Ba bước nên thực hiện khi các tòa soạn tích hợp AI vào công việc

Trong bối cảnh các tòa soạn trên toàn thế giới đang khám phá những tác động của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cuộc thảo luận xung quanh việc áp dụng công nghệ này vẫn tiếp tục mở rộng.

Biên tập viên cấp cao Pranav Dixit tại Engadget và là nghiên cứu viên Nieman năm 2022 tại Harvard, đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của mình về ứng dụng của AI trong tòa soạn tại Hội nghị thượng đỉnh AI tại Bengaluru (Ấn Độ), dựa trên kinh nghiệm sâu rộng của ông với thị trường truyền thông Mỹ và Ấn Độ.

Theo một nghiên cứu gần đây của Associated Press, gần 75% chuyên gia tòa soạn tại Mỹ và EU đã sử dụng AI tạo sinh ở một số hình thức. Các ứng dụng chính bao gồm tạo văn bản, bài đăng trên mạng xã hội, tiêu đề và thậm chí là sử dụng AI trong toàn bộ bài viết.

Tuy nhiên, Giám đốc Sáng kiến AI tại New York Times, Dixit cho biết báo chí AI sẽ thất bại khi không được kiểm soát, tạo ra sự lười biếng, ích kỷ, không trung thực và không minh bạch. Nhưng nếu AI được thẩm định nghiêm ngặt, nó sẽ tạo ra thành công, tập trung vào người đọc, trung thực và minh bạch.

 Pranav Dixit phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh AI gần đây ở Bengaluru, Ấn Độ. Ảnh: WAN-IFRA

Pranav Dixit phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh AI gần đây ở Bengaluru, Ấn Độ. Ảnh: WAN-IFRA

Dixit đã nêu bật một số ứng dụng thành công của AI trong tòa soạn ngoài việc tạo nội dung:

GPT tùy chỉnh: Nhà báo người Philippines Jaemark Tordecilla đã dành 16 giờ đồng hồ để nghiên cứu ứng dụng AI của riêng mình bằng cách sử dụng tính năng "create a GPT" của OpenAI để tạo phiên bản ChatGPT tùy chỉnh, nhằm giúp các nhà báo giảm đáng kể thời gian phân tích các báo cáo kiểm toán để tìm ra dấu hiệu tham nhũng, từ đó phát hiện ra những manh mối quan trọng một cách dễ dàng.

BuzzFeed News: Tòa soạn cũ của Dixit (hiện đã đóng cửa) đã sử dụng AI để phát hiện máy bay do thám ẩn. Bằng cách phân tích dữ liệu chuyến bay công khai và sử dụng nhận dạng mẫu, họ đã phát hiện ra các hoạt động giám sát của cả máy bay chính phủ và tư nhân.

Realtime.org: Được tạo ra bởi các nhà báo Matthew Conlon và Harsha Panduranga, trang web này sử dụng AI để tạo biểu đồ thời gian thực từ các nguồn dữ liệu công khai. AI viết tiêu đề và tóm tắt, cung cấp thông tin chi tiết có giá trị cho người đọc với chi phí tối thiểu.

Theo Dixit, những ví dụ này chứng minh rằng AI có thể nâng cao báo chí khi được sử dụng một cách cẩn thận. Điểm chung của các dự án này là sự kết hợp giữa khả năng của AI với sự giám sát của con người, đảm bảo rằng công nghệ đóng vai trò là công cụ chứ không phải là sự thay thế cho con người.

Tại Mỹ, nhiều tổ chức tin tức đã bắt đầu công bố các hướng dẫn về đạo đức AI. Các hướng dẫn thường nêu rõ rằng AI sẽ không được sử dụng để viết toàn bộ các bài viết. Một số tòa soạn Ấn Độ đang bắt đầu áp dụng các cách tiếp cận tương tự.

Dixit đề xuất ba bước để các tòa soạn Ấn Độ tăng cường tích hợp AI:

Hội thảo đào tạo AI: Tổ chức hội thảo để giúp nhân viên tòa soạn làm quen với các công cụ AI và ứng dụng của chúng, điều này có thể thúc đẩy việc sử dụng công nghệ hiệu quả hơn.

Tìm hiểu khả năng hỗ trợ của AI: Các tòa soạn nên tìm hiểu cách AI có thể hỗ trợ và cải thiện quy trình sản xuất tin bài cốt lõi, học hỏi từ những ví dụ thành công ở các khu vực khác.

Xác định mục tiêu khi sử dụng AI: Xác định mục tiêu, chẳng hạn như tăng lưu lượng truy cập hoặc cải thiện hiệu quả quy trình làm việc, có thể giúp các tòa soạn sử dụng AI một cách chiến lược thay vì bị động.

Tuy nhiên, Dixit thừa nhận rằng mặc dù AI hiện là yếu tố quan trọng trong báo chí nhưng nó cũng có những hạn chế.

Ví dụ, AI gặp khó khăn với các nhiệm vụ đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc hoặc các phán đoán đạo đức phức tạp. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự tham gia của con người vào báo chí để đảm bảo rằng AI vẫn là một công cụ hỗ trợ chứ không phải là sự thay thế cho sự sáng tạo và hiểu biết của con người.

Ngọc Ánh (theo WAN-IFRA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ba-buoc-nen-thuc-hien-khi-cac-toa-soan-tich-hop-ai-vao-cong-viec-post311062.html