Ba cán bộ ngân hàng Oceanbank lừa đảo, chiếm đoạt hơn 400 tỷ đồng đối mặt với mức án nào?

Ba cán bộ ngân hàng thuộc chi nhánh Oceanbank Hải Phòng có nguy cơ phải đối mặt với mức án chung thân về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến vụ việc gây xôn xao dư luận khi ba cán bộ Ngân hàng Oceanbank chi nhánh Hải Phòng bị lực lượng chức năng bắt giữ vì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền “khủng” lên đến hơn 400 tỷ đồng, lực lượng chức năng Bộ Công an đã tiến hành bắt giữ được ba nghi can này khi cả ba đang lẩn trốn tại TP HCM.

Những người bị bắt gồm: Trần Thị Kim Chi (43 tuổi, quê Nam Định, Giám đốc Chi nhánh Hải Phòng - Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương); Lê Vương Hoàng (36 tuổi, quê Thái Bình, kiểm soát viên chi nhánh ngân hàng) và Nguyễn Thị Minh Huệ (35 tuổi, quê Thái Bình, cán bộ chi nhánh ngân hàng).

Cả ba nghi phạm bị bắt khi đang lẩn trốn tại TP HCM, tối ngày 26/9, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) phát đi thông báo bắt giữ 3 bị can đã bị cơ quan chức năng Bộ Công an truy nã liên quan đến hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền lên đến hơn 400 tỷ đồng.

Ba cán bộ ngân hàng Oceanbank chi nhánh Hải Phòng vừa bị lực lượng chức năng Bộ Công an bắt giữ.

Trước đó, ngày 16/9, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trần Thị Kim Chi, nguyên Giám đốc Oceanbank chi nhánh Hải Phòng cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai ngày sau, Bộ Công an ra quyết định truy nã các nghi phạm này.

Được biết, từ năm 2012, có 17 người gửi tiết kiệm tổng cộng hơn 400 tỷ đồng tại OceanBank Hải Phòng trên đường Tô Hiệu. Sau 5 năm, cuối tháng 8, đầu tháng 9-2017, những người này đi tất toán thì được thông báo sổ không hợp lệ; hơn 400 tỷ đồng không có trong hệ thống.

Trước những hành vi có dấu hiệu “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” với số tiền “khủng” lên đến hơn 400 tỷ đồng, ba nghi phạm trong vụ án này có thể phải chịu hình phạt như thế nào?. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Đức Năng (Công ty luật Dragon-Đoàn luật sư TP Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Đức Năng - Công ty luật Dragon - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Theo luật sư Nguyễn Đức Năng, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hành vi của người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác.

Theo điều 139 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì hành vi vi phạm nêu trên được quy định như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

“Như vậy, về khung hình phạt tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà pháp luật có quy định các khung hình phạt khác nhau. Đối chiếu với trường hợp vi phạm của các nghi phạm nguyên là cán bộ Ngân hàng Ocenbank chi nhánh Hải Phòng , cơ quan điều tra trước hết sẽ căn cứ vào đơn của người bị hại để từ đó xác minh, xác định số tiền mà những người trên đã lừa đảo”, luật sư Năng chia sẻ.

“Nếu số tiền chiếm đoạt nhiều hơn 500 triệu đồng thì có đủ căn cứ để áp dụng khoản 4 điều 139 BLHS với khung hình phạt nặng nhất của tội danh này là chung thân”, luật sư Năng nhận định.

Văn Đại

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ba-can-bo-ngan-hang-oceanbank-lua-dao-chiem-doat-hon-400-ty-dong-doi-mat-voi-muc-an-nao-d53948.html