Ba câu hỏi dành cho Israel hậu Thủ tướng Benjamin Netanyahu

Đoàn kết nội bộ, vấn đề Palestine và quan hệ với Mỹ là ba câu hỏi lớn mà một chính phủ Israel hậu Thủ tướng Benjamin Netanyahu cần sớm có đáp án.

Ngày 8/6, Chủ tịch Quốc hội Israel (Knesset) Yariv Levin cho biết cuộc họp bầu chính phủ mới sẽ diễn ra ngày 13/6.

Nếu chiến thắng, liên minh do Chủ tịch đảng Yamina Naftali Bennett và lãnh đạo đảng Yesh Atid, ông Yair Lapid dẫn dắt sẽ đặt dấu chấm hết cho 12 năm cầm quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Chính phủ mới sẽ tuyên thệ nhậm chức trong ngày.

Tuy nhiên, chấm dứt hơn thập niên cầm quyền của ông Netanyahu chỉ là bước đầu trên hành trình khó khăn của chính phủ mới, khi hiện có ba câu hỏi lớn đang chờ đợi trước mắt.

Một khi chính phủ mới được thông qua, ông Naftali Bennett (phải) và ông Yair Lapid sẽ thay nhau đảm nhiệm cương vị Thủ tướng trong 4 năm tới. (Nguồn: Flash90)

Một khi chính phủ mới được thông qua, ông Naftali Bennett (phải) và ông Yair Lapid sẽ thay nhau đảm nhiệm cương vị Thủ tướng trong 4 năm tới. (Nguồn: Flash90)

Thứ nhất, đó là câu hỏi về sự bền vững của chính phủ.

Nội các mới dự kiến bao gồm thành viên từ ba đảng cánh hữu, hai đảng trung lập, hai đảng cánh tả và một đảng bảo thủ Hồi giáo Arab. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhà nước Do Thái, một nhóm Arab độc lập tham gia liên minh chính trị cầm quyền.

“Chất keo” duy nhất kết nối họ là mong muốn chấm dứt nhiệm kỳ của ông Netanyahu. Song khi mục tiêu chung ấy được hoàn thành, liệu liên minh chính trị chắp vá, với 8 đảng, 8 hệ tư tưởng khác biệt có thể cùng tồn tại?

Chỉ thời gian mới có thể trả lời.

Trước mắt, ông Naftali Bennett sẽ giữ cương vị Thủ tướng tới năm 2023. Sau đó, Chủ tịch đảng Yesh Atid, ông Yair Lapid sẽ lãnh đạo Tel Aviv trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Thứ hai, đó là lập trường của Israel về vấn đề Palestine.

Một mặt, ông Naftali Bennett từng là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời ông Netanyahu. Đáng chú ý, chính trị gia 49 tuổi từng lãnh đạo tổ chức định cư chính của Israel ở Bờ Tây và phản đối sự tồn tại của Nhà nước Palestine.

Do đó, người Palestine lo ông sẽ duy trì quan điểm gay gắt trong vấn đề này. Ông Bassam al-Salhi, đại diện của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), cho rằng ông Bennett cứng rắn không kém ông Netanyahu. Hamas nhận định một chính phủ mới tại Israel sẽ không mang tới khác biệt.

Mặt khác, gần đây, ông Bennett đã gây bất ngờ khi đề xuất giữ nguyên hiện trạng, nới lỏng hoạt động đi lại cho người Palestine. Chủ tịch đảng thiểu số Arab United Arab List, ông Mansour Abbas hy vọng Tel Aviv có thể cải thiện điều kiện sống cho người Palestine trên lãnh thổ tại Israel.

Trong bối cảnh đó, không loại trừ chính phủ mới dự kiến sẽ tập trung vào kinh tế và đại dịch Covid-19, giữ nguyên hiện trạng vấn đề Palestine. Từ đó, Tel Aviv có thể tránh xung đột quan điểm giữa các đảng, bảo đảm liên minh cầm quyền tồn tại trong 4 năm tới.

“Chất keo” duy nhất kết nối họ là mong muốn chấm dứt nhiệm kỳ của ông Netanyahu. Song khi mục tiêu chung ấy được hoàn thành, liệu liên minh chính trị chắp vá, với 8 đảng, 8 hệ tư tưởng khác biệt có thể cùng tồn tại?

Thứ ba, đó là tìm kiếm hướng đi mới và bền vững trong quan hệ với Mỹ.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng người kế nhiệm sẽ phải bối rối trước Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Theo nhà lãnh đạo này, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Naftali Bennett chưa đủ cứng rắn để duy trì việc xây dựng các khu định cư trước áp lực từ ông chủ Nhà Trắng. Chủ tịch đảng Yamina cũng không thể tạo sức ép với Mỹ, ngăn cản Iran có vũ khí hạt nhân.

Đáp lại, ông Naftali Bennett khẳng định muốn làm việc với ông Joe Biden, song sẽ không dừng xây dựng khu định cư.

Tương tự, Chủ tịch đảng Yesh Atid, ông Yair Lapid nhấn mạnh chuyện hàn gắn mối quan hệ với đảng Dân chủ, củng cố đồng thuận lưỡng đảng Mỹ với Israel.

Trong khi đó, bất chấp áp lực từ cộng đồng quốc tế và một phần đảng Dân chủ, Washington vẫn cam kết bảo đảm an ninh cho Israel trước Hamas.

Tuy nhiên, lập trường của Mỹ về Palestine đã khác. Ngày 25/5, gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Ramallah, khu Bờ Tây, Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo Mỹ sẽ mở lại Tổng lãnh sự quán Jerusalem.

Nhà Trắng cũng đề nghị Quốc hội chi 75 triệu USD hỗ trợ người Palestine, với 5,5 triệu USD viện trợ khẩn cấp tới dải Gaza khắc phục hậu quả xung đột. Điều này sẽ đẩy người Do Thái vào thế khó.

Vì thế, tính gắn kết nội bộ, vấn đề Palestine và quan hệ với Mỹ là ba câu hỏi lớn mà chính phủ liên minh cần tìm đáp án.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ba-cau-hoi-danh-cho-israel-hau-thu-tuong-benjamin-netanyahu-147766.html