Ba câu hỏi cần tìm lời giải cho ngành Cơ khí

Tại Hội thảo Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, lãnh đạo Bộ Công Thương và cộng đồng các chuyên gia, đại diện doanh

Hội thảo Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 do Bộ Công Thương phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam và Tạp chí Cơ khí Việt Nam tổ chức sáng 5/9/2018, .

Hội thảo được tổ chức không chỉ hướng tới việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 và đưa ra các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển ngành, mà còn mong muốn tạo ra một diễn đàn có ý nghĩa quan trọng để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và đại diện các doanh nghiệp cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đánh giá, nhận diện những tồn tại, hạn chế của ngành cơ khí Việt Nam, từ; xác định các nguyên nhân của hạn chế và trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới.

Cơ khí Việt Nam: Bước tiến đã có, nhưng còn quá nhỏ

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí trong nước; đảm bảo khả năng tham gia sâu, có hiệu quả của nền kinh tế vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu, góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, dài hạn.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thẳng thắn chia sẻ nhận định về thực trạng ngành Cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập

Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Mặc dù các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đối với ngành cơ khí trọng điểm mới được áp dụng trong khoảng thời gian ngắn và còn nhiều hạn chế nhưng ngành cơ khí trong nước đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Theo số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), số lượng doanh nghiệp cơ khí đã tăng mạnh từ 10.000 doanh nghiệp năm 2010 lên 21.000 doanh nghiệp năm 2016, chiếm 28% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động, chiếm 17% tổng số lao động trong ngành chế biến chế tạo. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD.

Nhiều sản phẩm trước đây phải nhập khẩu đến nay từng bước đã được thay thế; dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã được đồng bộ, các doanh nghiệp đã làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa dần được nâng cao, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; đóng tàu; máy công cụ và máy nông nghiệp... Các sản phẩm này đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ sự biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực cũng như kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đã có đóng góp thiết thực cho sự phát triển công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn khẳng định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phải nhìn nhận một cách thực tế rằng ngành cơ khí nước ta còn rất nhiều hạn chế. Năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp, số lượng doanh nghiệp quá ít so với tổng số doanh nghiệp cả nước, nhập siêu các sản phẩm cơ khí còn lớn, chưa chủ động được về nguyên vật liệu, vẫn phải phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, trong khi đó liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành còn kém, và khả năng hấp thụ công nghệ các doanh nghiệp trong nước chưa cao.

Ba bài toán khó cần giải

Với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp trên thế giới và xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng gia tăng đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng có không ít thách thức đối với ngành cơ khí Việt Nam. “Trước thực tế đó chúng ta phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế tận dụng cơ hội để phát triển. Phải tạo dựng môi trường thể chế, chính sách pháp luật thuận lợi cho doanh nghiệp cơ khí, từ đó thúc đẩy phát triển ngành cơ khí nước ta.”

Hội thảo Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 tổ chức sáng 5/9

Theo Thứ trưởng, cần tập trung vào 3 câu hỏi trọng điểm, trước hết là “Ngành cơ khí Việt Nam đang ở đâu?”, tập trung đánh giá thực trạng ngành cơ khí, những tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân của hạn chế đó. Trong khi đó, “Thế giới và khu vực đã và đang làm gì để phát triển ngành cơ khí?”, từ đây đưa ra bài học kinh nghiệm áp dụng được với Việt Nam. Cuối cùng, “Việt Nam cần làm gì để phát triển ngành cơ khí?”, trong đó tập trung đề xuất định hướng, giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam thời gian tới, trong đó chú trọng tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những chính sách mới và đưa ra những giải pháp để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp cũng như hạn chế của chính sách hiện hành, trước hết chú trọng xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề để điều chỉnh danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm và đơn giản hóa thủ tục xác nhận cho phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, tích cực nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các quy định về đấu thấu trong nước, mua sắm công nhằm tạo thuận lợi cho việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, tạo ra giá trị gia tăng trong nước, đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cơ khí theo chuẩn quốc tế và ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm cơ khí trọng điểm để làm căn cứ kiểm tra chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Đặc biệt, hình thành và phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp cơ khí áp dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp đề xuất những điều chỉnh về chính sách thuế nhằm tạo bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí trong nước (như quy định về thuế giá trị gia tăng đối với phần giá trị sản xuất trong nước của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, máy nông nghiệp, thuế nhập khẩu phụ tùng linh kiện máy nông nghiệp về bằng mức thuế nhập khẩu máy móc thiết bị nguyên chiếc); song song với tăng cường và nâng cao chất lượng của hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại trong ngành cơ khí chế tạo.

Trong thời gian tới, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về cơ khí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thu thập thông tin liên quan, thúc đẩy kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp cơ khí và hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành cơ khí. Những giải pháp này cần phải được triển khai càng sớm càng tốt, nhằm tạo môi trường đầu tư, điều kiện kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp cơ khí.

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành, các chuyên gia tại Hội thảo nhấn mạnh, bản thân mỗi doanh nghiệp trong ngành cũng cần cố gắng, quyết tâm hơn nữa trong việc không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, trình độ quản lý để từng bước đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của các Tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/ba-cau-hoi-can-tim-loi-giai-cho-nganh-co-khi-2018090505129998p0c77.htm