'Bà Bảy bán bún' tình nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ

Gần 4 năm tự nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, với bà Võ Thị Bảy (54 tuổi) ở xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu đó là công việc xuất phát từ tâm, từ đạo lý uống nước nhớ nguồn và lòng cảm phục những Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì quê hương, đất nước.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Diễn Liên được xây dựng năm 2003, là nơi yên nghỉ của 110 liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ. Trong khuôn viên có nhiều công trình như nhà bia, đài tưởng niệm, phần mộ, vườn hoa…

Theo bà Bảy, cách đây mấy năm, trong một lần đến nghĩa trang thắp hương cho người thân, thấy cảnh quan khuôn viên bề bộn, bà đã nán lại làm vệ sinh, quét dọn, nhổ cỏ… và rồi công việc này đã gắn bó với bà suốt những năm qua.

Hồi trước đất đai trong nghĩa trang nhiều sỏi đá, cằn cỗi, bà đã dùng xe rùa chở đất màu từ ruộng về cải tạo, đồng thời tích cực sưu tầm các loại hoa đẹp, dễ sống ở khắp nơi đưa về trồng. Hàng ngày, bà thường đến nghĩa trang vào buổi chiều để quét dọn, xới đất, nhổ cỏ, tưới cây, lau chùi bia mộ…

Nghĩa trang liệt sỹ xã Diễn Liên, nơi yên nghỉ của 110 liệt sỹ. Ảnh: Huy Thư

Nghĩa trang liệt sỹ xã Diễn Liên, nơi yên nghỉ của 110 liệt sỹ. Ảnh: Huy Thư

Gia đình bà làm 5 sào ruộng, ngày mùa mặc dù bận rộn, hết làm ruộng nhà mình, lại đi cấy thuê kiếm thêm thu nhập, bà vẫn dành thời gian đến chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều hôm đi làm đồng về muộn, bà đã đến nghĩa trang làm việc trong đêm. Suốt những năm qua, nghĩa trang không có đèn, bà phải dùng đèn pin, đèn đội đầu để cuốc cỏ, trồng hoa, xách nước tưới cây…

Mỗi năm, khi mùa hè đến, nắng nóng, khô hạn kéo dài, mọi người thường thấy bà hì hục đẩy những chuyến xe tay, chở từng thùng nước từ nhà ra nghĩa trang. Thời gian gần đây, xã Diễn Liên đã sắm máy bơm cùng hệ thống vòi tưới đầy đủ, lắp bóng đèn cao áp trong khuôn viên nghĩa trang nên công việc của bà đỡ vất vả hơn.

Bà Võ Thị Bảy - người phụ nữ tình nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ. Ảnh: Huy Thư

Nhờ bàn tay chăm sóc của bà, khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ xã ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Trong nắng hè gay gắt, những luống hoa vẫn xanh tươi, khoe sắc. Đến nghĩa trang liệt sĩ xã Diễn Liên, ngay từ ngoài cổng, mọi người đã cảm nhận được điều này.

Nói về công việc của mình, bà Bảy tâm sự: “Các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì quê hương, đất nước. Tôi chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ với mong muốn góp phần làm cho nơi yên nghỉ của các anh, các chị ngày càng sạch, đẹp, trang nghiêm. Đây là công việc mà tôi hoàn toàn tự nguyện”.

Theo bà Bảy, gia đình bà có 2 người thân mà bà gọi bằng chú mự cũng đều là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Gần 4 năm gắn bó với nghĩa trang liệt sĩ xã, bà Bảy đã sống và làm việc bằng tâm, không ai thúc dục, bà vẫn tự giác thực hiện như chính bổn phận, nghĩa vụ của mình. “Mỗi khi cán bộ, người dân địa phương, thân nhân liệt sĩ đến thăm nghĩa trang thấy công việc tôi làm chu đáo, đã động viên khích lệ, với tôi như vậy cũng đã cảm thấy ấm lòng” – bà Bảy chia sẻ.

Buổi chiều hàng ngày bà Bảy lại đến nghĩa trang xã Diễn Liên bắt đầu công việc quen thuộc của mình. Ảnh: Huy Thư

Được biết, trước đây gia đình bà làm ăn ở Tây Nguyên, sau mới chuyển về quê sinh sống. Vợ chồng bà có 3 người con, đã lập gia đình. Chồng bà làm nghề thợ xây, còn bà làm thêm nghề bán bún, rau vặt. Hàng ngày, bà thường lấy bún ở Diễn Quảng về bán ở quán cóc trước nhà văn hóa xóm. Người dân quen gọi bà là “bà Bảy bán bún”.

Là người nhiệt tâm vì tập thể, bà còn là một Tổ phó tổ dân cư gương mẫu - người đi tiên phong trong việc trồng hoa làm đẹp đường làng, xuất giống hoa cho nhiều chị em phụ nữ trong xã, góp phần làm lan tỏa phong trào trồng hoa ở địa phương. Việc bà tự nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ được gia đình hoàn toàn ủng hộ.

Ông Nguyễn Quốc Phó (56 tuổi) chồng bà Bảy cho biết: “Con cái đã trưởng thành, hai vợ chồng sống với nhau, bà ấy tranh thủ làm được việc gì tốt thì cứ làm. Chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ hay làm đẹp đường làng là những việc có ích cả, tôi và con cái đều tán đồng”.

Bà Bảy đã gắn bó với công việc chăm sóc tại nghĩa trang liệt sĩ xã từ mấy năm nay. Ảnh: Huy Thư

Một vai hai gánh, vừa làm việc nhà, vừa lo công việc thôn xóm, chăm sóc tại nghĩa trang, bà phải thu xếp, sắp đặt thật hợp lý, mới “trọn vẹn được đôi đường”. Làm việc tại nghĩa trang một cách tự nguyện (không phụ cấp) với tinh thần hăng hái, vui tươi, tận tụy như bà không phải ai cũng làm được.

Lúc đầu, thấy bà “vác tù và hàng tổng” một cách say mê, nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Bà Bảy cho rằng: “Các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc mới có ngày hôm nay, việc trông coi, chăm sóc nghĩa trang của tôi chỉ là nghĩa cử thể hiện tấm lòng của một người dân đối với các anh hùng liệt sĩ. Còn khỏe, còn lao động được, thì tui vẫn tiếp tục công việc này”.

Bà Võ Thị Bảy tình nguyện chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ xã Diễn Liên. Video: Huy Thư

Nói về việc làm của bà Bảy, ông Nguyễn Trung Hoàng – Chủ tịch UBND xã Diễn Liên cho biết: “Nghĩa trang liệt sĩ xã Diễn Liên đã được tôn tạo khang trang, sạch, đẹp, bốn mùa cây cối xanh tươi, mùa nào hoa ấy. Có được như vậy một phần nhờ vào sự chăm sóc của bà Võ Thị Bảy.

Những năm qua, bà đã tự nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ xã là một nghĩa cử đáng trân trọng. Chính quyền địa phương ghi nhận và khen ngợi sự đóng góp của bà Bảy trong công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”.

Huy Thư

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/ba-bay-ban-bun-tinh-nguyen-cham-soc-nghia-trang-liet-sy-271466.html