Ba biến chủng nCoV mới được phát hiện nguy hiểm thế nào?

R.1, C.1.2 và Mu đều chứa nhiều đột biến từng được cảnh báo có thể làm tăng khả năng lây lan của nCoV hoặc kháng lại vaccine Covid-19.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, giới chuyên gia trên toàn cầu cảnh báo về 3 biến chủng nCoV mới. Chúng đều đã xuất hiện cách đây khá lâu, song đang có xu hướng gây lo ngại. Đó chính là biến chủng C.1.2, Mu và R.1.

R.1

Ngày 22/9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) báo cáo hơn 200 người nhiễm biến một biến chủng nCoV mới. Họ gồm 83 người cao tuổi, 116 nhân viên y tế tại viện dưỡng lão ở Kentucky, với ca chỉ điểm là một nhân viên. Kết quả giải trình tự gene cho thấy các đột biến phù hợp với biến chủng R.1, được phát hiện lần đầu tại Nhật Bản vào tháng 1.

CDC lần đầu tiên phát hiện biến chủng R.1 tại một cơ sở điều dưỡng ở Kentucky vào tháng 4. Tuy nhiên, biến chủng này không được CDC liệt kê trong danh sách các biến chủng đáng quan tâm.

Theo NY Post, trong tổng số ca nhiễm ở ổ dịch mới, nhiều người đã được tiêm phòng đầy đủ hai liều vaccine. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc vaccine có khả năng bảo vệ thấp trước biến chủng R.1.

Báo cáo của CDC cho thấy 75% số cư dân chưa được tiêm vaccine ở viện dưỡng lão nhiễm chủng R.1, cao gấp 3 lần con số 25,4% ở những người đã tiêm. Đây cũng là lý do khiến giới khoa học của Mỹ lên tiếng cảnh báo phải theo dõi R.1. Nó chưa được WHO hay CDC xếp vào các nhóm cần theo dõi đặc biệt. Tuy vậy, Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản đã coi đây là biến chủng “đáng quan tâm”.

 PGĐ khoa Cấp cứu, chăm sóc nguy hiểm của Bệnh viện Itabashi, Junko Yamaguchi, đứng bên ngoài phòng của một F0. Ảnh: Ryusei Takahashi/Japan Times.

PGĐ khoa Cấp cứu, chăm sóc nguy hiểm của Bệnh viện Itabashi, Junko Yamaguchi, đứng bên ngoài phòng của một F0. Ảnh: Ryusei Takahashi/Japan Times.

R.1 mang bộ đột biến từng xuất hiện ở nhiều biến chủng đáng chú ý trước đây, đó là đột biến C241U, đột biến P323L ở polymerase NSP12 và đột biến D614G. Trong đó, D614G từng được cảnh báo có thể làm tăng khả năng lây lan của virus. Hai dạng đột biến còn lại vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ với giới nghiên cứu.

Bộ ba đột biến này cũng từng xuất hiện ở nhiều biến chủng khác, đặc biệt là ở một số loại đáng lo như Alpha, Beta, Gamma, Delta, Lambda hay Mu.

Ngoài ra, theo NPR, R.1 còn có hai dạng đột biến E484K và W152L, cũng từng phát hiện ở nhiều chủng khác như Beta, Gamma, Eta, Iota, Mu. Cá biệt, đột biến G769V lần đầu được phát hiện ở biến chủng R.1.

Đột biến E484K được cảnh báo giúp virus tăng khả năng đối phó với kháng thể, nguy cơ kháng lại vaccine. Trong khi đó, giới chuyên gia cảnh báo W152L có thể giảm hiệu quả của kháng thể trung hòa trước virus.

C.1.2

Giới nghiên cứu tại Nam Phi gần đây lên tiếng cảnh báo về biến chủng nCoV mới mang tên C.1.2. Theo AFP, ngày 30/8, Viện Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm (NICD) của Nam Phi cho biết tốc độ tiến hóa của nó gần như nhanh gấp đôi so với các biến chủng khác trên toàn cầu từng được quan sát.

Theo LA Times, C.1.2 được phát hiện lần đầu vào tháng 5, chính thức được giới nghiên cứu Nam Phi theo dõi sát từ tháng 7. Nó phát triển từ biến chủng khác từng thống trị làn sóng lây nhiễm đầu tiên ở Nam Phi - C.1.

Theo báo cáo sơ bộ đăng tải trên MedRxiv, vào tháng 5, chủng này chỉ chiếm 0,2% trong số 1.054 bộ gene được nhóm chuyên gia ở Nam Phi giải mã. Tuy nhiên, chỉ sau một tháng, C.1.2 đã có mặt trong 1,6% trên 2.177 mẫu. Đỉnh điểm, đến tháng 7, 2% trong số 1.326 mẫu giải trình tự gene là của biến chủng C.1.2.

Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh tốc độ gia tăng đột biến tương tự như đã thấy ở biến chủng Delta và Beta khi chúng xuất hiện tại Nam Phi. C.1.2 đã lan từ châu Phi sang châu Á, châu Đại Dương và châu Âu. Giới chuyên gia phát hiện chúng ở Botswana, Mauritius, Trung Quốc, New Zealand, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh.

Hình ảnh dưới kính hiển vi của một tế bào nCoV. Ảnh: NIAID.

Khoảng 52% các đột biến từng xuất hiện trong các biến chủng đáng quan ngại như Delta, Beta, Alpha. Chúng từng được cảnh báo giúp nCoV lây lan nhanh hơn hoặc trốn tránh vaccine Covid-19.

Điển hình như đột biến D614G, phổ biến trên tất cả biến chủng nCoV mới. Hay đột biến E484K và N501Y cũng đã được tìm thấy trong các biến chủng Beta, Gamma. N501Y trong Alpha và E484K được tìm thấy trong biến thể Eta.

N501Y từng được cảnh báo có liên quan khả năng liên kết với thụ thể ACE2 của tế bào người, giúp nCoV “bẻ khóa” và xâm nhập, lây lan nhanh hơn. Trong khi đó, E484K có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể người với virus. Nhờ đó, nCoV vượt hàng rào miễn dịch do vaccine sinh ra dễ dàng hơn.

Đặc biệt, theo nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Imperial College London, E484K giúp biến chủng Gamma làm giảm mạnh hiệu quả của vaccine CoronaVac do Trung Quốc phát triển.

Theo Viện Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm (NICD) Nam Phi, tốc độ tiến hóa của C.1.2 nhanh gấp 1,7 lần so với các biến chủng khác trên toàn cầu từng được quan sát. Chính vì thế, tiến sĩ Stuart Ray, Trường Y Đại học Johns Hopkins, rất ấn tượng với biến chủng này. “Nó mang rất nhiều thay đổi đáng lo ngại. Những thay đổi giúp nó dường như phát triển nhanh hơn bao giờ hết”, vị chuyên gia nói thêm.

Đánh giá về ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm của C.1.2 so với Delta, ông Ray cho hay chúng ta chưa đủ dữ liệu để trả lời câu hỏi này.

“Chúng ta cần nhiều hơn bằng chứng cho thấy C.1.2 cạnh tranh mạnh mẽ với Delta. Nếu nó không đủ mạnh, đây sẽ là biến chủng đáng lưu tâm nhưng Delta vẫn là tâm điểm. Chúng ta vẫn cần cảnh giác và quan sát thêm”, vị chuyên gia nói thêm.

Mu

Vào tháng 8, 7 người cao tuổi trong một viện dưỡng lão ở Mỹ đã tử vong vì Covid-19. Họ đều đã được tiêm vaccine Covid-19 và điều đặc biệt là giải trình tự gene có điểm chung - nhiễm biến chủng Mu (tên khoa học là B.1.6.21).

Sự lây lan của Mu trên thế giới đã đặt ra câu hỏi liệu biến chủng này có gây ra mối đe dọa mới, thậm chí lớn hơn Delta đang hoành hành hay không. Giới chức y tế Mỹ cho biết biến chủng Mu của virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện tại 49/50 bang của nước này, với Nebraska là bang duy nhất chưa ghi nhận ca mắc biến chủng mới.

Biến chủng Mu xuất hiện lần đầu tiên tại Colombia vào đầu tháng 1. Cho đến nay, giới khoa học chưa có câu trả lời chính xác, song, họ không ngừng hoài nghi và lo lắng trước biến chủng này.

Ngày 30/8, WHO bổ sung Mu vào danh sách biến chủng Covid-19 cần quan tâm (VOI). Nguyên nhân là nó “có một vài đột biến có thể có khả năng vượt qua hệ miễn dịch, giống như hiện tượng xảy ra với biến chủng Beta” và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Johnson & Johnson cho cư dân ở Cape Town. Ảnh: Bloomberg.

Đặc biệt, Mu có nhiều đột biến từng được tìm thấy ở những biến chủng đáng quan ngại như E484K (cùng xuất hiện ở biến chủng Beta, Gamma), N501Y, P681H (có trong trình tự gene của Alpha) và D950N (đột biến của Delta). Đặc biệt, E484K đã được chứng minh làm giảm độ nhạy với các kháng thể và kháng miễn dịch từ vaccine.

Song, tỷ lệ phổ biến của biến chủng này trong các ca bệnh tại Nam Mỹ đang có xu hướng giảm mạnh. Đỉnh điểm, vào giữa tháng 7, khoảng 5% F0 mới nhiễm biến chủng Mu. Hiện tại, con số này chỉ còn khoảng 3%.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại Italy phản biện vaccine Pfizer vẫn vô hiệu hóa được biến chủng Mu, dù khả năng thấp hơn so với chủng gốc. Nghiên cứu của họ đăng tải trên tạp chí Medical Virology cuối tháng 7 và kết luận B.1.6.21 “không phải là mối quan tâm về hiệu quả của vaccine”.

Vì sao SARS-CoV-2 có nhiều biến chủng mới? Trong quá trình nhân lên, nCoV và mọi virus khác đều sẽ xuất hiện các đột biến. Đột biến có thể tạo thành chủng virus mới nguy hiểm hơn.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ba-bien-chung-ncov-moi-duoc-phat-hien-nguy-hiem-the-nao-post1266295.html