Ba Chẽ: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc

Ba Chẽ là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Chính điều này đã tạo nên những nét đặc sắc trong văn hóa của vùng đất này. Vì vậy, huyện đang tích cực thực hiện hoạt động cụ thể nhằm bảo tồn, lưu giữ, phát huy di sản văn hóa nơi đây, kết nối với việc phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Huyện Ba Chẽ đầu tư kinh phí tôn tạo miếu Bàn Vương, thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn.

Huyện Ba Chẽ đầu tư kinh phí tôn tạo miếu Bàn Vương, thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn.

Thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn được các chuyên gia đánh giá là không gian sống của người Dao nguyên thủy. Thêm vào đó, thôn cũng là khu vực trung tâm của văn hóa bản địa bởi nằm giữa thôn Cái Gian, nơi có di tích miếu Ông, miếu Bà; thôn Làng Mới với di tích lò gốm cổ, nghề làm thuyền độc mộc; thôn Lò Vôi, nơi có CLB múa Phùn Voòng, CLB thêu Dao Sán Chay…

Nhằm đưa Sơn Hải trở thành trung tâm kết nối trọng điểm của du lịch cộng đồng, năm 2019, huyện đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, huyện đã đầu tư tôn tạo miếu Bàn Vương với tổng kinh phí 660 triệu đồng; sưu tầm, biên soạn tài liệu lớp dân ca và dân vũ, triển khai các bước đầu tư nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động triển khai đề án đang tạm dừng. Việc khởi công xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và một số mô hình homestay, phục dựng lễ hội Bàn Vương, tổ chức lễ hội trà hoa vàng... sẽ sớm được thực hiện vì đã chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết.

Thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, huyện đã xây dựng phóng sự quảng bá về truyền thống lịch sử, văn hóa, ẩm thực của các dân tộc. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp truyền dạy văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Lớp hát đối của dân tộc Dao Thanh Y, lớp thêu thổ cẩm của dân tộc Dao Thanh Phán, lớp hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chay, lớp truyền dạy đan lát...

Nhằm làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân, bảo tồn làn điệu truyền thống, giáo dục văn hóa cho thế hệ trẻ, huyện đã vận động thành lập nhiều CLB như: CLB hát đối của dân tộc Dao Thanh Y tại xã Nam Sơn, CLB hát đối của dân tộc Dao Thanh Phán tại xã Đồn Đạc, CLB hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chay tại xã Thanh Lâm.

Người dân tham gia thi cày tại Lễ hội Lồng Tồng xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ. (Ảnh chụp tháng 1/2020)

Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực hiện sưu tầm tại 8 xã, thị trấn về trang phục, đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất, nhạc cụ (quạt cọ, quạt hòm, niểng, sung, rổ, giá, sàng, nia, cào thóc….) thuộc các dân tộc Dao, Sán Chay trên địa bàn huyện. Đồng thời, tiếp tục phát huy, bảo tồn, tổ chức định kỳ 3 lễ hội gồm: Lễ hội Đình Làng Dạ, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà.

Các lễ hội tập trung vào các nội dung tế lễ, lễ dâng dương, trình diễn trang phục dân tộc, thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, ẩm thực… Các lễ cấp sắc, lễ lập bàn thờ cổ của người Dao vẫn được duy trì tự tổ chức theo chu kỳ hàng năm với quy mô phù hợp. Lễ cưới, lễ tang ma của các dân tộc cơ bản thực hiện theo nếp sống văn hóa, văn minh, không kéo dài nhiều ngày như trước, hình thức thách cưới bằng bạc trắng, bạc nén không còn. Đặc biệt, huyện đã phục dựng lễ cưới của dân tộc Dao Thanh Y tại thôn Lò Vôi, xã Nam Sơn.

Ngoài ra, huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Qua đó, huyện đã thu thập được từ các nghệ nhân một số tư liệu có liên quan, cụ thể như: Sách làm Lễ Phùn Vòng, sách so tuổi đám cưới của tộc người Dao Thanh Y và Thanh Phán.

Nhằm bảo tồn các di tích, huyện đã quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ, tu bổ đối với các di tích: Di tích lịch sử khu căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp của tỉnh Hải Ninh, di tích lịch sử lò sứ cổ...

Ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Chẽ, cho biết: Cùng với việc bảo tồn văn hóa truyền thống của địa phương, huyện cũng tích cực xây dựng đề án với các tuyến điểm du lịch nhằm vừa phát huy giá trị vừa nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Cao Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202004/ba-che-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cac-dan-toc-2478962/