Ba câu hỏi gửi tới thầy Bộ trưởng

Giá mỗi cuốn sách giáo khoa (SGK) từ 10.000 - 12.000 đồng đang ảnh hưởng tới muôn nhà, khi hiện cả nước có tới 15,6 triệu học sinh. Mỗi năm xuất bản hơn 1 triệu cuốn SGK, xã hội mất 1.000 tỉ đồng, nhưng đến năm sau không dùng được nữa?'. Ngành giáo dục có tiết kiệm trong việc in ấn SGK? Có lợi ích nhóm? Có độc quyền in ấn?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga mang sách giáo khoa lớp 1 ra phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19.9 để dẫn chứng. Ảnh: T.Dũng

Đây là những số liệu, những câu hỏi vừa được đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.

Mang tới nghị trường một cuốn SGK môn toán lớp 1, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga giải thích: Trước đây bài tập có sách riêng, SGK có sách riêng, nhưng bây giờ bài tập lại chung với SGK và học sinh buộc phải ghi bài tập vào sách. Theo bà, với cách in ấn sách như hiện nay, học sinh khóa sau không thể dùng được nữa.

“Tại sao bây giờ khác thế hệ trước, một bộ sách không dùng được 2-3 thế hệ? Tại sao lại phải ghi bài tập vào SGK? Tại sao mỗi năm chúng ta xuất bản hơn 1 triệu cuốn SGK, xã hội mất 1.000 tỉ đồng, rồi để phí khi đến năm sau không dùng được nữa?”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp liên tục đặt câu hỏi, và bà đề nghị đích danh Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm rõ vấn đề này.

Câu chuyện cả triệu cuốn SGK dùng một lần hay chi phí xã hội cả ngàn tỉ mỗi năm chưa bao giờ thôi nóng, và các câu hỏi về sự độc quyền trong xuất bản, về lợi ích nhóm, về sự lãng phí cũng chưa bao giờ hết tính thời sự cả. Bởi vấn đề là nó đã được đặt ra từ bao nhiêu năm nay, từ mấy đời bộ trưởng, để rồi SGK vẫn là chuyện riêng của NXB Giáo dục, để rồi hàng năm phụ huynh của mười mấy triệu học sinh lại thọc tay vào túi, cho một bộ sách mới, một chi phí mới, và đặt ra để rồi đâu lại vào đấy.

14 đề án đổi mới chương trình, đổi mới SGK giáo dục phổ thông cơ bản đã được thực hiện - một con số có lẽ là kỷ lục. Bao nhiêu mục tiêu giảm tải được đặt ra, chắc cũng kỷ lục. Rất nhiều ngôn từ mạnh mẽ “cải cách”, “đổi mới”, “cách mạng”… đã được tuyên bố. Nhưng rút cục ngay cuốn SGK đâu vẫn vào đấy.

Câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng chính là câu hỏi đau đáu bao năm nay của dân. Có lẽ, thầy Bộ trưởng phải một lần dứt khoát, rõ ràng. 1.000 tỉ phí tổn xã hội, cho một việc không đáng, từ một cách thức độc quyền, vì một nhóm lợi ích…, điều đó phải chấm dứt sớm.

Thầy Bộ trưởng hãy dứt khoát một câu rằng, đổi mới giáo dục nên bắt đầu từ việc tiết kiệm tiền cho dân. Rằng ngay từ niên học tới, câu chuyện vô lý đùng đùng này sẽ chấm dứt.

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ba-cau-hoi-gui-toi-thay-bo-truong-631750.ldo