Bà bầu bị bệnh trĩ có sao không?

Bệnh trĩ không quá ảnh hưởng đến sức khỏe bà bầu nhưng có thể gây rối loạn đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhiều chị em. Bà bầu cần biết nguyên nhân và cách phòng ngừa chứng bệnh phổ biến này trong thai kỳ.

Nguyên nhân khiến bà bầu mắc bệnh trĩ

Bà bầu bị trĩ có thể do tình trạng táo bón kéo dài trong thai kỳ. Chứng táo bón khiến bà bầu phải rặn mạnh khi đại tiện tạo ra áp lực trong lòng ống hậu môn. Tình trạng táo bón lâu ngày sẽ làm xuất hiện các búi trĩ. Thời gian dài, búi trĩ bắt đầu to và có nguy cơ sa ra ngoài. Bà bầu bị trĩ lâu ngày có thể gây ra tình trạng chảy máu.

Áp lực ổ bụng tăng lên khi mang thai do quá trình giãn nở của tử cung tạo điều kiện cho thai nhi phát triển gây ra hiện tượng chèn ép mạch máu vùng hậu môn trực tràng cũng là nguyên nhân khiến bà bầu mắc bệnh trĩ.

Đa số bà bầu thường mắc bệnh trĩ trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba - Ảnh minh họa: Internet

Bệnh trĩ xuất hiện ở bà bầu còn do sự thay đổi nội tiết tố thời kỳ mang thai kéo theo tình trạng ít vận động của bà bầu làm các mô và thành tĩnh mạch lỏng lẻo gây ra.

Bà bầu thường mắc bệnh trĩ trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba. Mẹ bầu có tiền sử bị trĩ sẽ có nguy cơ tái phát trong thai kỳ. Sau khi sinh, chứng bệnh này sẽ biến mất ở nhiều sản phụ. Đặc biệt nếu bà bầu ngăn ngừa tốt chứng táo bón trong thai kỳ.

Theo các bác sĩ, bệnh trĩ không xác định thời gian phát bệnh vì là một trạng thái sinh lý bình thường. Bà bầu bị trĩ không ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe. Trường hợp trĩ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, bà bầu mới cần đi khám.

Khi bị trĩ, bà bầu nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để ngăn ngừa tình trạng ra máu và ngăn ngừa hoại tử nếu hiện tượng tắc mạch kéo dài 3 - 5 ngày.

Bà bầu nên làm gì để phòng bệnh trĩ?

Theo trang Babycenter, những giải pháp đơn giản dưới đây sẽ giúp bà bầu ngăn ngừa bệnh trĩ khi mang thai:

Tăng cường ăn nhiều chất xơ để giảm nguy cơ táo bón: Bà bầu nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả, trái cây… uống khoảng 10 ly nước mỗi ngày, tập luyện thể thao phù hợp đều đặn.

Không nên nhịn đi đại tiện: Nhịn đi đại tiện sẽ sinh ra tình trạng táo bón. Thói quen xấu này sẽ tác động lên tĩnh mạch gây bệnh trĩ. Bà bầu nên đi vệ sinh điều độ, đúng giờ, không nên nhịn quá lâu.

Không ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu: Bà bầu không nên ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh sẽ gây áp lực cho vùng trực tràng.

Bà bầu nên ăn nhiều chất xơ để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh trĩ - Ảnh minh họa: Internet

Thực hiện bài tập kegel mỗi ngày: Các bài tập kegel làm tăng quá trình lưu thông máu vùng trực tràng và tăng cường sức mạnh các cơ vùng hậu môn, giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ. Tập kegel cũng là phương pháp giúp phụ nữ sau sinh tăng cường và làm săn chắc các cơ xung quanh âm đạo và niệu đạo, giúp chị em sớm phục hồi sau sinh.

Không ngồi hoặc đứng trong thời gian quá dài: Trong giờ làm việc, bà bầu nên dành thời gian đi lại, di chuyển trọng vài phút để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trĩ. Khi ở nhà, bà bầu nên nằm nghiêng khi nằm ngủ, đọc sách hoặc xem ti vi để giảm áp lực vũng tĩnh mạch trực tràng và tăng lượng máu lưu thông đến phần dưới cơ thể.

Hồng Ngân

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/ba-bau-bi-benh-tri-co-sao-khong-c20a296386.html