Bà bầu ăn lá tía tô: Tuyệt chiêu trị ốm nghén và những bệnh thường gặp trong thai kỳ

Tía tô là cây rau gia vị và cây thuốc nam quen thuộc của mọi nhà. Bà bầu ăn lá tía tô sẽ giúp giải cảm, trị ốm nghén, buồn nôn và những triệu chứng 'khó ưa' khác trong thời kỳ mang thai.

Tía tô (còn có tên gọi là é tía, tử tô, xích tô) là rau gia vị và là cây thuốc nam phổ biến ở nước ta. Lá tía tô thường được dùng để ăn sống, nấu chín, chế biến món ăn hoặc giã lấy nước uống trị bệnh.

Lá tía tô không chỉ dùng trong ẩm thực mà còn được dùng làm thuốc - Ảnh minh họa: Internet

Lá tía tô không chỉ dùng trong ẩm thực mà còn được dùng làm thuốc - Ảnh minh họa: Internet

Theo Đông y, tía tô tính ấm, vị cay, mùi thơm chuyên trị cảm lạnh, nhức mỏi. Các bộ phận của tía tô như lá, hạt, cành… đều được dùng làm thuốc. Đối với phụ nữ có thai, tía tô có thể giúp bà bầu trị các triệu chứng khó chịu thường gặp trong thai kỳ.

Ích lợi khi bà bầu ăn lá tía tô

Bà bầu có thể ăn sống lá tía tô hoặc giã lấy nước trong một số trường hợp cần thiết dưới đây:

Chuyên trị cảm lạnh

Ăn cháo trắng tía tô sẽ giúp cơ thể bà bầu ấm lên khi bị cảm lạnh - Ảnh minh họa: Internet

Bà bầu mắc chứng cảm lạnh do sức đề kháng yếu có thể nấu cháo trắng tía tô ăn khi còn ấm để cơ thể sớm phục hồi. Ngoài ra, bà bầu có thể lấy một nắm lá tía tô, thêm vỏ quýt, lượng nhỏ gừng tươi đem rửa sạch, đun sôi với 1 chén nước. Sau khi hỗn hợp lá tía tô sôi, bà bầu uống nóng rồi đắp chăn để cơ thể ra mồ hôi. Bà bầu sẽ cảm thấy dễ chịu và cắt cơn cảm nhanh chóng.

Trị ốm nghén, an thai

Trong những tháng đầu tiên khi mang thai, bà bầu phải đối mặt với những cơn ốm nghén triền miên. Để giảm cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, bà bầu có thể áp dụng bài thuốc dân gian sau:

Lá tía tô cũng có tác dụng trị ốm nghén, an thai cho sản phụ - Ảnh minh họa: Internet

Nguyên liệu:

- Tía tô: 20g

- Ngải diệp, bạch truật, đương quy, phòng sâm, cẩu tích, liên kiều, liên nhục, cam thảo: 12g

- Đỗ trọng, sơn trà: 10g

- Sinh khương: 3 lát

- Đại táo: 3 quả

Thực hiện:

Bà bầu cho tía tô cùng các nguyên liệu khác vào ấm sắc uống với liều lượng 1 thang/ngày để giảm nôn ói, bổ tỳ, an thai.

Trị mụn trứng cá

Bà bầu bị mụn có thể dùng nước lá tía tô rửa mặt hàng ngày để sát khuẩn - Ảnh minh họa: Internet

Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai khiến vùng da mặt bà bầu nổi nhiều mụn. Trong giai đoạn nhạy cảm này, bà bầu không nên dùng các loại thuốc bôi gây ảnh hưởng đến thai nhi. Thay vào đó, bà bầu hãy dùng lá tía tô tươi vò nát, pha với nước để rửa mặt hàng ngày. Tinh chất trong lá tía tô sẽ giúp kháng khuẩn và cải thiện làn da của bà bầu đáng kể.

Giảm phù chân

Ngâm chân bằng nước lá tía tô sẽ giúp bà bầu giảm chứng phù nề - Ảnh minh họa: Internet

Trong hai tam cá nguyệt sau, sự phát triển nhanh chóng của thai nhi và lưu lượng máu gia tăng khiến bàn chân mẹ bầu dễ bị sưng phù. Gặp phải tình trạng này, bà bầu hãy dùng một nắm lá tía tô nấu sôi với một ít muối sau đó ngâm chân mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Các tinh chất trong lá tía tô sẽ giúp xoa dịu đôi chân, lưu thông khí huyết. Bà bầu sẽ ngủ ngon hơn và giảm đi chứng phù nề.

Bà bầu ăn hoặc uống nước lá tía tô mang lại nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe. Tuy nhiên, chị em cần lưu ý không nên ăn liên tục tía tô trong thời gian quá dài sẽ dẫn đến tác dụng phụ.

Theo các bác sĩ, bà bầu ăn là tía tô dài ngày có thể dẫn đến hiện tượng tăng huyết áp, chán ăn, người mệt mỏi, hơi thở yếu, choáng váng… Bà bầu bị cảm nóng, đổ nhiều mồ hôi khi ăn lá tía tô cần hết sức cẩn trọng. Cách tốt nhất, bà bầu chỉ ăn hoặc uống nước lá tía tô và trong những trường hợp cần thiết và nên tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân trước khi áp dụng các bài thuốc dân gian.

* Thông tin mang tính chất tham khảo.

Hồng Ngân (T.H)

Nguồn PNSK: https://phunusuckhoe.vn/ba-bau-an-la-tia-to-tuyet-chieu-tri-om-nghen-va-nhung-benh-thuong-gap-trong-thai-ky-c20a297060.html