phát triển kinh tế gia đình, sức ỳ vào sự hỗ trợ trong thanh niên còn lớn. Chính vì vậy, các cơ sở đoàn trong toàn huyện luôn chú trọng đến việc hướng dẫn thanh niên cách làm ăn, mở các lớp tập huấn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, lớp tập huấn ngắn ngày để thanh niên nắm bắt và ứng dụng vào sản xuất. Cùng với đó, triển khai và nhân rộng các mô hình, các dự án phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là phát huy thế mạnh của huyện là trồng rừng.

Từ những việc làm thiết thực, cụ thể, sự hưởng ứng và vào cuộc của thanh niên đã xuất hiện nhiều gương điển hình, tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình, đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên cùng làm theo.

Qua gần 6 năm triển khai Nghị quyết, trong tổng số 483 hộ thanh niên nghèo, tổ chức đoàn đã giúp đỡ được 444 hộ đã thoát nghèo. Ông Đỗ Khánh Tùng, Phó Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ cho biết: Kết quả quan trọng nhất trong thực hiện Nghị quyết 11 đó là sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, suy nghĩ và hành động của nhiều thanh niên. Tuy nhiên thực tế cho thấy, số hộ thanh niên thoát nghèo chưa cao, tỷ lệ thanh niên còn nghèo và cận nghèo còn nhiều, cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 29,48%. Chính vì vậy, thời gian tới huyện tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện để những thanh niên còn nghèo thay đổi cả về tư duy và hành động, và quan trọng hơn cả là mỗi thanh niên còn nghèo và cận nghèo cần chủ động hơn, tích cực hơn, phát huy sức trẻ, phát huy thế mạnh và điều kiện sẵn có của địa phương để tích cực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Bài 2: Lan tỏa chuyện thoát nghèo

Thái Cảnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201910/tac-pham-du-thi-giai-bao-chi-bua-liem-vang-2019-ba-che-doi-moi-cach-nghi-cach-lam-de-giam-ngheo-ben-vung-bai-1-di-tim-loi-giai-cho-bai-toan-thoat-ngheo-2459033/